KIẾN TRÚC VIỆT TRUYỀN THỐNG (Traditional Vietnamese architecture)
(29-33)-Những “kiến trúc sư” Ê-đê biệt phái giữa lòng Hà Nội
(Ngày đăng: 19/03/2023   Lượt xem: 157)

“Tôi tham gia làm nhà dài Ê-đê tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từ năm 2000, sau đó là các năm 2009, 2016 và giờ là 2023 ra sửa lại. Hiện ở quê tôi không còn ngôi nhà dài nào như thế này nữa, vì thế được tận tay làm và tu sửa ngôi nhà khiến tôi rất xúc động. Sau này người Ê-đê muốn xem nhà dài của tổ tiên chắc phải ra… Hà Nội thôi” - ông Y Em K’nul (61 tuổi, ở buôn Ky, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk) ngậm ngùi nói với chúng tôi như vậy.

Trao truyền tri thức dân gian

Chúng tôi đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vào một ngày giữa tháng 3. Dù không phải cuối tuần, nhưng rất nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài cũng đến đây tham quan. Nhiều người tiếc nuối khi không được trực tiếp đặt chân lên ngôi nhà dài Ê-đê do công trình đang trong thời gian tu sửa.

Những “kiến trúc sư” Ê-đê biệt phái giữa lòng Hà Nội  ảnh 1

Ông Y Em K’nul, trưởng nhóm thợ dựng nhà dài Ê-đê tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam

Dẫn chúng tôi đến gặp những “kiến trúc sư” đều là người Ê-đê từ trong Đắk Lắk ra, chị An Thu Trà - Trưởng phòng Truyền thông và giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, ngôi nhà dài tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được dựng vào năm 2000 trên cơ sở nhà của gia đình bà H’Đách Êban (người Ê-đê Kpạ) làm năm 1967 ở buôn Ky, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngôi nhà dài 42,5m, sàn cao 1,1m và rộng 6m. Từ đó đến nay, sau hơn 20 năm, ngôi nhà đã được tu sửa nhiều lần vào năm 2009, 2016 và nay mái đã dột, phải phủ bạt.

Trước khi tiến hành sửa chữa, nhiều tranh luận trong hội đồng khoa học đã diễn ra. Nếu lấy một khuôn mẫu và đội thợ chuyên nghiệp ở ngay Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận thì chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều. Nhưng cuối cùng lãnh đạo bảo tàng vẫn kiên trì giữ theo cách thức mời các chủ thể văn hóa trực tiếp từ buôn Ky ra tu sửa. “Điều chúng tôi muốn là thông qua việc những người thợ trực tiếp tu sửa, sẽ trao truyền các tri thức dân gian từ thế hệ già sang thế hệ trẻ. Đây là cách Bảo tàng Dân tộc học kiên trì theo đuổi suốt hơn 25 năm qua. Và người dân cũng ủng hộ, hợp tác với cách làm của bảo tàng, không quản ngại đường xa, đi lại nhiều lần. Đợt này có 13 người thợ thì có 7 người đã từng ra Hà Nội lần thứ 2, thứ 3. Họ từng còn trẻ cách đây 10 năm, 15 năm và giờ đây đã thành thợ cả. Rất tiếc là trong số những người thợ ngày đó, nhiều người nay đã không còn” - chị Thu Trà nói.

Những “kiến trúc sư” Ê-đê biệt phái giữa lòng Hà Nội  ảnh 2

Là một trong những người thợ tham gia dựng nhà dài tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từ năm 2000, ông Y Em K’nul nay đã 61 tuổi. Từ những năm 1980, ông đã trực tiếp dựng nhà dài cho ông bà. Tuy nhiên, sau đó do không có nguyên liệu và chi phí tốn kém, đồng bào Ê-đê không còn mặn mà với nhà dài truyền thống. Với đồng bào Ê-đê, nhà dài là sự sống, là linh hồn, là bản sắc của dân tộc. Đặc điểm chính của nhà dài Ê-đê là rất dài vì là nơi ở chung có khi của cả một dòng họ. Nó thường xuyên được nối dài mỗi khi một thành viên nữ trong gia đình xây dựng tổ ấm.

Chính vì thế mà người Ê-đê mới có câu nói bất hủ: “Nhà dài như tiếng chiêng ngân”. Ấy là bởi đứng ở đầu nhà đánh chiêng thì cuối nhà chỉ còn nghe tiếng ngân rất nhỏ. Nhà gồm 3 gian, gian khách ở phía trước để các vật dụng quý giá như ghế dài Kpan, cồng chiêng để tiếp khách, sinh hoạt chung. Tất cả các nghi lễ đều được tổ chức tại gian khách, đó là nét khác biệt so với các dân tộc khác. Nửa phía sau là chỗ ở của các đôi vợ chồng, bếp nấu ăn chung. Nhà làm bằng tre nứa, gỗ, mặt sàn và vách tường làm bằng thân cây bương hay tre già đập dập, mái lợp cỏ tranh. Tranh lợp từng cụm, ngọn thả xuôi mái, gốc bẻ gập xuống vào bên trong.

Những “kiến trúc sư” Ê-đê biệt phái giữa lòng Hà Nội  ảnh 3

Những “kiến trúc sư” Ê-đê từ Đắk Lắk ra tu sửa nhà dài tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

“Nhà dài phải dựng theo hướng Bắc - Nam bởi nó mát mẻ vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Người Ê-đê không làm nhà theo hướng Đông - Tây bởi quan niệm đây là hướng nhà mồ, chỉ dành cho người đã khuất. Thời gian hoàn thành ngôi nhà thường mất khoảng vài tháng, tùy theo nhà to nhỏ. Tuy nhiên từ những năm 1984, nhà dài bắt đầu rơi vào tình trạng lụi tàn. Nguyên liệu khan hiếm, người Ê-đê dần thay thế nhà dài bằng những ngôi nhà bê tông kiên cố, mái tôn. Vì thế, người biết làm nhà dài cũng dần mất đi. Hiện nay, thế hệ trẻ gần như không biết làm nhà dài” - ông Y Em K’nul nói.

Gìn giữ hồn cốt đại ngàn

Công việc của ông Y Em K’nul tại địa phương là làm rẫy, trồng cà phê, tiêu. Tuy nhiên, những kỹ thuật làm nhà dài thì ông vẫn nhớ như in. Ông bảo: “Năm 2000, khi làm xong nhà dài tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tôi và nhiều người thợ đã khóc vì ngay tại quê tôi cũng không còn những ngôi nhà như vậy nữa. Sau này, con cháu tôi muốn nhìn nhà dài của tổ tiên chắc phải ra Hà Nội. Năm 2009, 2016 và hôm nay tôi lại được mời ra tu sửa nhà dài. Trong số 13 người thợ Ê-đê trước kia ra Thủ đô, lần này chỉ còn 7 người, còn lại đều là những người mới. Nhưng chỉ như vậy chúng tôi mới có cơ hội để truyền lại cách thức làm nhà dài cho thế hệ trẻ”.

Hiện những người thợ Ê-đê đang làm sạch khoảng 10 tấn cỏ tranh. Để chọn được cỏ tranh lợp mái cũng là điều không đơn giản. Do cỏ tranh không còn được trồng, kể cả ở các buôn làng Ê-đê nên Bảo tàng Dân tộc học phải cử người lên tận Sơn La (đoạn giáp biên giới Lào) để thu mua, vận chuyển về Hà Nội. Làm sạch cỏ tranh là một trong những công đoạn cần thiết để cỏ không bị mục theo thời gian, mưa nắng. Sau đó, cỏ sẽ được bện thành các phên lợp mái.

Thoăn thoắt cầm liềm làm sạch cỏ tranh, ông Y Yoc H’mok (51 tuổi) cũng là một trong những người thợ ra Hà Nội dựng nhà dài từ năm 2000 kể: “Lúc đó tôi còn trẻ, nhiều thợ cả ngày ấy đến nay đã mất. Vừa rồi được bảo tàng mời ra Hà Nội tu sửa nhà dài tôi rất xúc động nên thu xếp việc trong gia đình để đi ngay. Chỉ khi ra Hà Nội tôi mới được tận mắt nhìn thấy nhà dài của tổ tiên. Những người biết làm nhà dài Ê-đê giờ còn rất ít, người trẻ biết làm lại càng ít hơn. Chúng tôi lo sau này mình mất đi sẽ không còn ai biết làm nhà của người Ê-đê nữa”.

Là người trẻ nhất trong đội thợ, anh Y Doanh K’tul (SN 1983) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi ra Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để tu sửa nhà dài. Tôi được các bác, các chú hướng dẫn tỉ mỉ cách làm. Mỗi công đoạn nhìn tưởng đơn giản nhưng lại rất kỳ công, đòi hỏi người thợ phải làm cẩn thận và chau chuốt. Nhà dài là ngôi nhà của đại gia đình, là nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ người Ê-đê. Trong không gian ấy, các lễ nghi, tập tục của người Ê-đê được thể hiện trọn vẹn như hồn cốt đại ngàn Tây Nguyên”.

Nhà dài chính là kết tinh trí tuệ, sáng tạo của những người nghệ nhân tài hoa Ê-đê, họ được ví như “kiến trúc sư” của buôn làng. Vì vậy, bảo tồn văn hóa nhà dài tại các buôn làng Ê-đê là nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, những nghệ nhân biết dựng nhà dài hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón, rất cần có cơ hội để truyền nghề lại cho thế hệ trẻ…

                                            Theo; anninhthudo.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.458.238
Tổng truy cập: