HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
Để đào tạo nghề cho lao động nông thôn sát nhu cầu
(Ngày đăng: 05/01/2019   Lượt xem: 504)

 

Các học viên theo học lớp dạy nghề mây, giang đan ở xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ.

Để tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các huyện mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho các địa phương trên nhiều lĩnh vực.

Chương Mỹ (Hà Nội) là một trong số những huyện đi đầu và áp dụng thành công mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Năm 2018, huyện đã tổ chức 50 lớp đào tạo nghề cho 1.750 lao động, trong đó có 1.120 chỉ tiêu nghề nông nghiệp và 630 chỉ tiêu nghề phi nông nghiệp. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến: "Thực hiện mục tiêu 80% số lao động sau học nghề gắn với việc làm hoặc có việc làm mới, trước khi tổ chức lớp, huyện đã rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch trên địa bàn các xã, thị trấn. Để việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao nhất, huyện đã đẩy mạnh xây dựng nội dung, chương trình tuyên truyền trên các phương tiện thông tin cấp huyện và cấp xã. Đồng thời, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp ở địa phương vào công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Huyện đã lựa chọn những cơ sở dạy nghề có đủ năng lực, uy tín để tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt chất lượng".

Thu hút đông đảo học viên tham gia là lớp đào tạo nghề chăn nuôi - thú y đang được tổ chức tại xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ). Ông Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Phương Yên cho hay, phần lớn học viên tham gia lớp học đều có trang trại chăn nuôi theo mô hình gia đình. Khi đến với khóa đào tạo nghề này, các học viên được trang bị nhiều kiến thức về giống, vốn, cách phòng chữa bệnh, chăn nuôi đúng kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng vật nuôi.

Với kiến thức có được sau khóa đào tạo, nhiều gia đình đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi quy mô, bố trí khoa học, phát triển kinh tế gia đình, như hộ ông Nguyễn Văn Hoan ở xã Đông Phương Yên gồm năm người, hai năm trước còn sinh hoạt trong căn nhà chật chội, thì nay đã xây được nhà mới, khang trang, thoáng rộng nhờ phát triển kinh tế. Ông Hoan cho biết, trước đây, do không nắm được kiến thức, việc làm ăn của gia đình rất bấp bênh, kinh tế luôn khó khăn. Từ khi theo học lớp chăn nuôi thú y theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, nắm được kỹ thuật, có kiến thức, ông quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi. Mới đây, vợ ông Hoan cũng theo học lớp sơ cấp chăn nuôi thú y; con trai ông đang theo học lớp trung cấp nông nghiệp. Bên cạnh lớp đào tạo nghề về chăn nuôi - thú y, tại xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) tổ chức hai lớp đào tạo nghề trồng lúa chất lượng cao cho nông dân.

Huyện cũng tổ chức các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp bằng cách kết hợp với một công ty may đào tạo nghề cho hơn 1.900 lao động; tổ chức các lớp học nghề mây tre đan cho người dân tại các làng nghề mây tre đan truyền thống để bảo tồn và phát triển làng nghề… Kinh tế phát triển giúp các hộ dân giảm nghèo bền vững, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Huyện Phú Xuyên cũng là địa bàn tổ chức tốt các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Xuyên Ngô Thị Biên cho biết, năm 2018, huyện đã tổ chức 10 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp gồm: điện dân dụng, hàn điện, khảm trai, may công nghiệp, mây, giang đan cho 350 học viên và 15 lớp dạy trồng rau an toàn, kỹ thuật trồng rau và chăm sóc cây ăn quả, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi thú y, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm cho 525 học viên. Để công tác đào tạo mang lại hiệu quả cao, huyện tiếp tục tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp giúp người lao động có nhận thức đúng đắn về học nghề, qua đó, thu hút người lao động, nhất là thanh niên tham gia học nghề để xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù, các nghề đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã sát thực tế sản xuất, nhưng với kế hoạch phát triển trong thời gian tới, các địa phương cũng đề nghị thành phố bổ sung một số lớp đào tạo vào danh mục nghề. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành đề xuất: "Để ít nhất 80% số lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn, trong năm nay, huyện Phú Xuyên tăng cường liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp. Tuy nhiên, các ngành nghề đào tạo cũng cần đa dạng hơn, trong đó tập trung đào tạo các nghề tiểu thủ công nghiệp như mây, giang đan, khảm trai, may công nghiệp... để phát triển làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ chuyển giao các kỹ thuật về trồng trọt, nuôi thủy sản, chăn nuôi thú y, dịch vụ nông nghiệp nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương". Lãnh đạo huyện Chương Mỹ cũng đề nghị thành phố bổ sung các lớp học về trồng lúa hữu cơ; bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản sau thu hoạch; rút ngắn thời gian dạy lý thuyết, tăng thời lượng thực hành cho phù hợp với nhu cầu của người học là nông dân. Đại diện Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ đề nghị có thêm nghề chăn nuôi, trồng cây ngắn hạn, thời gian đào tạo chỉ 10 - 15 ngày, nhưng vẫn bảo đảm cung cấp kiến thức cơ bản cho người lao động. Bởi thực tế, nhiều lao động nông thôn rất khó bố trí đi học đầy đủ khóa học nghề ba tháng, sĩ số lớp học bị "rơi rụng" dần. Vì thế, tổ chức lớp học ít ngày để tạo thêm cơ hội cho lao động nông thôn, và mục đích của việc đào tạo nghề vẫn bảo đảm.

                                                                                   Theo: nhandan.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

28
Đang xem:
72.470.788
Tổng truy cập: