HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
Giảng dạy bảo tồn di sản trong trường học: Giải pháp tối ưu
(Ngày đăng: 10/11/2015   Lượt xem: 626)

Thời gian qua, việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta khi đã được tổ chức UNESCO vinh danh luôn được các cấp ngành, địa phương đặc biệt quan tâm.

Đến nay, Việt Nam đã có 9 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận và vinh danh tầm nhân loại. Thực tế ai cũng thấy, đi kèm với niềm tự hào dân tộc thì chúng ta lại phải có trách nhiệm lưu giữ, bảo tồn các di sản đã được vinh danh. Nếu di sản ít được quan tâm trong việc bảo tồn hoặc làm không tốt công tác này sẽ dẫn đến việc di sản bị mai một, lụi tàn. Khi đó điều tất yếu, những danh hiệu cao quý mà di sản nhận được trước đó sẽ bị thu hồi. Bởi vậy bài toán bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản cũng đặt ra nhiều thách thức.

Giảng dạy bảo tồn di sản trong trường học: Giải pháp tối ưu
Hình ảnh các em học sinh ở Phú Thọ tham gia buổi học ngoại khóa về hát Xoan - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhưng đáng mừng, các di sản phi vật thể ở nước ta đã được UNESCO công nhận như hát Xoan (Phú Thọ), dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh, đờn ca tài tử Nam bộ..., ngoài việc thường xuyên được lồng ghép vào các chương trình nghệ thuật, biểu diễn trên sân khấu thì lâu nay, các di sản phi vật thể đó còn được đưa vào trường học để giảng dạy. Và việc kết hợp giữa văn hóa - giáo dục trong công tác gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta đã phát huy tác dụng. Qua môi trường giáo dục, thế hệ trẻ đã được tiếp cận, tìm hiểu và có nhận thức sâu sắc hơn vì những di sản quý của dân tộc.

Không cần đợi đến lúc UNESCO vinh danh dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là di sản phi vật thể nhân loại, gần 20 năm qua, tại tỉnh Nghệ An, ngoài sự nỗ lực giữ lửa của nhiều văn nghệ sĩ, nghệ nhân chuyên nghiệp thì ngay trong các các nhà trường ở Nghệ An đã phối hợp với phòng văn hóa thông tin và trung tâm văn hóa - thể thao các huyện, thị triển khai đề án “Đưa dân ca vào trường học”. Từ năm 1998 đến nay, hoạt động này đã được đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh và ngay cả các bậc phụ huynh ở các trường học ở Nghệ An đón nhận và hưởng ứng tích cực. Giờ đây, dân ca ví, dặm đã trở nên thân thiết, gần gũi đối với nhiều học sinh. Hầu hết người trẻ ở xứ Nghệ đều thuộc, thể hiện tốt một số làn điệu dân ca ví, dặm. Điều này đã khơi dậy tình yêu đối với văn hóa truyền thống, với câu hò điệu ví quê hương trong các em học sinh và thế hệ trẻ.

Cũng là một địa phương có di sản văn hóa phi thể được vinh danh cấp thế giới, đó là tỉnh Bắc Ninh với làn điệu dân ca quan họ được lưu truyền, gìn giữ nhiều thế kỷ nay. Để bảo tồn, gìn giữ dân ca quan họ, từ năm 2011, học sinh từ các trường bậc mầm non đến trung học phổ thông tại tỉnh Bắc Ninh đều được truyền dạy về di sản dân ca quan họ. Trong các giờ học về âm nhạc, các em học sinh được học hát một bài dân ca quan họ từ dễ đến khó, cả lời mới và lời cổ. Thậm chí, lứa tuổi mầm non, những em nhỏ được tiếp xúc với dân ca quan họ bằng cách vẽ, cắt xé, dán... về trang phục của quan họ. Đối với giờ học nhạc, bên cạnh việc nghe giáo viên dạy hát các em còn được nghe những câu chuyện về văn hóa, ẩm thực, trang phục, cách têm trầu, ứng xử của người biểu diễn dân ca quan họ.

Đến di sản văn hóa phi vật thể - hát Xoan, cách đây 5 năm tỉnh Phú Thọ cũng đã đưa bộ môn hát Xoan vào hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh. Những tiết học, các giáo viên trong trường ở Phú Thọ đã hướng dẫn học sinh biết về nguồn gốc, tìm hiểu về Xoan cổ. Bên cạnh đó, các giáo viên khi dạy môn học hát Xoan còn hướng dẫn các em thể hiện về giai điệu, lời ca. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, Phú Thọ có 202/209 trường tiểu học; khối trung học cơ sở có 200/259 trường và 37/45 trường phổ thông trung học trên địa bàn đã triển khai dạy hát Xoan. Chính yếu tố này đã và đang góp phần đưa hát Xoan của Phú Thọ ra khỏi danh sách bảo vệ khẩn cấp.

Dẫu đã có những hiệu quả rõ rệt như vậy, nhưng thực tế cho thấy không ít nhà trường triển khai dạy và học dân ca, di sản văn hóa phi vật thể được giới chuyên gia nhận định chỉ là học ngoại khóa chứ chưa được đánh giá đúng vai trò, giá trị của những di sản đó để trở thành môn học trọng yếu. Bởi vậy, nếu không có cách đánh giá chuẩn mực về di sản văn hóa phi vật thể trong nhà trường, đôi khi chúng ta mới đạt hiệu quả về bề nổi?.

                                                                                                        Theo: suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

36
Đang xem:
72.468.726
Tổng truy cập: