HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
Dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số: Cần mở rộng đối tượng
(Ngày đăng: 27/10/2012   Lượt xem: 1267)

Đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa luôn là đối tượng ưu tiên trong chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách dạy nghề.

Trên thực tế, hoạt động dạy nghề đã và đang từng bước góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hệ thống chính sách dạy nghề áp dụng cho vùng dân tộc thiểu số cũng đã lộ rõ một số bất cập.

db1.gif

Chị em xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đang học nghề mây tre đan trong Dự án "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo".

Còn chồng chéo

Trong giai đoạn 2006-2011, Chính phủ đã xây dựng và ban hành 11 chính sách dạy nghề, được chia thành bốn nhóm chính: Nhóm chính sách cử tuyển học nghề; Nhóm chính sách đặt hàng đào tạo nghề; Nhóm chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học tại các trường nghề; Nhóm chính sách hỗ trợ học nghề ngắn hạn.

Sau 4 năm triển khai thực hiện các chính sách, có 50 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số với 479.185 người được đào tạo nghề, trong đó, dạy nghề theo nhóm chính sách cử tuyển là 936 người (chiếm 0,2%). Đối với nhóm chính sách đặt hàng dạy nghề, trong giai đoạn 2008-2011, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức đặt hàng dạy nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp với 28 cơ sở đào tạo, dạy nghề cho 18.750 người, trong đó có 3.515 học sinh là người dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 19%.

Kết quả đặt hàng dạy nghề cho thấy, có hơn 90% người dân tộc thiểu số có việc làm phù hợp sau khi ra trường với thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/tháng. Còn đối với nhóm chính sách hỗ trợ học nghề ngắn hạn theo Quyết định 81/2005/QĐ-TTg, trong giai đoạn 2006-2008 đã hỗ trợ học nghề ngắn hạn cho 990.000 người.

Theo báo cáo của các địa phương và qua khảo sát thực tiễn cho thấy, sau khi tham gia các khóa dạy nghề, người lao động đã có những bước tiến rõ rệt về mọi mặt, từ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực làm chủ máy móc, thiết bị hiện đại cho đến kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp. Nhờ đó, khoảng 60-70% người học sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm cho mình bằng cách mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại, làm giàu tại chỗ với phương châm "ly nông bất ly hương".

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trên, hệ thống chính sách dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó, vấn đề mấu chốt là giới hạn đối tượng người học nghề quá hẹp. Như trong nhóm chính sách cử tuyển quy định, những đối tượng người dân tộc thiểu số thuộc diện được học nghề chỉ gồm học sinh đã tốt nghiệp các trường trung học cơ sở dân tộc nội trú và trung học phổ thông dân tộc nội trú, kể cả nội trú dân nuôi, nhưng đối tượng này vào học nghề lại rất ít.

Trên thực tế, có rất nhiều người dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng quy định trên có nhu cầu học nghề. Thậm chí, trong nhóm chính sách đặt hàng dạy nghề, học sinh là người dân tộc thiểu số học nghề còn chưa được hưởng các chính sách ưu đãi như học sinh phổ thông dân tộc nội trú, mặc dù như đã đề cập ở trên, chính sách này đã mang lại những kết quả thiết thực.

Bên cạnh đó, giữa các chính sách vẫn còn chồng chéo, như trong nhóm chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn, cùng đối tượng là người dân tộc thiểu số nhưng lại thụ hưởng nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau. Điều này khiến cho các địa phương lúng túng trong thực thi chính sách và khó khuyến khích người học nghề theo đúng mục tiêu của các chương trình này. Đó là chưa nói tới sự bất cập trong chính bản thân nhóm chính sách, như đối với những địa phương có khó khăn về biên chế, kinh phí đào tạo thì hình thức cử tuyển dường như không còn phù hợp với thực tế.

db2.gif

Nữ thanh niên dân tộc Ba Na, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai trong Dự án "Khôi phục làng nghề truyền thống".

Cần tiếp tục "phủ sóng"

Theo các chuyên gia, để đông đảo người dân tộc thiểu số được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách dạy nghề, vấn đề mang tính chất tiên quyết là phải mở rộng quy định về đối tượng người học. Trên cơ sở đó, đa dạng hóa trình độ đào tạo nghề, ngành nghề, nội dung, phương thức đào tạo, nhằm tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số được học nghề phù hợp với trình độ văn hóa và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội ở từng địa phương.

Thêm vào đó, cần thiết phải mở rộng đối tượng học nghề là người dân tộc thiểu số được hưởng các chế độ hỗ trợ. Bởi theo quy định hiện tại, chỉ có học sinh dân tộc nội trú và học sinh dân tộc thiểu số học nghề nội trú theo diện cử tuyển mới được miễn học phí và các loại lệ phí thi, tuyển sinh; được hưởng học bổng và trợ cấp xã hội..., còn đối với học sinh người dân tộc thiểu số học nghề trong các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề thì không thấy đề cập trong chính sách.

Một vấn đề nữa xuất phát từ thực tế hiện nay là tỷ lệ học sinh bỏ học sau mỗi kỳ học ngày càng tăng, do trường học quá xa nhà và thời gian đào tạo dài, bởi cả nước mới chỉ có 13 trường nghề dạy cho người dân tộc thiểu số. Để giải quyết vấn đề này, cần có chính sách hỗ trợ để xây dựng mạng lưới các cơ sở dạy nghề cấp cơ sở, trên tinh thần gắn với quy hoạch đào tạo mạng lưới chung. Bên cạnh đó, để thu hút nhiều hơn nữa người dân tộc thiểu số học nghề, trong các chính sách dạy nghề cũng cần các chế độ hỗ trợ về truyền thông để từng địa phương tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dạy nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm thiết lập mạng lưới thông tin về dạy nghề và việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Theo  Báo Biên phòng

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.469.268
Tổng truy cập: