DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Nguy cơ sập đổ di tích chùa Ngọc Phúc
(Ngày đăng: 19/02/2014   Lượt xem: 577)
Chùa Ngọc Phúc đang xuống cấp nghiêm trọng.

Gần đây, Báo Nhân Dân nhận được nhiều ý kiến phản ánh của bạn đọc về tình trạng di tích lịch sử chùa Ngọc Phúc, thôn Ngọc Phúc, xã Ngọc Liệp (Quốc Oai, Hà Nội) xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay, mùa mưa bão đang đến gần, di tích có thể sẽ bị sập đổ bất kỳ lúc nào, đe dọa đến sự tồn tại của những hiện vật lịch sử và tính mạng của các phật tử...

Tìm hiểu thực tế được biết, chùa Ngọc Phúc là ngôi chùa chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Ba gian chùa cổ là một di tích thể hiện kiến trúc nghệ thuật, văn hóa tôn giáo thời kỳ cuối thế kỷ thứ 17; đồng thời tại chùa còn lưu giữ được bia đá ghi nhận việc người dân đã hiến đất để xây chùa vào năm 1679, là minh chứng sinh động về niên đại của di tích. Nhiều đồ tiến cúng vào chùa đang được lưu giữ có niên đại từ các năm 1821, 1824, thể hiện rõ việc chính quyền và nhân dân ta luôn quan tâm bảo quản và trùng tu chùa nối tiếp nhau qua các thời kỳ để có được sự tồn tại của di tích cho đến ngày nay.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, sư trụ trì chùa Ngọc Phúc cùng các phật tử trên địa bàn đã có nhiều đóng góp cho cách mạng. Ông Nguyễn Huy Chuyển, 75 tuổi, 50 năm tuổi Đảng, nguyên học viên của Trường đào tạo cán bộ chính trị của Bộ Giáo dục cho biết: "Năm 1970, 1971, hơn 300 thầy trò chúng tôi sơ tán tại chùa, được nhà chùa nuôi giấu, che chở. Đến nay, hằng năm nhiều học viên vẫn tìm về đây để thăm hỏi...".

Trong ba gian chùa cổ, bên cạnh nơi thờ Phật còn có ban thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, là một trong những vị Thiền sư tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam, có nhiều công lao với đất nước vào thời nhà Lý. Tại chùa còn lưu giữ được quyển Ngọc phả, là thánh tích ghi những thông tin về nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh chào đời, đó là vườn Nở (sát bên cạnh chùa Ngọc Phúc). Trong thánh tích lưu giữ tại chùa có ghi rõ giờ, ngày sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, gắn liền với những truyền thuyết về ông... Đây là những hiện vật lịch sử vô cùng quý giá, kết hợp với những tư liệu lịch sử khác góp phần khẳng định về nguồn gốc của Thiền sư Từ Đạo Hạnh gắn liền với những công lao của ông đối với đất nước.

Cùng với thánh tích về Thiền sư Từ Đạo Hạnh, ba gian chùa chính còn là một công trình nghệ thuật về tôn giáo, trong đó đang lưu giữ nhiều pho tượng quý hiếm, là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, điển hình như bức tượng Phật Bà quá hải, tượng Phật Vua cha, tượng Phật Kim Đồng, tòa Cửu Long... Đây là những công trình hàm chứa nhiều giá trị văn hóa và lịch sử to lớn, thể hiện sức sống mãnh liệt của văn hóa dân tộc. Cũng chính vì những giá trị lịch sử lớn lao nêu trên, năm 1996, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ban hành quyết định bảo vệ di tích chùa Ngọc Phúc; năm 1997, Bộ Văn hóa - Thông tin đã cấp bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cho chùa Ngọc Phúc.

Ghi nhận tại chùa Ngọc Phúc, chúng tôi thấy, hiện nay chùa đang có nguy cơ bị sụp đổ bất kỳ lúc nào. Chùa được xây dựng bằng gạch đá ong, mái ngói, cột gỗ dựng trên nền đất bán sơn địa, ở vùng đất có nhiều mối, hầu hết các công trình xây dựng ở chung quanh chùa đều bị mối tấn công. Chùa bị mối tấn công quanh năm, nhiều nhất là vào mùa mưa, bão và khi thời tiết có sự thay đổi. Kết cấu cơ bản của ba gian chùa cổ là cột, xà bằng gỗ, tường làm bằng đá ong, hệ thống tượng Phật được làm chủ yếu bằng đất, gỗ, chỉ có một pho tượng làm bằng đồng. Từ khi được xây dựng đến nay, chùa Ngọc Phúc đã trải qua nhiều lần tu sửa, chỉnh trang trên cơ sở giữ nguyên bản các kiến trúc ban đầu, lần gần đây nhất là vào năm 1993.

ông Kiều Doãn Mùi, 60 tuổi, ở thôn Liệp Mai là người nhiều năm tham gia sửa sang mái chùa cho biết: "Nhiều năm nay, năm nào tôi cũng được sư thầy và nhân dân trong thôn mời về sửa mái chùa bị dột, nát. Năm trước thì tôi không dám trèo lên để làm, vì cột, kèo và mái chùa đã mục nát, không thể sửa được nữa!". Hiện nay, 14 cột gỗ, là những cột chịu lực chính nâng đỡ mái và tường chùa Ngọc Phúc đã trải qua nhiều lần tu sửa, chắp vá, đã mục nát, không còn khả năng chịu lực. Hầu hết các bức tường của chùa đã bị nứt vỡ, lún sụt và xô lệch nghiêm trọng. Trên mái chùa, hệ thống dui, hoành làm bằng gỗ đã bị mối mọt không thể khắc phục, cho nên mỗi lần gió to thì ngói trên mái chùa rụng xuống nơi thờ tự làm hư hại đến các hiện vật trong chùa.25/26 pho tượng đã bị mối xông đến 1/3, bị thấm nước mưa do chùa dột, có nguy cơ bị hư hỏng hoàn toàn, nhất là các bức tượng làm bằng đất.

Như vậy, nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ sụp đổ chùa Ngọc Phúc là do bị mối mọt xâm hại; bên cạnh đó, còn là do công tác chống mối mọt, tu bổ và chỉnh trang di tích thiếu kịp thời, nhất là từ sau khi được công nhận di tích lịch sử - văn hóa, nhà chùa không thể tự ý cải tạo, tu bổ. Do vậy, từ hư hỏng nhẹ, thiếu sự quan tâm tu bổ có chuyên môn đã dẫn đến hư hỏng nặng.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, sinh hoạt văn hóa tâm linh là nhu cầu cơ bản, quan trọng của đại bộ phận nhân dân thôn Ngọc Phúc. Vì thế, trước đây, thôn Ngọc Phúc có đến ba ngôi chùa (Ngọc Phúc tự, Quang Khánh tự, Ngọc tự), đều là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong thôn. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, hiện nay Quang Khánh tự, chùa Ngọc tự không còn, vì vậy phật tử dồn về sinh hoạt văn hóa tại chùa Ngọc Phúc. Sư thầy Thích Đàm Sang, trụ trì chùa Ngọc Phúc cho biết: "Nhiều hôm trời mưa, gió, chùa dột, ngói chùa có thể rơi vào đầu bất cứ lúc nào, nhưng các vãi vẫn mặc áo mưa để tụng kinh, lễ Phật bất chấp nguy hiểm...". Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng thôn Ngọc Phúc khẳng định: "Hiện nay, chùa là một nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng chủ yếu của nhân dân trong thôn. Từ khi có sư thầy về trụ trì và thường xuyên tu sửa chùa, nhân dân rất mừng. Mỗi khi chùa có việc gì, chỉ cần thông báo trên loa phát thanh của thôn là nhân dân kéo lên ủng hộ, không tiếc công sức, nhân dân trong thôn đang ngày đêm mong mỏi được cấp phép để tu sửa chùa...".

Từ nhiều năm nay, sư trụ trì chùa Ngọc Phúc và các phật tử đã nhiều lần đề nghị với các cấp có thẩm quyền cho phép tôn tạo di tích, sử dụng các vật liệu bằng các loại gỗ có thể chống mối mọt để tôn tạo lại ba gian chùa cổ, trên cơ sở lưu giữ nguyên hiện trạng cũ. Nguồn kinh phí chủ yếu để tôn tạo chùa lấy từ kinh phí tự có của chùa và sự đóng góp của các phật tử xa, gần. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, năm 2011, cấp có thẩm quyền lại phê duyệt phương án tôn tạo hầu hết các hạng mục xây dựng trong chùa bằng bê-tông cốt thép, điều này là chưa đúng với tinh thần của Quyết định số 05/2003/QĐBVHTT, ngày 6-2-2003, của Bộ Văn hóa - Thông tin về ban hành Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Thiết nghĩ, hiện nay việc tôn tạo chùa Ngọc Phúc là đòi hỏi cấp thiết, tránh nguy cơ di tích bị sụt, đổ. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần chủ động khảo sát, đánh giá chính xác hiện trạng của di tích chùa Ngọc Phúc, trên cơ sở đó hướng dẫn sư trụ trì và các phật tử làm thủ tục xin phép tôn tạo di tích đúng theo các quy định của pháp luật. Nguồn vốn để thực hiện tôn tạo di tích có thể sử dụng kinh phí tự có của nhà chùa, đóng góp của các phật tử và sự hỗ trợ của ngân sách địa phương. Không để xảy ra tình trạng sụp đổ di tích trong khi mùa mưa, bão đang tới gần.

                                                                                            Theo: nhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.499.296
Tổng truy cập: