Thời tiết đầu tháng tư ở Bắc bộ khá lạ. Buổi sáng như mùa thu với gió se và nắng lên sớm có chút hanh khô, cho đến chiều trời nắng gắt chẳng kém gì mùa hè, nhưng tới ban đêm lại khá lạnh như kiểu mới chớm mùa đông.
Tôi đến với chùa Nôm trong một buổi chiều muộn, khi bóng mặt trời xuống ngang lưng trời. Ngôi chùa cổ thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên từng được công chúng nhắc tới nhiều.
Trên chiếc xe gắn máy vương màu bụi đường của mình, tôi đi qua những cánh đồng đang vào thời mạ non, xanh mơn mởn.
Đến cổng chùa Nôm, hai bên là cây đa, cây gạo cổ thụ đứng sừng sững, tỏa bóng mát như mời chào du khách vào vãn cảnh chùa. Lớp hoa gạo đỏ au rơi rụng, vương khắp lối vào chùa.
Mặc dù chùa Nôm Hưng Yên có diện tích khá rộng (nếu bạn tham quan đầy đủ và thong dong thì cần khoảng 30-45 phút) nhưng bố trí các phân khu khá gần nhau, dễ dàng cho du khách tham quan, chiêm bái.
Không những thế, không gian chùa Nôm có chiều sâu ấn tượng, khi bạn càng đi càng thấy sự hun hút. Điều này có được nhờ không gian thấp phía sau khu thờ tự, nhưng phía ngoài lại dựng cao bằng những cột chèo to, chắc, thẳng đứng làm trụ đỡ.
Chùa Nôm nổi tiếng có hơn 120 pho tượng đất nung như Tam Thánh, Tam Thế, A Di Đà, Bát bộ Kim cương, Thập bát La hán… Đi sâu vào trong sau hai bên Hộ Pháp, bạn sẽ thấy dãy tượng Phật, La Hán xếp phía bên trái.
Dù không có kích thước lớn như tượng ở hành lang như chùa Bái Đình, nhưng tượng tại chùa Nôm có sự thanh thoát và độ cổ kính rêu phong nhuốm màu thời gian.
Khuôn viên chùa Nôm khá rộng. Ngoài phần hậu viên có thảm cỏ xanh, thạch đá với tạo hình bắt mắt, phần sân chùa còn thu hút bởi các đỉnh tháp, cao vút lên trời xanh. Lầu chuông, lầu Quan Âm đều tạo ấn tượng với sự chạm khắc công phu, hoa văn tinh xảo.
Chùa Nôm tạo sự thanh tịnh nhờ không gian cổ xưa, không làm mới và tu sửa quá nhiều nên giữ được nét xưa cũ, mang hồn quê Bắc Bộ.