HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
"Ông giáo làng" dạy chữ không công
(Ngày đăng: 07/06/2013   Lượt xem: 575)

Mặc dù công việc ở UBND xã rất bộn bề, nhưng với lòng đam mê nghề nghiệp, ước ao làm một việc gì đó có ích cho đời, ông đã không quản ngại khó khăn gian khổ. Với kiến thức vốn có, ông đã mở lớp phụ đạo "miễn phí" cho các em học sinh từ cấp 1 đến cấp 2 trong xã. Chính vì vậy, bà con trên địa bàn xã Tân Long, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An vẫn thường gọi ông Nguyễn Viết Học, SN 1963 với cái tên trìu mến là "ông giáo làng".

 
Cần mẫn, say sưa "truyền lửa" cho các cháu.
Tuổi xuân thiệt thòi

Nguyễn Viết Học sinh ra trên mảnh đất Quảng Bình, trong một gia đình có 3 anh em, bố mất sớm nên ông Học đã ý thức được trách nhiệm của mình đối với mẹ và hai em.

Năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn quyết liệt. Thị xã Đồng Hới - Quảng Bình được coi là "yết hầu" của mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam. Bởi thế, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá để "san bằng" vùng đất này, hòng làm nhụt ý chí xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, quyết tâm giải phóng miền Nam của nhân dân ta. Do chiến tranh ác liệt, người đàn bà góa bụa phải gồng gánh cùng 3 con nhỏ chạy lánh nạn về huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

Cuộc sống của 4 mẹ con nơi đất khách quê người gặp muôn vàn khó khăn, người mẹ phải gồng gánh ngược xuôi. Khi lên rừng đào củ mài, hái củi, bẻ măng, lúc thì lặn lội ra đồng mò cua, bắt ốc bán kiếm tiền mua gạo nuôi các con. Không phụ lòng người mẹ, ông Học cùng với 2 em chăm chỉ học hành, ngoài giờ học ở trường, thời gian còn lại 3 anh em giúp mẹ công việc đồng áng, chăn nuôi lợn, gà... Ông Học nhớ lại: "Bố tôi mất khi mẹ tôi tuổi còn trẻ, nhưng mẹ không đi thêm bước nữa mà nguyện ở vậy tần tảo nuôi các con ăn học. Chúng tôi không bao giờ quên ơn mẹ".

Sự siêng năng cần mẫn cộng với tố chất thông minh, từ cấp 1 đến cấp 3, ông đều đạt học sinh giỏi. Niềm vui lớn nhất là năm 1980, Nguyễn Viết Học nhận giấy báo nhập học của trường Đại học Thông tin liên lạc. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình nên ông đành phải lỗi hẹn với thời sinh viên. "Sao con đỗ đại học, mẹ lại buồn như thế?". Mẹ tôi gạt vội hai hàng nước mắt lăn dài trên đôi gò má hốc hác, đen sạm, ôm tôi vào lòng và nói: "Mẹ vui lắm con ạ, nhưng bây giờ, mẹ lấy tiền đâu để nuôi con chừng ấy năm trời" - Ông Học nhớ lại. Hiểu hoàn cảnh gia đình, ông không than phiền hay trách móc mẹ. Ông hiểu mẹ đã vất vả, cực khổ nhiều vì các con nên ông tìm cách động viên để mẹ đỡ buồn. Thế là ông Học đành phải "xếp bút nghiên" không theo học đại học. Năm 1981, ông lên đường nhập ngũ, 3 năm sống trong quân ngũ, ông Học được học thêm rất nhiều điều.

Sau khi xuất ngũ về địa phương, ông Học nhận thấy vùng đất Tân Kỳ còn nhiều tiềm năng chưa khai thác nên đã bàn với mẹ và các em nhận thêm mấy mảnh đồi để cải tạo, trồng thêm nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao và kết hợp chăn nuôi lợn, gà, tận dụng ao, hồ để thả cá... Với mô hình làm ăn mới, ông Học đã gặt hái được nhiều thành công, đời sống khấm khá hẳn lên. Kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Sau đó, ông Học kết duyên với chị Giang Thị Thủy (quê Thanh Chương). Các con của ông đều học rất giỏi, đến nay đã ra trường và có việc làm ổn định. Nhờ sự tín nhiệm của người dân, năm 1988, ông Học được bầu vào làm việc tại UBND xã. Hiện nay, ông là một cán bộ, đảng viên được nhân dân tin yêu, kính trọng.

Hăng say làm việc nghĩa

Ngoài thời gian làm việc, ông Học còn dành thời gian để dạy học cho các em học sinh trong xã. Ngôi nhà của ông đã trở thành lớp học "miễn phí" cho các em học sinh từ cấp 1 đến cấp 2. Khi chúng tôi có mặt tại đây, ông Học vẫn đang say sưa giảng bài cho gần 40 cháu.

Có khách lạ, ông Học ra hiệu cho các cháu nghỉ giải lao, niềm nở tiếp đón chúng tôi. Ông Học thổ lộ: "Năm 2008, một lần tình cờ ngồi chơi với mấy cháu học sinh cấp 2 trong làng, qua trò chuyện mới biết các cháu đều là con nhà nghèo ham học nhưng lại không có tiền học thêm. Đa số các hộ gia đình vùng này đều làm nông nghiệp, trình độ học vấn còn thấp. Để các cháu thoát nghèo chỉ có con đường học tập, nhưng vì điều kiện kinh tế mà các cháu không thể theo học tiếp. Hình ảnh các cháu nhà nghèo khiến tôi phân vân, suy nghĩ. Tôi đã bàn với vợ nên dành một gian nhà để mở lớp dạy học "miễn phí" cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn".

Ban đầu, việc duy trì lớp học gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở vật chất thiếu thốn. Ông Học phải đến từng nhà vận động các cháu đi học, tìm cách giải thích cho bố mẹ các cháu tin tưởng là lớp học không mất học phí. Lúc đó, nhiều phụ huynh tỏ ra nghi ngờ vì không biết ông Học đã qua lớp sư phạm nào chưa? Có đủ kiến thức để giảng cho các cháu hay không? Rồi lớp học đầu tiên của ông Học ra đời chỉ vẻn vẹn 6 cháu đang học lớp 8, lớp 9 có lực học yếu và trung bình trong trường. Ông Học tâm sự: "Kỷ niệm ngày đầu tiên mở lớp học, các cháu đến học còn nhiều bỡ ngỡ nên tôi đã cố gắng hết sức để động viên các cháu. Đồng thời tìm hiểu cháu nào yếu môn nào để bổ sung kiến thức. Sau một vài tuần kèm cặp và theo dõi, lực học của các cháu đã tiến bộ rõ rệt. Tiếng lành đồn xa, lớp học "từ thiện" của ông Học đã lan ra khắp làng xã, từ 6 cháu đã tăng lên 30-40 cháu. "Tôi vui nhất khi nhận được tin, trong 6 cháu theo học lớp mới mở đầu tiên đều đậu vào các trường cao đẳng và đại học" - Ông Học chia sẻ.

Gần 5 năm nay, đều đặn cứ 7 đến 10 giờ tối trong tuần lại có khoảng 30-40 em học sinh từ lớp 5 đến lớp 9 cắp sách đến nhà nghe ông Học giảng bài. Chị Chu Thị Lan (phụ huynh học sinh) cho biết: "Bác Học là người rất tốt, từ lúc bác Học mở lớp dạy thêm miễn phí, con tôi đã tiến bộ hẳn lên, từ học lực trung bình đã vươn lên học lực khá. Ngoài ra, bác Học còn giúp đỡ kinh tế, cho vay vốn không lấy lãi giúp các gia đình phát triển kinh tế. Trong xã ai cũng tin tưởng và biết ơn bác Học nhiều lắm".

Khi chúng tôi hỏi về phương pháp truyền thụ kiến thức cho các cháu, ông Học cười: "Tất cả kiến thức này đều do tôi tự mày mò, ôn lại những kiến thức của mình đã học ngày xưa. Đồng thời nghiên cứu thêm chương trình cải cách của các bậc học hiện nay. Truyền đạt kiến thức cho các cháu phải có phương pháp riêng. Tôi luôn tìm cách "truyền lửa" để tạo ra sự hứng thú cho các cháu hăng say học tập". Ông Học tâm sự thêm: "Nếu còn sức lực và trí tuệ thì tôi vẫn cứ tiếp tục truyền đạt cho các cháu. Mong sao các cháu học thật giỏi để thoát cái cảnh "con trâu đi trước cái cày theo sau", có công việc ổn định, gia đình phát triển. Tôi mong ở xã hội sẽ có nhiều hơn nữa những tấm lòng cao thượng, đóng góp vào sự nghiệp "trồng người" của đất nước".

                                                                                        Theo: Bienphong

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.487.892
Tổng truy cập: