HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
Giải pháp nào để phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề đến năm 2020?
(Ngày đăng: 29/05/2013   Lượt xem: 762)
Trong chiến lược Phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định giải pháp Phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề là một trong hai giải pháp đột phá để đổi mới và phát triển dạy nghề. Trong xu thế hội nhập, việc mở cửa thị trường tạo ra sự chuyển dịch lao động giữa các nước, đòi hỏi mỗi quốc gia càng phải chú ý đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới xuất khẩu lao động qua đào tạo ở những lĩnh vực cao, đặc biệt là trao đổi giữa các chuyên gia, giáo viên dạy nghề. Phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề đáp ứng được yêu cầu đó là một đòi hỏi mang tính tất yếu. Câu hỏi đặt ra là giải pháp nào để phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề bảo đảm về số lượng và chất lượng đến năm 2020?

Đội ngũ giáo viên dạy nghề tăng khá nhanh...
 
Có thể nói, đội ngũ giáo viên dạy nghề thời gian qua đã tăng khá nhanh. Tính đến hết năm 2011, tổng số giảng viên, giáo viên dạy nghề ở trường Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề, Trung tâm dạy nghề là 35.800 người. Cơ cấu và chất lượng giáo viên đã được cải thiện cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề, đã có sự chuyển hướng giáo viên từ chỉ dạy lý thuyết hoặc thực hành sang khả năng dạy tích hợp cả lý thuyết và thực hành. Theo đánh giá chung, về cơ bản, giáo viên trong các trường nghề đã đạt chuẩn về trình độ đào tạo trong đó giáo viên dạy trình độ cao đẳng nghề có trình độ thạc sỹ trở lên là 18,3%, giáo viên dạy trình độ trung cấp nghề có trình độ thạc sỹ trở lên là 5,4%, giáo viên dạy sơ cấp nghề có trình độ thạc sỹ trở lên là 1%. Hiện có 80,8% giảng viên dạy cao đẳng nghề, 71,2% giáo viên dạy trung cấp nghề đạt chuẩn nghiệp vụ sư phạm dạy nghề; khoảng 57,8% số giáo viên dạy tích hợp lý thuyết và thực hành nghề. Trình độ ngoại ngữ của giáo viên cũng được nâng lên, trong đó, 82% giáo viên ở trường Cao đẳng nghề và 65% giáo viên trường Trung cấp nghề đạt trình độ tiếng Anh từ A trở lên. Có tới 80% giáo viên đạt trình độ Tin học A trở lên, trong đó trình độ C và cử nhân chiếm 13%.

  Ảnh: TL

Bước đầu trên cả nước đã hình thành được mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề. Sự ra đời của Thông tư 30/2010/TT- BLĐTBXH (ngày 29/9/2010) quy định chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng chế độ, chính sách cho giáo viên dạy nghề…

Cùng với chính sách cho giáo viên, giảng viên công tác đào tạo nghề cũng từng bước được quan tâm, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề. Đã thực hiện thí điểm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy một số nghề theo chương trình tiên tiến của một số nước trong khu vực và thế giới. Trong đó có cách tiếp cận được gọi là “đào tạo ba cấp độ” trong một phần hợp tác Việt - Đức đã được phát triển và thí điểm cho nghề “Cắt gọt kim loại/CNC”. Cách tiếp cận này đòi hỏi đào tạo thực hành có sự tích hợp chặt chẽ với đào tạo lý thuyết theo từng lĩnh vực cụ thể, và đào tạo chuyên môn hóa, lồng ghép với yêu cầu của nơi làm việc…

Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề đào tạo giáo viên dạy nghề vẫn còn đó những tồn tại. Đó là cơ chế chính sách đối với giáo viên dạy nghề còn một số bất cập, chưa khuyến khích, thu hút những người có chuyên môn kỹ thuật, có tay nghề giỏi, có kinh nghiệm sản xuất vào đội ngũ giáo viên dạy nghề, chưa có chính sách đãi ngộ nhằm tạo sự gắn bó, tâm huyết với nghề nghiệp; chưa có chính sách đủ mạnh để khuyến khích và huy động doanh nghiệp tham gia đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề. Thực tế, nếu tính tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên mới đạt 26 học sinh, sinh viên/ giáo viên. Điều này chứng tỏ rằng đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng.

Hiện nay, cũng đang tồn tại thực tế là mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề phân bổ chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong khi đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Bắc các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề lại rất mỏng. Số nghề được đào tạo tại các trường sư phạm kỹ thuật còn ít (khoảng 40 nghề) so với số lượng các nghề hiện có trong danh mục nghề đào tạo, nên mức độ đáp ứng yêu cầu về cơ cấu nghề đào tạo của đội ngũ giáo viên dạy nghề còn hạn chế.  
 
Giải pháp nào để phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề đến năm 2020?
 
Mục tiêu đến năm 2015 số lượng giáo viên dạy nghề có 51.000 giáo viên dạy nghề, trong đó dạy cao đẳng nghề 13.000 giáo viên, trung cấp nghề 24.000 người và đến năm 2020 có 77.000 giáo viên dạy nghề, trong đó dạy cao đẳng nghề 28.000 người, trung cấp nghề 31.000 người. Về chất lượng, phấn đấu đến năm 2014, 100% đội ngũ giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia được chuẩn hóa về trình độ đào tạo, kỹ năng và sư phạm nghề; 100% đội ngũ giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế được chuẩn hóa về kỹ năng nghề và năng lực sư phạm của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và các nước phát triển trên thế giới.

Giáo viên đang hướng dẫn học viên thực hành kỹ thuật tiện định hình     Ảnh: Hoa Lê

Để đạt được mục tiêu trên cũng như tạo được sự đột phá trong nâng cao chất lượng đào tạo nghề cần phải có những giải pháp cụ thể, đồng bộ và mang tính khả thi. Trước tiên, cần phải hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách. Trong đó, cần phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chế độ, chính sách về đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng kiểm tra, đánh giá đối với đội ngũ giáo viên dạy nghề. Xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp, chuyển xếp lương cho giáo viên dạy nghề. Hai là, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề. Thành lập thêm các khoa sư phạm dạy nghề tại một số trường cao đẳng nghề, xây dựng trung tâm để đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho giáo viên dạy nghề. Ba là, triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề. Theo đó, cần đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề, chú trọng phương pháp thực hành, đổi mới nội dung và hình thức tổ chức thực tập sư phạm; phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, định kỳ hàng năm đưa giáo viên dạy nghề đi thực tế để nâng cao kỹ năng cũng như chất lượng dạy nghề của giáo viên. Bên cạnh đó, cần phải tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực theo chương trình tiên tiến của nước ngoài theo hướng chuẩn hóa, đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng. Bốn là, cần phải đổi mới hoạt động của các trường sư phạm kỹ thuật. Việc mở thêm các ngành nghề đào tạo mới, đa dạng hóa các mô hình đào tạo giáo viên dạy nghề để bảo đảm về số lượng và chất lượng cũng như cơ cấu ngành nghề là điều hết sức cần thiết. Ngoài các mô hình đào tạo truyền thống, các mô hình liên thông lên Đại học Sư phạm Kỹ thuật cho sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng nghề và mô hình bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật và đại học chuyên ngành cũng sẽ được triển khai thí điểm với sự hợp tác giữa Việt Nam – Đức và một số nước trong khu vực. Năm là, tăng cường sự hợp tác quốc tế trong việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy nghề. Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề tiến tới trao đổi chuyên gia, giáo viên dạy nghề giữa các nước trong khu vực và thế giới. Đồng thời, cần có chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở dạy nghề trong nước chủ động mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sơ đào tạo ở nước ngoài. Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài phát triển cơ sở dạy nghề chất lượng cao, hợp tác đào tạo nghề tại Việt Nam.
 
Hành lang pháp lý đầy đủ, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước để thúc đẩy hoạt động đào tạo nghề là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu về số lượng cũng như chất lượng giáo viên dạy nghề cho đến năm 2020, trước hết, mỗi cơ sở đào tạo nghề, trường đào tạo nghề cần phải có những nỗ lực và tự đổi mới phương pháp giảng dạy trong đó có cách tiếp cận với phương pháp giảng dạy mới của các nước mà mình đã liên kết.

                                                                               Theo: Đại Biểu Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

33
Đang xem:
72.488.822
Tổng truy cập: