KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Cốm làng Vòng “hậu scandal”
(Ngày đăng: 29/10/2012   Lượt xem: 754)

Cốm làng Vòng là một thứ sản vật nổi tiếng đất kinh kỳ từ xa xưa.

com-1-60dbf.jpg
Còn rất ít người dân làng Vòng bám trụ với nghề làm cốm truyền thống. Ảnh: PV

Không biết từ lúc nào mà cốm làng Vòng không chỉ là món ăn mà nó đã trở thành một nét văn hóa Hà Nội. Mùa cốm năm trước, một số hộ làm cốm bị phát hiện dùng chất nhiễm độc để bảo quản sản phẩm. Cốm làng Vòng tưởng chừng như biến mất vì bị người tiêu dùng tẩy chay . Rất may ở làng vẫn có những người tâm huyết quyết tâm giữ nghề cha ông, quyết tâm "giải oan" cho cốm. Nhưng vẫn còn đó chồng chất trở ngại khó khăn.

"Giải oan" cho cốm

Làng Vòng (thôn Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) hiện có trên 600 hộ dân nhưng số nhà làm cốm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đi sâu vào trong ngõ Đa Lộc, đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy mùa này người ta vẫn được nghe đâu đó tiếng thình thịch thình thịch. Đó là tiếng chày của những hộ làm cốm vẫn còn bám trụ gắn bó với nghề. Tiếng chày tuy quen thuộc nhưng đã thưa đi rất nhiều so với trước.

Cơn lốc đô thị hóa ập đến nuốt chửng ruộng canh tác của người dân lúc nào không hay. Đến làng Vòng bây giờ chỉ còn nghe chuyện giải tỏa đất, chính sách đền bù, nhà tái định cư và chuyện xây nhà cho sinh viên thuê trọ. Chẳng mấy ai hào hứng chuyện làm cốm cho dù đang ở giữa mùa cốm . Làng Vòng mùa cốm trầm lắng đến nao lòng. Nhắc đến món ăn đặc sản nổi tiếng của người Hà Nội, không ít người làng Vòng đã coi nó là quá khứ. Nghề này càng "ngắc ngoải" đặc biệt sau "scandal có chất nhiễm độc" năm ngoái.

Chị Nguyễn Thị Loan- chủ một trong những lò cốm còn hoạt động ở làng Vòng rầu rĩ: "Quả thật đã có một số hộ làm cốm có sử dụng phẩm màu độc hại. Nhưng đó chỉ là số ít. Nói tất cả cốm làng Vòng nhiễm độc thì thực tình oan cho chúng tôi quá! Mấy năm nay, không còn được mấy người theo nghề nữa. Vụ tai tiếng năm ngoái cứ như nhát dao cuối kết liễu cốm Vòng vậy".

Hiện các lò cốm làng Vòng còn sống được với nghề là những gia đình từ lâu đã làm cốm mộc, tức là loại cốm không tẩm chất gây màu. Tuy không ai cấm họ làm nghề nhưng khách mua cốm ngày càng dè dặt. Không đất canh tác, giới trẻ chẳng ai muốn nối nghiệp là những nguyên do đẩy nghề làm cốm đã lao đao nay lại đứng bên bờ vực biến mất . Thứ sản vật từng được tiến vua, từng xuất hiện trong áng văn của Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân chẳng lẽ sắp trở thành ký ức? Chị Loan trả lời: "Có còn cốm thì cũng đến lúc đời chúng tôi còn làm. Người trẻ trong làng chẳng ai theo nghề đâu".

Năm nay 55 tuổi, chị Loan gắn bó với nghề cốm làng Vòng từ thuở mới lên 7. Chưa bao giờ chị lại thấy cái nghề cốm làng mình lại lao đao như hiện nay. Ngày trước, mỗi sáng ra chợ chị Loan bán được 50 đến 60 kg cốm nay thì con số đó chỉ là mơ ước.

Theo chị Loan, sau thông tin "cốm có chất phụ gia nhiễm độc", khách hàng ít hẳn. "Họ đến tận nhà xem chúng tôi làm rồi mới đặt hàng. Loại cốm dùng phẩm màu không ai mua nữa. Khác với trước đây, loại cốm mộc không dùng phẩm màu mới bán được Nhưng người dùng vẫn e ngại lắm", chị Loan cho biết. Khi biết chúng tôi là phóng viên, chưa kịp hỏi han chị đã giới thiệu cho chúng tôi những công đoạn làm cốm nhà chị từ xay giã dần sàng sao tẩm đóng gói như để trút đi những ấm ức từ năm ngoái mà chị không biết kêu với ai.

com-2-60dbf.jpg

com-3-60dbf.jpg

com-4-60dbf.jpg
Vợ chồng chị Loan, anh Bình đang hoàn thiện nốt một mẻ cốm mộc. Ảnh: Quang Thành.

Cốm Vòng chỉ còn trong lời kể?!

Anh Bình, chồng chị Loan vừa giã cốm vừa kể: "Khoảng chục năm trước, đại bộ phận dân làng Vòng đều làm cốm. Vào mùa, làng nhộn nhịp lắm. Tiếng máy tuốt lúa, tiếng chày giã, tiếng sàng sảy rộn rã. Rơm nếp phơi chật kín đường làng. Mùi thơm của nếp thì khỏi phải nói. Đó là một thứ mùi đặc biệt mà chỉ làng chúng tôi mới có. Bây giờ, những hình ảnh đó gần như biến mất".

Nhắc đến chuyện phát triển nghề cốm, anh Bình lắc đầu: "Tất bật từ 3 giờ sáng đến tận khuya. Thu nhập cũng chỉ đủ sống. Ngày trước, còn đất canh tác giờ hết đất, lúa cũng phải đi mua. Chi phí phụ hết nhiều quá. Giới trẻ tội gì phải mua lấy vất vả. Chúng nó chạy đi làm nghề khác hết". Ở làng không ít gia đình đã từ giã nghề cốm để mở quán bán trứng vịt lộn, bún đậu mắm tôm phục vụ sinh viên các trường Đại học bên cạnh. Buồn lắm, chú ạ...".

Ngay cả vợ chồng anh Bình cũng không chắc giữ được nghề: "Làm cốm cần kinh nghiệm, nhân lực thì cần ít nhất vài ba người phối hợp nhịp nhàng Chỉ hai vợ chồng như chúng tôi không kham được tất cả các công đoạn. Thóc nếp non phải cất công đi mua ở Sóc Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, thậm chí xa hơn. Chúng tôi không đủ sức, đành phải mua lại từ người khác cho nên khá bị động khâu đầu vào, giá thành cũng vì thế mà đội lên".

Cũng chung tâm trạng lo âu cho nghề cốm làng Vòng sẽ biến mất, ông Nguyễn Trung Chính- một người làm nghề cốm ở làng nói thêm: "Trước bão giá như hiện nay, nghề cốm chỉ hoạt động được 4 đến 5 tháng trong một năm. Những tháng còn lại người ta lại phải tất tả đi làm việc khác. Đến mùa, quay lại với cốm". Đa số người làng không còn chọn nghề cốm để phải chịu cảnh bấp bênh thu nhập. Thêm nữa, làm cốm không chỉ tỉ mỉ vất vả mà nghề này lại hay bị tai nạn ở bàn tay. Trong lúc xơ cốm (cốm trong cối hay bị bết nên người ta phải lựa lúc chày nhấc lên thì dùng tay đảo), rất dễ bị chày nện vào tay.

Quả thật, so với làm cốm, xây nhà cho thuê chỉ phải bỏ vốn một lần rồi cho thu nhập quanh năm. Trong khi làm cốm cả hai vụ chiêm và mùa chỉ được 5 tháng, thu nhập lại không cao Trung bình một hộ 4- 5 người làm từ sáng sớm đến tối mịt, mỗi người thu được 50.000 đồng/ngày. Điều đáng buồn là phải đưa cái nghề truyền thống, nghề đã trở thành văn hóa đem ra so sánh với những thứ nghề bỗ bã để lo toan cho cuộc sống thường nhật.

Ông Chính bảo, không có cốm những người luống tuổi như ông chẳng biết làm gì? Nghề cốm ở làng Vòng bây giờ chỉ dành cho những người lớn tuổi nhớ nghề, những người trung niên ngại tìm việc khác. Có lẽ đó chính là lý do duy nhất để cho mỗi dịp thu về, người Hà Nội còn thấy đâu đó trong những buổi chợ làng Vòng cốm còn được bày bán.

Ông Chính tâm sự: "Đã là người làng Vòng, ai chẳng muốn nghề cốm sẽ sống mãi. Nhưng bây giờ ruộng vườn hết chỉ còn biết trông chờ vào ruộng thiên hạ. Nếu họ không bán, hay họ chuyển đổi hình thức canh tác thậm chí cũng sẽ mất đất như làng chúng tôi thì dù còn muốn giữ nghề cốm cũng đành chịu. Mà sự thật cốm làng Vòng không phải nếp làng Vòng từ mấy năm nay. Cốm làng Vòng là cách chế biến của người làng Vòng thì đúng hơn".

Có lẽ, không lâu nữa, cốm làng Vòng chỉ còn trong văn chương, trong ký ức của người Hà Nội mà thôi.

Đã là người làng Vòng, ai chẳng muốn nghề cốm sẽ sống mãi. Nhưng bây giờ ruộng vườn hết chỉ còn biết trông chờ vào ruộng thiên hạ. Nếu họ không bán, hay họ chuyển đổi hình thức canh tác thậm chí cũng sẽ mất đất như làng chúng tôi thì dù còn muốn giữ nghề cốm cũng đành chịu. Mà sự thật cốm làng Vòng không phải nếp làng Vòng từ mấy năm nay. Cốm làng Vòng là cách chế biến của người làng Vòng thì đúng hơn...

Có lẽ, không lâu nữa, cốm làng Vòng chỉ còn trong văn chương, trong ký ức của người Hà Nội mà thôi.

Theo giadinh.net

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.498.060
Tổng truy cập: