KIẾN TRÚC VIỆT TRUYỀN THỐNG (Traditional Vietnamese architecture)
(35)- Vẻ đẹp thánh đường đá cổ hơn 100 năm tại Việt Nam
(Ngày đăng: 20/10/2021   Lượt xem: 494)

Đất nước Việt Nam không chỉ có những ngôi chùa cổ có niên đại hơn 100 năm mà còn có nhiều nhà thờ cổ đẹp, kiến trúc độc đáo. Trong số đó, nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình) được coi là thánh đường đẹp nhất Việt Nam với kiến trúc độc đáo, riêng biệt, xứng tầm “kinh đô Công giáo Việt Nam”. Theo thời gian, thánh đường cổ thu hút rất nhiều khách du lịch và những người đam mê nghiên cứu văn hóa, kiến trúc, tôn giáo tìm đến để tham quan, chiêm bái.


 
Phương Đình độc đáo bằng đá trong quần thể kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm. Ảnh: Thanh Thuận

Nhà thờ mang phong cách đình chùa Việt

Đã từng tham quan nhiều nhà thờ nhưng khi được chiêm ngưỡng nhà thờ đá Phát Diệm (hay còn gọi là nhà thờ chính tòa Phát Diệm) tọa lạc tại trung tâm thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, chúng tôi vô cùng bất ngờ về một nhà thờ đậm chất Á Đông với lối kiến trúc độc đáo, mang phong cách của đình chùa Việt Nam.

Đây là một quần thể kiến trúc gồm 1 nhà thờ lớn, 5 nhà thờ nhỏ, Phương Đình, ao hồ và 3 hang đá nhân tạo, với tổng diện tích khoảng 22ha. Công trình công giáo lớn này được xây dựng chủ yếu bằng đá và gỗ lim với phong cách kiến trúc độc đáo mô phỏng đình chùa của người Việt với các mái cong cong hình mũi thuyền.

Nhà thờ đá Phát Diệm còn có nhiều chi tiết được chạm trổ rất tinh xảo, tỉ mỉ trên những cột, kèo, hiên, vòm cửa... Quanh công trình được bài trí vô số bức phù điêu bằng đá được chạm khắc những hình tượng quen thuộc thường thấy trong các đình chùa của làng quê Việt Nam như hoa sen, “long - ly - quy - phụng”, “tùng, cúc, trúc, mai”... Cùng với đó, phía trước công trình có hồ, phía sau có núi, không chỉ tạo cho phong cảnh thêm hữu tình mà còn thể hiện quan niệm của người Á Đông “tiền có thủy, hậu có sơn”, mọi việc sẽ tốt đẹp, an lành cho cuộc sống hiện tại và mai sau.

Quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1988. Tỉnh Ninh Bình và các cơ quan chức năng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nhà thờ Phát Diệm là Di sản văn hóa thế giới.

“Cha đẻ” và cũng là kiến trúc sư của công trình công giáo bằng đá này là cha Phêrô Trần Lục (1825-1899), còn gọi là cụ Sáu. Cụ Sáu là linh mục chính xứ Phát Diệm từ năm 1865. Trong 34 năm là chính xứ Phát Diệm, với tầm nhìn rộng, cụ Sáu đã cho xây dựng quần thể nhà thờ đá Phát Diệm. Để xây dựng công trình bề thế này, cụ Sáu đã bắt đầu gom góp nguyên liệu từ năm 1862. Đến năm 1875, công trình mới bắt đầu triển khai xây dựng. Phải mất đến 34 năm mới hoàn thành toàn bộ các hạng mục trong quần thể công trình.

Khi chuẩn bị xây dựng nhà thờ, cụ Sáu đã nghiên cứu rất kĩ về địa thế cũng như lịch sử hình thành của vùng đất Kim Sơn. Xưa kia, nơi đây vốn là vùng đất bồi với bùn lầy và ngút ngàn lau sậy, cho nên nền đất trũng, yếu. Khi xây dựng nhà thờ, cụ Sáu đã phải cho thợ đóng xuống đây hàng triệu cọc tre và đổ hàng nghìn khối đất đá mới đặt được nền móng vững chắc cho công trình.

Một nữ tu hướng dẫn khách tham quan tại nhà thờ đá Phát Diệm cho biết: “Cha Trần Lục cho đào móng sâu 30m và đóng cả triệu cọc tre xuống chân móng nhà thờ đá. Còn nhà thờ mà lại mang phong cách đình chùa Việt là bởi cha Trần Lục mong muốn rằng, qua công trình này nói lên tính chất hòa hợp và sự hội nhập giữa đạo Công giáo với nền văn hóa kiến trúc của dân tộc, cũng như sự hòa hợp giữa Công giáo với các tôn giáo khác ở Việt Nam”.

Kiệt tác đá của Công giáo Việt Nam

Điểm đặc biệt đầu tiên khi chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc công giáo này chính là Phương Đình (có nghĩa là nhà vuông, hình dáng như cái đình làng rộng lớn) với chiều ngang 21m, cao 25m, gồm 3 tầng. Tầng dưới lớn nhất, xây hoàn toàn bằng đá xanh vuông vắn. Trên các cột đá đều chạm khắc hình cây tre Việt Nam. Giữa Phương Đình đặt một sập làm bằng đá nguyên khối, phía ngoài và bên trong là những bức phù điêu bằng đá chạm khắc thanh thoát. Tầng thứ 2 treo một chiếc trống lớn. Tầng 3 của Phương Đình có quả chuông lớn được đúc từ năm 1890, cao 1,9m, nặng 2 tấn. Khi đánh, tiếng chuông có thể ngân vang, âm thanh vọng rất xa. Tại đây, du khách có thể bao quát được toàn cảnh khu quần thể. Phía trước là ao hồ, phía sau có núi. Phía Tây là nhà thờ đá (hay còn gọi là nhà thờ trái tim Đức Mẹ), bên Đông có nhà thờ kính trái tim Chúa.

 
Vẻ đẹp lộng lẫy bên trong nhà thờ Lớn. Ảnh: Thanh Thuận

Nữ tu hướng dẫn khách tham quan tại nhà thờ đá Phát Diệm cho biết thêm: “Viên ngọc quý của quần thể nhà thờ đá Phát Diệm chính là nhà thờ đá, thường gọi là nhà thờ trái tim Đức Mẹ. Công trình được cụ Sáu cho xây đầu tiên trong cụm di tích này (năm 1883) hoàn toàn bằng đá, từ nền, tường, chấn song, tháp hay bàn thờ đều bằng đá, do đó, người dân Phát Diệm quen gọi là nhà thờ Đá”. Nằm ở vị trí trung tâm công trình là nhà thờ Lớn hay còn gọi là nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, được cất lên năm 1891 chỉ trong vòng 3 tháng nhưng công việc chuẩn bị sắm sửa vật liệu và trị chân móng đã kéo dài cả 10 năm trước đó. Gỗ được lấy từ nhiều địa phương như Nghệ An, Thanh Hoá, Sơn Tây... Còn đá được đưa về từ núi Thiện Dưỡng cách Phát Diệm 30km. Đá quý hơn lấy ở núi Nhồi gần Thanh Hóa.

Bên trong nhà thờ Lớn có 52 cột đỡ, sắp xếp thành 6 hàng, chia không gian nhà thờ thành 9 gian. Lối vào nhà thờ và lòng nhà thờ cao vút theo kiến trúc phương Tây, còn kiến trúc phương Đông thể hiện qua cách bố trí cột kèo, các họa tiết chạm trổ hoa văn uyển chuyển, nhẹ nhàng, tinh tế. Đặc biệt, trong nhà thờ đặt 6 phiến đá chìm trên sàn là 6 ngôi mộ của 6 vị giám mục chôn cất bên dưới, tạo nên sự linh thiêng trong nhà thờ chính tòa.

Nhà thờ đá Phát Diệm trải qua hơn 100 năm tồn tại, dù chịu nhiều tác động từ thiên tai, chiến tranh, nhưng công trình vẫn vững chãi và được giữ gìn gần như nguyên trạng cho đến ngày nay. Đây không chỉ là nơi giáo dân đến cầu nguyện sớm chiều mà còn là một kiệt tác có giá trị về mặt thẩm mỹ, kiến trúc, một di sản văn hóa hài hòa giữa kiến trúc Đông - Tây vô cùng quý báu của dân tộc. Cùng với một số điểm tham quan nổi tiếng của Ninh Bình, nhà thờ đá Phát Diệm thu hút số lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm quan, khám phá, tìm hiểu vẻ đẹp, sự độc đáo trong kiến trúc và ý nghĩa tôn giáo của công trình tôn giáo bằng đá độc đáo của đất Việt thân thương.

                                      Theo:   bienphong.com.vn
Xem thêm:
>> (35)- Chung tay gìn giữ di sản lịch sử đền Đức Thánh Nguyễn Minh Không - tại Gia Thắng Gia Viễn - Ninh Bình
 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.463.524
Tổng truy cập: