KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Kinh tế Đông Nam Á bước vào 2014 không mấy sáng sủa
(Ngày đăng: 27/02/2014   Lượt xem: 306)

Kinh tế một số nước Đông Nam Á vẫn khó khăn dưới tác động các nhân tố trong nước và điều kiện bất lợi bên ngoài.

Kinh tế Indonesia đã qua khỏi giai đoạn khó khăn

Kinh tế Indonesia giảm sút tăng trưởng, từ 6,25% năm 2012 xuống 5,78% năm 2013.

Ngày 21/2, phát biểu nhân chuyến thăm Australia tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm G20, Bộ trưởng Tài chính Chatib Basri cho biết nền kinh tế nước ông đã qua khỏi giai đoạn khó khăn do những tác động của các nhân tố trong nước và các điều kiện bên ngoài bất lợi.

Theo công bố mới nhất của Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI), tổng nợ nước ngoài năm 2013 của Indonesia đã tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước đó lên 264,06 tỷ USD. Nợ nước ngoài Indonesia đã đứng ở mức 30,2% GDP vào cuối tháng 12/2013, tăng so với mức tương ứng 28,7% GDP cùng kỳ năm 2012, song tỷ lệ này vẫn nằm trong biên độ an toàn so với tỷ lệ nợ tối đa BI cho phép là 50% GDP.

ANZ-Roy Morgan Research vừa công bố một báo cáo nghiên cứu về thị trường Indonesia, dự đoán tầng lớp tiêu dùng trung lưu ở nước này - tức là những người chi tiêu hàng ngày từ 2-10 USD, sẽ tăng gấp đôi hiện nay lên 150 triệu người trong vòng 10 năm tới. Có tới 60% trong tổng dân số trên 250 triệu người hiện nay của Indonesia ở độ tuổi 20 đến 65 (gấp ba lần dân số Hàn Quốc) - một nhân tố hết sức tích cực cho nền kinh tế. Ngoài ra, 27% dân số ở độ tuổi dưới 15 cũng là một tiềm năng to lớn đối với năng suất lao động.

Thái Lan: Khủng hoảng chính trị gây thiệt hại lớn kinh tế

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan thời gian qua, theo Trung tâm dự báo kinh doanh và kinh tế Thái Lan, đang gây thiệt hại khoảng 40 tỷ baht cho nền kinh tế. Nguyên nhân là do tiêu dùng và du lịch sụt giảm. Ước tính người tiêu dùng Thái Lan  chi tiêu chưa tới 500 triệu baht mỗi ngày, đồng thời thu nhập du lịch tính theo ngày cũng giảm khoảng từ 200-500 triệu baht. Trong trường hợp, Thái Lan chậm thành lập chính phủ trong vòng một năm, con số thua lỗ sẽ vào khoảng 240 tỷ baht, tương đương với việc giảm 2% GDP. Tăng trưởng kinh tế Thái Lan từng được ước tính vào khoảng 4-5% trong năm nay, nhưng bất ổn chính trị kéo dài có thể khiến tăng trưởng GDP ít hơn 3%.


Gạo Thái Lan xuất khẩu: Chính sách trợ cấp gạo của chính phủ đã trở thành vấn đề chính trị, ảnh hưởng tiêu cực tới đơn đạt hàng nước ngoài

Ngày 21/2, Tổng cục Du lịch Thái Lan cho biết ngành du lịch nước này sẽ thất thu khoảng 90 tỷ baht nếu các cuộc xung đột chính trị biến thành bạo lực và kéo dài thêm 6 tháng nữa. Lượng khách du lịch tới Thái Lan có thể giảm tới 900.000 khách. 209 hãng lữ hành của Thái Lan chuyên làm với khách Trung Quốc bị thất thu bởi nó diễn ra đúng dịp Tết Nguyên đán. Tháng 4/2013, dịp Tết Songkran, lượng khách Trung Quốc tới Thái Lan đã đạt 150.000 lượt.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Du lịch Thái Lan cho thấy nhóm du lịch theo tour giảm mạnh nhất, chiếm tổng cộng khoảng 30-35% lượng khách tới nước này. Hiệp hội Khách sạn Thái Lan cho biết trong tháng 2/2014, tỷ lệ đặt phòng ở thủ đô Bangkok chỉ dao động quanh con số 50%, thấp hơn mức bình thường 80% vào cùng thời điểm hàng năm. Dự kiến, báo cáo doanh thu của hãng hàng không Thai Airways cũng sẽ thua lỗ nặng do lượng khách du lịch giảm. Đáng chú ý, ngành du lịch đóng góp tới 10% GDP của Thái Lan.

Kim ngạch nhập khẩu của nước này trong tháng 1/2014 giảm mạnh nhất trong vòng 4 năm qua. Nhập khẩu giảm 15,5% so với tháng 12/2013 trong khi xuất khẩu giảm 2%.

Philippines : GDP tăng trưởng mạnh nhưng thất nghiệp cao

Nhịp độ tăng trưởng GDP của Philippines năm 2013 nhanh thứ hai trong khu vực (7,2%), chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, tăng trưởng mạnh vẫn chưa giúp quốc gia này giải quyết được vấn đề việc làm cũng như ngăn chặn tình trạng đói nghèo đang gia tăng và thất nghiệp cao.

Một cuộc khảo sát cho thấy riêng trong quý IV/2013, số người Philippines thất nghiệp đã lên tới hơn 12 triệu người, tương đương khoảng 10% dân số nước này. Tính riêng trong 4 tháng cuối năm 2013, Philippines có thêm 2,5 triệu người rơi vào tình cảnh thất nghiệp, đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở nước này lên 27,5%.

Theo một cuộc khảo sát thực hiện trong thời gian từ ngày 11-16/12/2013, 18,1% những người được hỏi (tương đương với 3,90 triệu hộ gia đình) cho biết trong 3 tháng trước đó, gia đình họ ít nhất bị đói một lần. Đồng thời, có 55% những người được hỏi (tương đương khoảng 11,8 triệu hộ dân) nói rằng họ đang sống trong cảnh nghèo đói.

Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), có trụ sở tại Manila, đã lưu ý rằng nhịp độ tăng trưởng của Philippines chưa đủ để giúp tạo thêm việc làm. Theo ADB, mặc dù tăng trưởng của Philippines năm nay ở mức vừa phải nhưng vẫn được đánh giá là nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất trong khu vực. ADB nhận định: “Tỷ lệ lạm phát vừa phải và dự báo sẽ tiếp tục giữ ở mức này. Mặc dù vậy, GDP tăng trưởng mạnh vẫn chưa tạo ra đủ số việc làm cần thiết, khiến cho tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tình trạng thiếu việc làm vẫn ở mức cao”.

Singapore 2013 tăng trưởng cao hơn dự báo

Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), nền kinh tế của nước này năm 2013 tăng trưởng 4,1%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 1,9% trong năm 2012. MTI cũng cho biết, trong quý cuối cùng của năm ngoái, GDP của nước này tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,1% so với quý III/2013.

Các ngành dịch vụ tăng 5,3% trong năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2,0% của cả năm 2012. Mức tăng trưởng cao của ngành dịch vụ là kết quả của sự gia tăng trong hoạt động bảo hiểm và tài chính và các hoạt động bán buôn và bán lẻ, tăng tương ứng 10,6% và 5,0% so với năm 2012. Các hoạt động dịch vụ giao thông vận tải và kho bãi chứa hàng, thông tin liên lạc và viễn thông, kinh doanh đạt mức tăng trưởng tương ứng là 3,0%, 5,5% và 5,1%.

MTI vẫn giữ nguyên dự đoán nền kinh tế của nước này sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng khoảng 2-4% trong năm 2014.

Việt Nam và Myanma ở vùng bản lề  

Năm 2013 là năm thứ sáu, Việt Nam rơi vào trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng. Đây cũng là giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài nhất, tính từ đầu thập niên 1990 đến nay. Năm 2013 xuất hiện một vấn đề mới có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô là sự thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch; doanh nghiệp thua lỗ, thị trường bất động sản đóng băng, nhưng chi tiêu công không thể giảm, nên đang trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách năm 2014 và 2015. Trong những năm tới mức tăng trưởng chỉ còn hơn 5%.

Myanma bước vào năm thứ ba của việc chuyển hướng chính trị và cải cách kinh tế với tốc độ tăng trưởng năm 2013 lên tới 6,5% và năm 2014, có thể lên tới 7%. Nhưng cơ chế lạc hậu tồn tại quá lâu dưới chế độ độc tài chưa giúp Myanma phát triển như người ta hi vọng. Dù sao, cục diện chưa sáng sủa cũng sẽ không tụt hậunhư trước kia vì vậy Myanma ở vào vị trí bản lề, tranh tối tranh sáng.
                                                                                             Theo: toquoc
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.497.164
Tổng truy cập: