HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học: Hướng đến việc đánh giá năng lực người học
(Ngày đăng: 30/12/2013   Lượt xem: 512)

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, việc giao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng nhằm đánh giá được đúng năng lực của học sinh, thay vì kiến thức học thuộc lòng như hiện nay; đồng thời tạo điều kiện để các trường có thể tuyển sinh được thí sinh phù hợp với các ngành, nghề đào tạo của mình. Đây cũng là điều mà phương thức thi “3 chung” như hiện nay không đáp ứng được.
Thí sinh có nhiều cơ hội đỗ đại học hơn

Phương án thi đại học cao đẳng “3 chung” kéo dài hơn 10 năm và đã được xã hội đánh giá cao. Tuy nhiên, phương thức này không phù hợp với thực tế, với quy định mới trong Luật Giáo dục đại học và xu hướng phát triển. Tại buổi đối thoại về những điểm mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, từ năm 2014, ngành giáo dục sẽ từng bước giao tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học cao đẳng. Việc các trường tổ chức tuyển sinh riêng sẽ hướng đến việc đánh giá năng lực thực sự và những khả năng, thế mạnh của người học thay vì đánh giá kiến thức học thuộc lòng như hiện nay. Đồng thời, phương thức này cũng sẽ cho phép các trường chủ động đưa ra đề thi, phương thức tổ chức thi, cách thức đánh giá năng lực học sinh để có thể tuyển được những học sinh có năng lực phù hợp với ngành, nghề đào tạo của nhà trường. Đây là những điểm mà các kỳ thi “3 chung” không đáp ứng được.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra lộ trình 3 năm để thực hiện việc giao tự chủ tuyển sinh cho các trường. Trong thời gian 3 năm, Bộ vẫn sẽ tổ chức kỳ thi “3 chung” giúp các trường chưa chuẩn bị được các điều kiện để tổ chức thi tuyển sinh riêng có thể tuyển sinh theo phương thức cũ. Tuy nhiên, Bộ cũng khẳng định, các trường khi đã tổ chức tuyển sinh riêng thì không được tổ chức xét tuyển học sinh thi theo phương thức “3 chung”. Quy định này khiến nhiều trường băn khoăn. Theo Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa, Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép dùng chung kết quả thi riêng và kết quả thi chung để đánh giá kết quả vì đây là hai kỳ thi riêng, có thang đánh giá khác nhau. Nếu cho sử dụng đồng thời 2 kết quả thi chung và thi riêng thì sẽ không bảo đảm công bằng cho các thí sinh. 

Theo đề án tuyển sinh riêng, các trường có thể tổ chức nhiều nhất 2 kỳ thi trong 1 năm để có thể đạt đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Điểm nổi bật của việc ra đề thi riêng là tùy vào nhu cầu của ngành đào tạo, các trường sẽ có quyền tự quyết về cách ra đề thi và phương pháp xét tuyển sao cho có thể chọn được những thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo mà không bắt buộc phải tổ chức thi theo các khối A, B, C, D... và cũng không bắt buộc thí sinh phải thi 3 môn 1 khối như hiện nay. Nhà trường có thể kết hợp thi một vài môn với các phương pháp đánh giá năng lực thí sinh khác. Theo đó, học sinh có thể sẽ chỉ phải thi một hoặc vài môn học có lợi thế nhất. Như vậy, việc tổ chức thi riêng này sẽ không bỏ sót thí sinh có những năng lực phù hợp với các ngành nghề đào tạo của các nhà trường. Hơn nữa, trong năm sau, các thí sinh vừa có thể tham gia kỳ thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa có thể tham gia vào kỳ thi riêng do các trường tổ chức. Do đó, cơ hội bước vào giảng đường đại học của các em sẽ cao hơn rất nhiều.

Các trường phải cạnh tranh bằng uy tín và chất lượng đào tạo

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra đề án tuyển sinh riêng, rất nhiều chuyên gia đã băn khoăn về nạn tổ chức luyện thi và học thêm sẽ tái diễn như đã từng xảy ra nhức nhối trước khi ngành giáo dục tổ chức thi theo phương thức “3 chung”. Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, từ nhu cầu đào tạo thực tế, các trường sẽ chủ động đưa ra các phương án, cách thức tuyển sinh theo “con đường mới” chứ không lặp lại con đường cũ. Chìa khóa của “con đường mới” này chính là ở cách ra đề thi, phương thức thi, cách đánh giá, cách xét tuyển, trong đó hoạt động thi cử không còn tập trung vào đánh giá kiến thức học thuộc lòng của học sinh mà tập trung vào đánh giá năng lực của người học phù hợp với ngành nghề đào tạo của các trường. Mặt khác, khi được giao tự chủ đồng thời các trường cũng phải tự chịu trách nhiệm và thực hiện đúng cam kết và quy định không được để tái diễn tình trạng luyện thi, học thêm. Các trường phải chủ động nghiên cứu, đưa ra cách ra đề thi như thế nào, phương thức tổ chức thi ra sao để tình trạng ôn luyện trong thi cử không còn ý nghĩa theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ việc thay đổi cách thức thi cử sẽ tác động trở lại, nhằm thay đổi căn cơ cách dạy và học ở các cấp học phổ thông như hiện nay. Tình trạng học thuộc lòng, học để thi, học lệch học tủ dần sẽ được thay thế bởi cách dạy và học tập trung vào phát huy năng lực của học sinh. Từ đó, bồi dưỡng và rèn rũa những thế mạnh, đam mê của từng học sinh, định hướng để các em tiếp tục tập trung vào các đam mê, thế mạnh của mình trong tương lai. Tuy nhiên, khi để cho các trường ra đề thi thì vấn đề bảo mật đề thi cũng khiến nhiều trường không mặn mà.  Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tách các chức năng chuyên môn về cho các trường để chỉ đảm nhận chức năng quản lý nhà nước. Việc ra đề thi, các trường phải chủ động, hoặc liên kết với các trường. Về lâu dài, đề thi và việc kiểm soát chất lượng thi cử sẽ do các tổ chức độc lập kiểu như mô hình Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, chương trình và các cơ sở giáo dục.

Hiện tại có 17 trường gửi đề án tuyển sinh riêng về Bộ Giáo dục và Đào tạo và đây đều là những trường ngoài công lập. Rất nhiều người băn khoăn vấn đề, các trường ngoài công lập đề xuất tuyển sinh riêng để có thể lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh của mình. Theo thứ trưởng Bùi Văn Ga, phương án tuyển sinh riêng là để các trường có thể tuyển sinh được thí sinh phù hợp với ngành, nghề đào tạo. Đây cũng là cơ hội để các trường ngoài công lập có thể tuyển sinh được học sinh, nâng cao chất lượng và uy tín trong đào tạo. Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học Bùi Anh Tuấn cho biết, các trường tự chủ tuyển sinh đồng thời phải tự chịu trách nhiệm về kết quả tuyển sinh cũng như chất lượng đào tạo của mình. Các quy định về tự chủ trong tuyển sinh cũng khá chặt chẽ, trong đó yêu cầu các trường phải đưa ra các ngưỡng tối thiểu giống như điểm sàn trong thi “3 chung” và các trường chỉ được tuyển đến ngưỡng tối thiểu đó. Thực hiện tự chủ trong tuyển sinh, các trường sẽ có một môi trường lành mạnh để cạnh tranh bình đẳng về chất lượng đào tạo và uy tín. Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tiến hành xếp hạng các trường đại học, cao đẳng làm cơ sở để các trường phấn đấu, hoàn thiện.

                                                                                                  Theo: daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.497.190
Tổng truy cập: