HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
Gieo chữ, dạy nghề ở Làng Hữu nghị Việt Nam
(Ngày đăng: 10/08/2015   Lượt xem: 607)

Để giúp các em nhỏ là nạn nhân chất độc da cam đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Làng Hữu nghị Việt Nam (trên địa bàn xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) biết đọc, viết, thêu, may… là cả một quá trình miệt mài, âm thầm gieo chữ, ươm nghề của cácô giáo, với mong muốn giúp các em vơi đi nỗi đau do hậu quả chiến tranh, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Chúng tôi đến Làng Hữu nghị Việt Nam và chứng kiến cô Nguyễn Thị Oanh, phụ trách Lớp học đặc biệt 1 đang dạy các em nhận biết mặt chữ cái. Nhìn cách cô Oanh uốn nắn từng ngón tay co quắp để các em chỉ đúng chữ; rồi cách cô chậm rãi đánh vần để các em đọc theo…, tôi cảm nhận được phần nào những khó khăn, vất vả của các cô giáo ở đây. Cô Oanh công tác tại làng từ năm 1998, gắn bó và làm công việc gieo chữ cho các em. Cô chia sẻ: “Các em đều là con, cháu của các cựu chiến binh-những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Bởi vậy, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy bảo các cháu là trách nhiệm của mỗi chúng ta, đồng thời cũng thể hiện sự sẻ chia, tri ân, làm vơi bớt một phần gánh nặng, nỗi đau của các cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam”.

                    Cô giáo của Làng Hữu nghị Việt Nam dạy các em nhận biết chữ cái.

Theo cô Oanh, nhiều em khi được đưa về làng, dù đã ở tuổi thanh niên, nhưng việc giao tiếp rất khó khăn, chưa biết chào một câu đầy đủ, chưa biết đánh răng, rửa mặt hoặc tự đi vệ sinh đúng chỗ... Các cô ở đây phải dạy từ những điều nhỏ, thông thường nhất, như việc vệ sinh cá nhân của các em, tiếp đó mới dạy nhận biết chữ cái, số đếm. Do phần lớn các em bị thiểu năng trí tuệ, nên việc tiếp thu kiến thức rất khó khăn. Đôi khi, cô dạy 5 đến 7 tháng, có em mới nhớ được vài chữ cái, vài con số, hay nhận biết được đâu là màu xanh, đỏ, tím, vàng... Đơn cử như em Phạm Văn Mạnh (sinh năm 2007), quê ở huyện Xuân Trường, Nam Định. Em bị khiếm thính bẩm sinh. Sau thời gian học ở làng, được các cô kiên trì dạy bảo thông qua ngôn ngữ ký hiệu, đến nay em đã làm được các phép tính trong phạm vi 10.

Cùng với các lớp giáo dục đặc biệt, làng còn có 4 lớp dạy học nghề may, thêu, làm hoa và tin học văn phòng. Là giáo viên dạy thêu ở làng, cô Vũ Thị Ngọc Loan tâm sự: “Để dạy được các em, trước hết mình phải là người có tâm và lòng nhiệt tình. Dạy các em cần phải rất kiên trì, mất nhiều thời gian. Em nào nhanh thì 2 đến 3 tuần nắm được kỹ thuật thêu, còn chậm thì hai, ba năm mới làm được”.

Trong lớp thêu có em Chung Thị Thanh Bình (27 tuổi), quê ở Quảng Nam bị cong cột sống bởi di chứng chất độc da cam. Tuy vậy, em thêu khá nhanh và đẹp. Tâm sự với chúng tôi, Bình cho biết: "Em rất thích thêu tranh, nó giúp em quên đi mặc cảm về bản thân. Mong muốn của em sau này là về quê mở một xưởng thêu tranh để dạy các bạn bị tàn tật do nhiễm chất độc da cam như em, giúp các bạn có thể tự lập một phần trong cuộc sống”.

Chia tay cô, trò ở Làng Hữu nghị Việt Nam, chúng tôi tin rằng, với sự nuôi dạy, dìu dắt, giúp đỡ tận tình của các cô, sự chung tay của toàn xã hội, ước mơ của em Bình nói riêng và nhiều em là nạn nhân chất độc da cam ở đây sẽ sớm trở thành hiện thực. Và tương lai không xa, nhiều em từ ngôi làng này sẽ trở về gia đình, biết đọc, viết, biết thêu, may… và tự lập được một phần trong cuộc sống.
                                                                                                Theo: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

28
Đang xem:
72.472.582
Tổng truy cập: