HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
Cần có sự thay đổi
(Ngày đăng: 30/09/2012   Lượt xem: 835)

“Công tác đào tạo tại các làng nghề hiện nay đang bộc lộ một số bất cập, những bất cập này đã không chỉ gây lãng phí lớn mà còn ảnh hưởng tới chất lượng của công tác đào tạo nhằm phát triển các nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ…”, đó là chia sẻ của ông Vũ Hy Thiều, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Hợp tác, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với phóng viên báo Kinh tế Việt Nam.

                                 

                                                                           Ông Nguyễn Hy Thiều

Theo ông, đào tạo nghề có vai trò như thế nào đối với việc phát triển các nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN)?

Có thể khẳng định công tác đào tạo nghề có vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển các nghề và làng nghề TCMN trên cả nước. Công tác đào tạo đã và đang giúp cho các nghề, làng nghề TCMN có được đội ngũ lao động mới không chỉ thuần thục về kỹ thuật mà còn hiểu biết các kiến thức về mỹ thuật, về thị trường…do đó sản phẩm tạo ra mang những nét tươi mới, hiện đại và đã đáp ứng được với thị hiếu của người tiêu dùng.

Hơn nữa, để phát triển các nghề, làng nghề TCMN điều tối quan trọng là chúng ta phải phát triển được lối sản xuất mới-lối sản xuất hàng hóa. Nhưng để làm được điều này sản phẩm cũng như phương thức sản xuất của làng nghề phải có những cái mới, có tiêu chuẩn hóa, đồng bộ hóa…chính vì thế rất cần đến sự hỗ trợ của công tác đào tạo để người lao động có thể tổ chức sản xuất theo hình thức mới.

Được biết, công tác đào tạo tại các làng nghề TCMN hiện được thực hiện theo 2 hình thức là truyền nghề và đào tạo chính quy tại các Trung tâm dạy nghề, ông đánh giá như thế nào về 2 hình thức đào tạo này?

Có thể nói cả hai hình thức đào tạo này đều đang bộc lộ những bất cập. Với hình thức truyền nghề, do chỉ sử dụng đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi để đào tạo là hoàn toàn chưa phù hợp bởi những người nghệ nhân chỉ có thể giúp người học nâng cao kỹ thuật trên cơ sở nghề đã có. Nhưng hiện nay, để các nghề, làng nghề TCMN  phát triển đòi hỏi phải có các mẫu hàng mới, ứng dụng nhiều nguyên liệu hay sản phẩm phải hài hòa giữa hiện đại và truyền thống…thì những điều này nghệ nhân khó có thể giúp người học nghề hiểu và làm được. Ngay việc sáng tạo ra mẫu mới của các nghệ nhân hiện cũng vô cùng khó khăn nếu không có sự hỗ trợ của các chuyên gia, họa sĩ. Thêm vào đó, việc truyền nghề phụ thuộc hoàn toàn vào cảm tính của nghệ nhân mà cảm tính lại hay thay đổi, do đó nếu chỉ dựa vào nghệ nhân thì sẽ đào tạo ra lớp thợ có rất nhiều khiếm khuyết và không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.

Với việc đào tạo chính quy tại các Trường dạy nghề thì lại gặp vấn đề khác, theo kết quả khảo sát của chúng tôi thì có tới 97% số lao động vào làm nghề tại các làng nghề là do truyền nghề, còn đào tạo nghề chính quy mặc dù được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng chỉ đào tạo được 3%. Những giáo viên trong trường được đào tạo về lý thuyết, về nghiệp vụ sư phạm rất tốt nhưng nếu so với các nghệ nhân, thợ giỏi tại các làng nghề thì tay nghề và khả năng thực hành của họ rất kém, như vậy là chất lượng của đội ngũ giảng dạy đã không đạt yêu cầu. Hơn nữa, phương tiện thực hành tại các trường dạy nghề hiện cũng rất thiếu trong khi đó học nghề đòi hỏi học phải đi đôi với hành.

Thời gian đào tạo cho các làng nghề chủ yếu là đào tạo ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng, với mục đích đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động tại các làng đã có nghề thì thời gian này là phù hợp còn với mục đích đào tạo để nhân cấy nghề thì hoàn toàn chưa phù hợp bởi với thời gian đào tạo quá ngắn người học chưa thể thành nghề, như vậy lại là lãng phí…

Vậy theo ông cần phải làm gì để công tác đào tạo thực sự là công cụ hữu hiệu cho các nghề, làng nghề TCMN phát triển?

Tôi nghĩ công tác đào tạo nghề của chúng ta cần phải thay đổi và thay đổi theo 2 hướng. Ở những làng đã có nghề phải đào tạo cho người lao động theo hướng đa dạng hơn, chuyên sâu hơn, gần gũi với người tiêu dùng hơn. Và quan trọng là phải đào tạo sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, nếu như trước kia một gia đình người ta có thể sản xuất ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh nhưng nay họ phải chia ra nhiều công đoạn, mỗi gia đình làm một công đoạn nhằm chuyên môn hóa sản xuất và có thể chuyển thành sản xuất hàng hóa. Còn đối với làng nghề chưa có nghề thì phải có một cuộc nghiên cứu về nhu cầu học nghề, nhu cầu của thị trường nhằm lựa chọn nghề đào tạo cho phù hợp.

Với các trường nghề, chỉ nên lựa chọn một số nghề để đào tạo tại trường, tập trung đào tạo những kỹ năng mềm hoặc những kiến thức hiện đại cho các làng nghề như: thẩm mỹ, tổ chức sản xuất, quản lý, xu hướng của thị trường…những khóa đào tạo này đòi hỏi phải tổ chức thường xuyên và đào tạo ngắn hạn nhằm tránh sự lạc hậu cũng như tâm lý “nản” cho người học. Ngoài ra, các Trường dạy nghề nên đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi nhằm tận dụng lực lượng cũng như cơ sở thực hành tại các làng nghề.

Nhưng điều quan trọng nhất là công tác đào tạo không nên chạy theo phong trào, theo số lượng mà hãy đi vào thực chất, làm được điều đó công tác đào tạo nghề không những sẽ trở thành công cụ hữu hiệu cho nghề, làng nghề TCMN phát triển mà còn góp phần tránh lãng phí cho Nhà nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 Việt Nga thực hiện

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

27
Đang xem:
72.471.600
Tổng truy cập: