KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
(Ngày đăng: 05/11/2012   Lượt xem: 570)

Những khó khăn về vốn, xây dựng thương hiệu, thị trường... hiện đang khiến các làng nghề ở Bình Giang lao đao.

binh giang.jpg

Nhiều xưởng sản xuất gỗ ở thôn Trai Như (xã Bình Xuyên) đang thu hẹp sản xuất vì thiếu vốn

Bình Giang hiện có 7 làng nghề, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động với mức thu nhập trung bình từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Nhờ có làng nghề, cuộc sống của người dân nơi đây được nâng lên, nhiều hộ trở nên khá giả. Tuy nhiên, những khó khăn về vốn, xây dựng thương hiệu, thị trường... hiện đang khiến các làng nghề ở Bình Giang lao đao.

Giá vàng lên xuống bấp bênh đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân ở 2 làng nghề vàng bạc Châu Khê và Lương Ngọc (xã Thúc Kháng). Ở Châu Khê có khoảng 200 hộ trong tổng số 240 hộ đang làm nghề chế tác vàng, bạc. Làng Lương Ngọc cũng có đến 250 hộ trong tổng số 358 hộ còn giữ nghề. Tuy nhiên, hiện nay giá vàng, bạc biến động không theo quy luật làm cho đời sống người dân làng nghề bấp bênh . Nhiều hộ vừa nhập vàng, bạc nguyên liệu với giá cao, khi chế tác xong sản phẩm bán ra thị trường thì giá vàng, bạc lại xuống thấp. Trong khi vốn đầu tư cho mỗi lần nhập nguyên liệu của làng nghề rất lớn, có khi lên đến hàng tỷ đồng. Hiện nay, làng nghề chưa được hỗ trợ về vốn nên việc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Ông Đỗ Mạnh Cường, Chủ nhiệm HTX Tân Tiến ở Lương Ngọc cho biết: "Để mở 1 xưởng chế tác vàng, bạc, trung bình phải có ít nhất 700 triệu đồng, chưa kể vốn lưu động cho mỗi lần nhập hàng khoảng 200 triệu đồng. Sản phẩm làm ra chưa thể tiêu thụ được ngay, nhiều hộ đi giao hàng ở miền Nam cả tháng mới thu hồi được vốn về".

Một vấn đề rất đáng quan tâm nữa là 2 làng nghề này còn gặp khó khăn khi chưa xây dựng được thương hiệu. Ông Hoàng Đình Dương, Chủ nhiệm HTX Kim hoàn Châu Khê cho biết: "Hiện tại, chưa có văn bản hay đơn vị nào đứng ra hướng dẫn xây dựng thương hiệu cho các làng nghề nên chúng tôi rất lúng túng. Đối với Châu Khê, do chưa xây dựng được thương hiệu nên nhiều lần đi giao hàng, sản phẩm của làng nghề đã bị lực lượng chức năng bắt giữ vì cho là vận chuyển hàng lậu".

Khó khăn về vốn, thương hiệu cũng là khó khăn chung của 5 làng nghề còn lại ở Bình Giang. Ngoài ra, các làng nghề mộc ở thôn Trai Như (Bình Xuyên) và Phương Độ (Hưng Thịnh), cơ khí (Tráng Liệt), gốm làng Cậy (Long Xuyên), lược làng Vạc (Thái Học) còn gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐND xã Tráng Liệt cho biết: “Tráng Liệt có làng nghề cơ khí lớn và lâu đời của tỉnh nhưng hiện nay do khó khăn về thị trường nên chỉ còn khoảng 16 hộ còn giữ nghề . Dù sản phẩm của làng nghề rất đa dạng như: máy bơm nước, bánh lồng, máy cày, máy ép nước mía, khung, bàn, ghế nhôm... có giá cả phải chăng, nhưng do phải cạnh tranh với nhiều chủng loại sản phẩm trên thị trường, đặc biệt là hàng Trung Quốc nên lượng tiêu thụ sản phẩm của làng nghề giảm. Nhiều hộ phải thu hẹp sản xuất”.

Ngoài các khó khăn trên, vấn đề xử lý chất thải, thiếu không gian trưng bày các sản phẩm cũng khiến các làng nghề ở Bình Giang phải loay hoay tìm hướng giải quyết.

Để tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề, những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đã tổ chức một số lớp dạy nghề cho lao động ở các làng nghề Trai Như, Châu Khê, Lương Ngọc. Ngân sách tỉnh hỗ trợ dự án làm đường giao thông ở làng nghề mộc Trai Như. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của các làng nghề hiện nay là chính sách về vốn . Theo ông Vũ Quang Đáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang, ở cấp huyện, không có nguồn kinh phí dành cho phát triển làng nghề. Đối với cấp tỉnh, theo Sở Công thương, việc tạo vốn cho làng nghề không dễ, phụ thuộc nhiều vào chính sách điều hành tiền tệ của các ngân hàng. Muốn thay đổi, phải có chính sách chỉ đạo từ Trung ương. Như vậy, chưa thể nhanh chóng để tất cả các làng nghề ở Bình Giang có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Theo báo hải dương

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.496.894
Tổng truy cập: