KIẾN TRÚC VIỆT TRUYỀN THỐNG (Traditional Vietnamese architecture)
(24)-Theo dấu tích thành cổ
(Ngày đăng: 09/01/2022   Lượt xem: 262)

Bên dòng sông Chảy, sông Hồng hiền hòa, câu chuyện về chúa Bầu và thành cổ Nghị Lang đã được lịch sử ghi chép và lưu truyền. Nơi đây, những dấu tích xưa đã ghi dấu ấn về anh em họ Vũ người miền xuôi, đã ngược miền rừng núi, xây dựng căn cứ trấn ải biên giới Tây Bắc, bảo vệ biên cương.

Dừng chân ở Phố Ràng (Bảo Yên, Lào Cai), chúng tôi được nghe kể về di tích lịch sử phế tích thành cổ Nghị Lang, nơi gắn với công lao, chiến công của anh em chúa Bầu. 

Lần theo những tư liệu lịch sử in đậm dấu mốc thời gian, chúng tôi tìm về dấu tích thành cổ tại những vị trí được xác định là nơi hai anh em họ Vũ từng đóng doanh trại, xây thành. Đó là khu vực Mường Luông (xã Nghĩa Đô) và trung tâm thị trấn Phố Ràng của huyện Bảo Yên ngày nay.

Theo dấu tích thành cổ
 Thành cổ Nghị Lang và đền Phúc Khánh gắn liền với chiến công của chúa Bầu

Theo sử sách ghi lại, thành cổ Nghị Lang, được xây dựng vào khoảng những năm 1527 - 1533 (thế kỷ XVI). Thành cổ đều gắn liền với hai nhân vật Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật quê ở xã Đông Ba, huyện Gia Phúc (nay là Gia Lộc), tỉnh Hải Dương lánh nạn nhà Mạc lên vùng Bảo Yên xây dựng căn cứ trấn ải biên giới Tây Bắc bảo vệ biên cương và chống lại quân nhà Mạc.

Đứng ở vị trí thành cổ nhìn ra xa mới nhận thấy sự đắc địa về địa hình của chiến lũy mà các vị chúa Bầu đã chọn để xây thành. Phía Đông giáp sông Chảy - một chiến hào tự nhiên với nước chảy cuồn cuộn ngày đêm, từ ngòi Lự đến ngòi Ràng là những đoạn lũy cổ, tre ken dày và bên kia sông Chảy là bãi Soi Bầu.

Phía Bắc thành, một bên dựa vào núi cao hiểm trở, chân núi là ngòi Ràng - một con suối rộng từ 6-8 m làm chiến hào chở che. Phía Nam và Tây thành đều dựa vào các dãy núi cao.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, thành cổ Nghị Lang là minh chứng sinh động cho nghệ thuật quân sự Việt Nam, thành được xây dựng dựa trên thế đất để đánh giặc nên rất bền vững mà không tốn sức người.

Nơi đây, thành vừa vững chãi khi tựa vào núi, vừa thuận đường thủy, đường bộ nên tạo nên thế tác chiến của nhiều hướng phòng thủ và tiến công.

Còn tại phế tích thành Nghị Lang khu vực xã Nghĩa Đô (cách thị trấn Phố Ràng 25km), thành được xây trên đồi cao, nhìn xuống thung lũng Mường Luông rộng lớn, bằng phẳng, bốn phía được bao bọc bởi những dãy núi Khau Ái, Khau Rịa, Khau Choong trung điệp. Dựa vào thế núi để phòng thủ là chiến lược quân sự được chúa Bầu xác định khi bắt tay vào xây thành ở vùng đất này.

Theo dấu tích thành cổ
 Thành Nghị Lang được xây dựng kiên cố

Chất liệu để xây thành chủ yếu là đá cuội lấy từ sông Chảy lên, có vôi làm chất kết dính. Tường thành bên ngoài được kè đá vững chãi. Vì thế, khi phát hiện ra những dấu tích thành Nghị Lang, người dân nơi đây đã tìm thấy những tảng tường thành trong lau lách còn nguyên vẹn, được gắn kết bởi những viên đá, viên sỏi lớn.

Tương truyền rằng, tường thành Nghị Lang chạy dài theo mạch đồi núi, ôm trọn, bao bọc thị trấn Phố Ràng ngày nay. Ở khu vực bãi Soi Bầu, đêm đêm, khu vực thành nội, đồi Khao quân, đồi Cơm Lam vẫn có tiếng gươm đao khua, tiếng binh sĩ reo hò tập trận.

Nghệ nhân Ưu tú Ma Thanh Sợi (Nghĩa Đô, Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ: “Thành cổ Nghị Lang là một tòa thành có giá trị to lớn về nhiều mặt, qua nghiên cứu ở đó còn lưu giữ lại rất nhiều các giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học, đặc biệt đây còn là một địa điểm nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc quân sự có giá trị”.

Tưởng nhớ và tri ân người anh hùng Vũ Văn Mật và dòng họ Vũ đã có nhiều công lao bảo vệ biên cương, bờ cõi và dân lành, nên sau khi Vũ Văn Mật mất đi, nhân dân nơi đây đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao và nhắc nhở cho con cháu đời sau lưu ân ông hương khói, thờ phụng.

Ngôi đền Phúc Khánh, nơi thờ chúa Bầu tọa lạc trên một đỉnh đồi Tấp, hướng nhìn ra dòng sông Chảy hiền hòa, thơ mộng và xa xa là những triền núi trập trùng. Phía trước là phế tích thành cổ Nghị Lang ghi dấu ấn thời gian và lịch sử.

Đền Phúc Khánh và thành cổ Nghị Lang đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 51/QĐ-BVHTT ngày 27-12-2001.

Tại xã Nghĩa Đô, dưới chân núi Pú Chè, đền Nghĩa Đô được xây dựng uy nghi, nơi thờ chúa Bầu. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, thời gian, chiến tranh, lịch sử, giá trị, sự linh thiêng của đền Nghĩa Đô vẫn tồn tại nguyên vẹn trong tâm thức của đồng bào nơi đây. Ngày 23-12-2016, đền Nghĩa Đô chính thức được UBND tỉnh Lào Cai xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Theo lời kể của nghệ nhân Ma Thanh Sợi, tại vùng đất Mường Luông (Nghĩa Đô), các chúa Bầu đã cho xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ thành Nghị Lang từ xa; tổ chức khai khẩn sản xuất lương thực tại chỗ phục vụ nuôi quân, mở mang phát triển vùng đất này. Và đặc biệt, các chúa Bầu cho phép quân binh người miền xuôi hòa nhập với người bản địa, để làm thế đồn trú lâu bền trên miền biên ải.

Theo dấu tích thành cổ xưa để tìm về những giá trị lịch sử, khoa học và văn hóa nơi biên cương của Tổ quốc. Để từ đó, thế hệ hôm nay luôn tự hào, trân trọng công lao và những bài học lịch sử của cha ông trong quá khứ.

                                                       Theo:  qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.465.740
Tổng truy cập: