HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
Tham luận Diễn đàn “Làng nghề Việt Nam phát triển và hội nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới”
(Ngày đăng: 16/12/2015   Lượt xem: 1001)
LÀNG NGHỀ PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP, GÓP PHẦN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI                                                        

     

Ảnh minh họa( nguồn Internet)

Langnghevietnam.vn- vicrafts.vn - Diễn đàn “Làng nghề Việt Nam phát triển và hội nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới” được tổ chức nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (10/2005- 10/2015), đồng thời là kỷ niệm kỉ niệm 70 năm thành lập Bộ Canh nông, 20 năm thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần xây dựng nông thôn mới.

Mục đích của Diễn đàn là (i) Nhìn lại chặng đường bảo tồn và phát triển làng nghề nước ta những năm qua; đề ra những giải pháp nhằm phát triển làng nghề bền vững và hội nhập quốc tế có hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới; (ii) Tổng kết hoạt động của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam qua 10 năm thành lập, qua đó rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất phương hướng, nội dung hoạt động của Hiệp hội trong thời kỳ phát triển mới của đất nước; (iii) Đây cũng là diễn đàn để các cơ quan nhà nước trực tiếp nghe kiến nghị của cộng đồng làng nghề và giải đáp những biện pháp tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh cho làng nghề.

Bản Báo cáo đề dẫn này tập trung vào 03 nhóm vấn đề sau:

-          Làng nghề Việt Nam: thành tựu, yếu kém và phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới;

-          Phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới;

-          Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: nhìn lại 10 năm qua, phương hướng, nội dung hoạt động trong nhiệm kỳ tới.

I. Làng nghề Việt Nam: thành tựu, yếu kém và phương hướng, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

1. Tình hình.

a) Làng nghề nước ta có lịch sử hàng trăm năm, có nghề trên 1.000 năm (như gốm sứ), sản xuất chủ yếu là mặt hàng thủ công, một số đã trở nên thủ công mỹ nghệ, mang trong sản phẩm những tinh hoa văn hóa của dân tộc rất cần được bảo tồn.

b) Đến năm 2014, cả nước có 5.096 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.748 làng nghề truyền thống. Làng nghề thu hút khoảng 10 triệu lao động, thu nhập lao động làng nghề thường gấp 2-3 lần so với lao động nông nghiệp. Làng nghề nước ta đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho cư dân làng nghề, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng GDP của cả nước, góp phần quan trọng ổn định nông thôn, hạn chế các tệ nạn xã hội.

c) Mấy năm gần đây, kinh tế nước ta gặp khó khăn, một số có sở sản xuất làng nghề phải thu hẹp sản xuất, nhưng vẫn có những cơ sở kinh doanh tốt, tìm được thị trường mới, kể cả xuất khẩu.

2. Khó khăn, yếu kém; nguyên nhân.

a) Làng nghề đang phát triển dưới tiềm năng, mẫu mã chậm đổi mới; nhiều cơ sở làng nghề, nghệ nhân có ý tưởng mới, sáng tạo nhưng chưa được triến khai; thiếu mặt bằng, thị trường chưa được mở rộng; nhiều làng nghề ô nhiễm nặng, chưa được xử lý có hiệu quả

b) Nguyên nhân do bản thân làng nghề: Làng nghề chủ yếu là hộ gia đình, quy mô nhỏ, kể cả siêu nhỏ, vốn liếng không nhiều, còn nhiều yếu kém về quản trị cơ sở và tiếp thị, về ứng dụng công nghệ mới,

c) Về phía cơ quan nhà nước: tuy đã có một số văn bản quy định nhiều chủ trương, chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề, nhưng chỉ đạo thực hiện kém hiệu quả, nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống. 

3. Định hướng phát tiển làng nghề trong thời gian tới.

Nước ta đang bước vào một thời kỳ phát triển mới: (i) Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh; (ii) Hội nhập quốc tế sâu và rộng hơn trước: thực hiện các cam kết với WTO và các FTA đã ký kết, thực hiện các điều khoản của AEC hình thành vào cuối năm, thực hiện các cam kết khi TPP có hiệu lực thi hành, v.v… trong đó có những cơ hội cần tranh thủ cùng những thách thức phải vượt qua để thu lợi nhiều nhất, giảm thiểu thiệt hại.

Trong thời kỳ mới, làng nghề phải phát huy mọi tiềm năng để nâng cao sức cạnh tranh, tăng trưởng nhanh, bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhiệm vụ này đòi hỏi Nhà nước đổi mới toàn diện và đồng bộ, từ quan điểm phát triển, cơ chế, chính sách đến cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho làng nghề.

a) Về quan điểm phát triển: khẳng định bảo tồn và phát triển làng nghề là một chủ trương lâu dài của Đảng và Nhà nước, vì những giá trị to lớn về văn hóa, về kinh tế, xã hội, cần được Đại hội XII nêu trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới với những giải pháp thiết thực, khả thi. Các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề chủ yếu là hộ gia đình và doanh nghiệp thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực kinh tế tư nhân, do đó, cần khẳng định tư duy nhất quán coi kinh tế tư nhân là động lực của tăng trưởng kinh tế, khắc phục mọi phân biệt đối xử.

Nhiệm vụ bảo tồn và phát triển làng nghề trong thời gian tới gắn với xây dựng nông thôn mới (năm 2015 đến 2020): (i) Bảo tồn 1.748 làng nghề truyền thống (có chọn lọc và thứ tự ưu tiên); (ii) Củng cố, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm làng nghề hiện có (mẫu mã, chất lượng, giá thành …); (iii) Phát triển nghề ở những nơi chưa có nghề (trên cơ sở nghiên cứu thị trường, điều kiện sản xuất …).

b) Về cơ chế, chính sách: Nhà nước cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề, mục tiêu là nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề.

- Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 7-7-2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, tập trung vào giải quyết những vấn đề nóng bỏng, như về vốn, mặt bằng, thị trường, ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghệ mới, định thời gian xử lý dứt điểm từng việc ở từng làng nghề cụ thể (tránh chung chung).

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (về thuế, hải quan, vận chuyển kho, bãi, v.v…), xóa bỏ những thủ tục đang làm tăng chi phí cho cơ sở làng nghề. Công khai, minh bạch các thủ tục hành chình; khắc phục tham nhũng, tăng cường các giao dịch điện tử, giảm bớt các quan hệ trực tiếp giữa công chức cơ quan chức năng với cơ sở làng nghề.

c) Về trách nhiệm của các cơ sở làng nghề: Mỗi cơ sở (hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã) phải (i) Nâng cao trình độ, năng lực của mình, thực hiện mọi biện pháp để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa (đặc biệt ứng dụng công nghệ mới, bồi dưỡng và phát huy nghệ nhân, thợ giỏi)); (ii) Phát triển liên doanh, liên kết giữa các cơ sở làng nghề để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, lấy các doanh nghiệp làm đầu mối; (iv) Những hộ có điều kiện thì đăng ký thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2014.

II. Phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới.     

1. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới là yếu tố quyết định cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, đồng thời là nền tảng để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân thông qua quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân lực và các nguồn vốn.

2. Nhiệm vụ của các làng nghề:

Trong quá trình phát triển, do làng nghề là ở các vùng nông thôn, do đó, trên thực tế, mỗi bước phát triển của làng nghề đều đã đưa lại những đổi mới trên địa bàn nông thôn, cả về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Để gắn bó hơn nữa việc phát triển làng nghề với Chương trình xây dựng nông thôn mới, theo hướng góp phân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và nâng cao đời sống cuat cư dân nông thôn, cần thực hiện một số hoạt đông như sau.

a) Mở rộng các cơ sở làng nghề để tạo thêm việc làm cho nông dân, và tận dụng thời gian nông nhàn, qua đó, thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn. Cùng địa phương hướng dẫn việc phát triển nghề ở những nơi chưa có nghề, thành lập các doanh nghiệp và câc hội làng nghề địa phương,

b) Cùng các cơ quan liên quan thực hiện quy hoạch các vùng chuyên canh để phát triển nguồn nguyên liệu cho cơ sở sản xuất làng nghề; có cơ chế, chính sách để phát triển vững chắc nguồn nguyên liệu.

c) Thực hiện rộng rãi việc liên doanh, liên kết, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ giữa các hộ nông dân sản xuất nguyên liệu (nông, lâm, ngư nghiệp) với các doanh nghiệp làng nghề, qua đó, các doanh nghiệp tác động có hiệu quả vào các khâu sản xuất (như ứng vốn, hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, tăng sản lượng và giá trị) đồng thời tổ chức tiêu thụ sản phẩm;

d) Thu hút doanh nghiệp làng nghề đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, như giao thông, thủy lợi, điện, nước, viễn thông; các công trình văn hóa, xã hội phục vụ lao động làng nghề và cộng đồng dân cư nông thôn.

đ) Cùng địa phương tổ chức các sinh hoạt văn hóa, tâm linh, các lễ hội, góp phần làm phong phú, sâu sắc hơn đời sông tinh thần của nông thôn;

e) Chú trọng thực hiên trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp làng nghề: bảo vệ môi trường,  trật tự an toàn xã hội, phòng, chống các tệ nạn xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm truyền thống của nông thôn.

III. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: nhìn lại 10 năm qua, phương hướng, nội dung hoạt động trong nhiệm kỳ tới.

1.Thành tựu

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được thành lập ngày 3-2-2005, đến nay đã có gần 13.000 hội viên (kể cả hội viên là tổ chức và cá nhân) trên 61/63 tỉnh thành trong cả nước, có 05 Văn phòng đại diện, 12 trung tâm, 05 câu lạc bộ, 07 ban chuyên môn, 01 Hội đồng Tư vấn và 01 tờ báo ra hàng tuần cùng 01 Trang Thông tin điện tử..

Trong 10 năm qua, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam dã đạt được những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực, tóm tắt như sau.

- Tham gia ý kiến đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách, như: góp ý xây dựng Hiến pháp 2012, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đóng góp ý kiến vào nhiều văn bản liên quan đến làng nghề; tham gia Hội đồng quốc gia phong tặng danh hiệu nghệ nhân cấp quốc gia; v.v…

- Xúc tiến thương mại: đã cùng các bộ liên quan tổ chức thành công hơn 263 sự kiện, như hội chợ, triển lãm, hội nghị khách hàng, cải tiến mẫu mã; kịp thời tổ chức hội thảo về làng nghề với hội nhập kinh tế quốc tế, hưởng ưng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, v.v…

- Triển khai công tác đào tạo: năm 2019-2011, thực hiện nhiệm vụ do Bộ LĐ&TBXH giao, đã tổ chức 118 lớp với 2610 học viên; tổng kết được 03 nô hình đào tạo có hiệu quả cao. Theo Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ KH&ĐT giao, đã mở 165 lớp với 7533 học viên;

- Công tác tôn vinh, khen thưởng: từ năm 2007 đến nay, đã tổ chức tôn vinh 57 làng nghề tiêu biểu, 331 nghệ nhân làng nghề, 94 đơn vị kinh tế làng nghề, 89 sản phẩm tinh hoa làng nghề, 35 thợ giỏi làng nghề. Trong số 37 nghệ nhân quốc gia được Nhà nước phong tặng, có 81% là nghệ nhân làng nghề. Năm 2015, bắt đầu phong tặng Bảng vàng Gia tộc cho những gia đình truyền thống làng nghề.

- Hoạt động đối ngoại: Đã tổ chức và phối hợp thực hiện các đoàn  triển lãm, khảo sát và làm việc tại nhiều nước như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, đồng thời làm việc với nhiều đoàn nước ngoài cũng như khảo sát trực tiếp tại một số làng nghề để giới thiệu sản phẩm và đặt quan hệ hợp tác.

- Công tác truyền thông: thường xuyên viết bài giới thiệu làng nghề tại các báo, như Báo Nhân Dân, Hà Nội mới,… Năm 2011, xuất bản Thời báo Làng nghề Việt ra hàng tuần, nội dung phong phú; năm 2014, có thêm Trang thông tin điện tử Làng nghề Việt Nam.vn.  

2. Những yếu kém chủ yếu

Tuy có nhiều cố gắng, đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận, song hiện nay, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam còn nhiều yếu kém, chủ yếu là:

- Chưa kịp thời góp phần tháo gỡ những khó khăn cụ thể cho cơ sở làng nghề;

- Tình hình tài chính rất khó khăn;

- Hoạt động của các tổ chức trực thuộc còn yếu;

- Các ủy viên Ban Chấp hành hoạt động chưa đều, nhiều việc tập trung vào Ban Thường trực.

3. Bài học kinh nghiệm

10 năm qua là một chặng đường quan trọng của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đi từ hai bàn tay trắng đến ngày nay, đã được cộng đồng làng nghề tín nhiệm; có vị thế nhất định trong các hiệp hội ngành nghề của cả nước; và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Có thể nêu những bài học kinh nghiệm như sau.

- Luôn luôn đổi mới, sáng tạo trong hoạt động, tìm mọi giải pháp để khắc phục khó khăn, “tất cả vì làng nghề”;

- Nội bộ đoàn kết, nhất trí; có Ban Thường trực tận tâm vì công việc;

- Tích cực hợp tác với những tổ chức xã hội khác để cùng thực hiện các hoạt động vì lợi ích chung, như Hội Văn nghệ dân gian, Hội Người cao tuổi, …

- Tranh thủ được sự trợ giúp của MTTQVN, VCCI, các cơ quan nhà nước như Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, v.v…

4. Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phải tiếp tục đổi mới, từ phương hướng, nhiệm vụ đến phương thức hoạt động, phục vụ tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới. Trước măt, phái đề ra được nhiệm vụ công tác, quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.  

Nhiệm vụ tổng quát là hướng về cơ sở, củng cố các đơn vị cơ sở. (bao gồm các hộ gia đình, tổ sản xuất,  doanh nghiệp, hợp tác xã), tạo mọi thuận lợi cho đơn vị cơ sở nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững, qua đó, củng cố và phát triển làng nghề, phát huy những giá trị văn hóa truiyền thống của làng nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nhiệm vụ của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Với tư cách là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, là mái nhà chung của các dơn vị cơ sở, các nghệ nhân, các làng nghề, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phải vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, động viên mọi nguồn lực để nâng cao sức cạnh tranh của đơn vị cơ sở.

Dưới đây là một số nhiệm vụ chủ yếu. 

Trước hết, là phát huy chức năng giám sát, phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào  việc cải cách thể chế. Thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm, các cuộc góp ý kiến vào các dự thảo văn bản của Đảng và Nhà nước, Hiệp hội vừa góp ý kiến vào những vấn đề chung của đất nước, vừa góp vào việc hình thành hệ thống thể chế bảo đảm phát huy tiềm năng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của làng nghề.

Qua các hoạt động này, Hiệp hội vừa thực hiện chức năng của mình, vừa nâng cao vị thế, gắn bó với Nhà nước, tranh thủ được sự trợ giúp của các cơ quan nhà nước (như về đào tạo) để phục vụ làng nghề nhiều hơn.

Hai là, triển khai những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa làng nghề. Hiệp hội tăng cường quan hệ với các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho làng nghề đã được đề ra, như về vốn, thị trường, cải tiến thiết kế mẫu mã, khắc phục ô nhiễm môi trường, tôn vinh nghệ nhân, đào tạo nghề, xây dựng bảo tàng, xúc tiến du lịch, tổ chức hội chợ, triển lãm, v. v… Càn tìm ra những giải pháp chủ yếu, thiết thực đối với mỗi làng nghề, trong từng thời kỳ để thực hiện.

Hiêp hội bám sát những yêu cầu của làng nghề và có hành động kịp thời: có những việc cần tác động với cơ quan chức năng để các cơ quan này thực hiện; có những việc Hiệp hội cùng cơ quan chức năng (hoặc liên kết với tổ chức xã hội khác) thục hiện; cũng có những việc Hiệp hội chủ động  triển khai thực hiện.

Ba là, tích cực liên kết với các tổ chức xã hội khác để triển khai thực hiện những hoạt động chung. Đó là những chương trình do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khởi xướng và chủ trì, có các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp khác cùng tham gia. Việc Hiệp hội mời các tổ chức xã hội khác cùng tham gia vào hoạt động do mình chủ trì hoặc tham gia với các tổ chức khác trong những chương trình, dự án cần có sự hợp tác, mang lại hiệu quả cao hơn. 

Qua các hoạt động này mà gắn bó hơn nữa Hiệp hội với MTTQVN, các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiiệp, nâng cao vị thế của Hiệp hội và tranh thủ các nguồn lực cho hoạt động của Hiệp hội.

Bốn là phát huy sức mạnh tổng thể, động viên mọi tiềm năng, nguồn lực của toàn Hiệp hội.  Tăng cường hoạt động của các hội viên, đơn vị cơ sở, từng làng nghề, của các hiệp hội địa phương, từng nghệ nhân, từng văn phòng đại diện, của từng ủy viên Ban Chấp hành, thành viêb Hội đồng Tư vấn, cho đến các trung tâm, các ban chuyên môn, v.v…Các tổ chức nói trên cần được tiếp tục củng cố, tăng cường năng lực và làm việc thiết thực hơn theo sự điều phối chung của Thường trực Hiệp hội.        

(Trích đăng nguyên văn bài tham luận Hội thảo của Ông Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch hội đồng cố vấn Hiệp hội làng nghề Việt Nam)

Còn nữa.

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.490.532
Tổng truy cập: