Theo sử sách ghi lại, làng nghề Phùng Xá được hình thành từ năm 1929 do cụ tổ làng nghề Hoàng Tiến Gan có công đi học tại Bắc Ninh, Hà Đông rồi về truyền lại cho dân làng.
Thổ nhưỡng, khí hậu Phùng Xá được dòng sông Đáy ưu ái nên những bãi dâu ven bờ sông cứ thế tốt tươi, trở thành nguồn nguyên liệu sạch cung cấp thức ăn cho việc nuôi tằm mỗi ngày.
Theo người dân, tằm là loại ưa sạch và rất "kén ăn". Không gian nuôi tằm phải sạch và có bầu không khí trong lành, không ô nhiễm. Thức ăn cho tằm chủ yếu là lá dâu. Lá dâu cho tằm ăn phải tươi, đủ nước giàu đạm. Thường lá dâu sẽ được thái theo sợi, nhưng để lá lâu héo có thể thái vuông.
Kén tằm được cắt tách phần con và phần vỏ kén ra để chuẩn bị đưa vào nồi nấu trước khi kéo sợi. Phần nhộng sống được cắt từ kén ra cũng đem lại một nguồn thu nhập cho những hộ dân nơi đây.
Bên cạnh nồi nước sôi sùng sục luôn có người túc trực để nấu kén, kéo sợi. Kén sẽ được vào một nồi nước sôi lớn, khuấy đều cho các kén nổi lên trên. Khi lớp áo đã bong ra, người trông bếp sẽ tìm mối gốc của tơ và rút ra rồi đưa lên guồng tơ nằm ngang trên nồi để quấn lại. Sợi tơ vừa mới rút ra được gọi là tơ thô, và sau đó chúng sẽ được se lại với nhau.
Sau quá trình tách sợi và làm sạch, tơ sẽ được cho vào các guồng quay để tạo thành từng bó khoảng một kg rồi đem phơi khô.
Những cuộn tơ vàng óng được phơi lên cao cho khô và chờ đem đi dệt.
Tại xưởng nhà bà Phan Thị Thuận - một nghệ nhân có tiếng trong làng nghề - còn nuôi được các "thợ dệt tằm". Những con tằm ở đây không quấn tổ kén như thường mà chúng sẽ tự dệt chăn bông. Bà Thuận cho biết: "Thông thường trong quá trình trưởng thành và đến một độ nhất định con tằm sẽ bắt đầu quấn kén, nhưng ở đây chúng tôi sẽ 'huấn luyện' để cho chúng không quấn kén mà vẫn tiếp tục nhả tơ. Những sợi tơ đấy sẽ kết dính vào nhau hết lớp này đến lớp khác. Sau khi dệt liên tục trong vòng 4 ngày thì hết tơ chúng sẽ lột xác thành con nhộng. Khi đó chúng ta sẽ có thể thu hoạch những con nhộng đó để làm giống cho những vụ tiếp theo hoặc làm thực phẩm".
Bên cạnh loại tơ tằm truyền thống, tại xưởng của bà Thuận còn làm cả tơ sen. Hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 9, gia đình nhà bà Thuận sẽ bước vào công đoạn khai thác sen để làm tơ sen.
Mỗi thân sen đem về được đưa vào bể rửa sạch, tuốt hết gai để thuận tiện cho quá trình rút sợi. Để lấy được tơ sen, người làm cần phải khéo léo dùng dao khứa xung quanh cuống sen rồi dùng tay bẻ, vặn và kéo tơ, tiếp đến là ve tơ thành sợi tròn.
Mỗi thân sen sẽ làm ra sợi tơ dài khoảng một mét. Đối với những thợ lành nghề, thạo việc trung bình mỗi ngày có thể rút được khoảng 200-250 cuống sen.
Tơ tằm thường có màu vàng óng trong khi đó tơ sen sẽ có màu trắng đục và chuyển dần qua màu trắng sáng
Máy dệt sợi tơ sen hoạt động cả ngày. Để có những tấm lụa với hoa văn đặc biệt, người đứng máy phải khéo léo tạo tác ngay khi đưa đẩy con thoi.
Mới đây, xưởng của bà Phan Thị Thuận mới được chọn làm địa điểm tham quan trong tour du lịch Con đường di sản Nam Thăng Long. Bà Thuận chia sẻ: "Khi biết rằng làng mình và đặc biệt là xưởng của mình được góp mặt trong con đường di sản, chúng tôi cảm thấy rất vui và phấn khởi. Chúng tôi sẽ được đón tiếp du khách cả trong và ngoài nước đến để trải nghiệm làng nghề dệt may truyền thống".
Nhiều du khách khi đến trải nghiệm xong có thể đến không gian bán đồ lưu niệm để lựa chọn những sản phẩm ưng ý nhất về cho gia đình. Mỗi sản phẩm tơ tằm, tơ sen được bán với giá dao động từ khoảng vài trăm nghìn đến vài triệu đồng một sản phẩm nhưng vẫn được nhiều người ưa chuộng và mua về sử dụng.