TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG - THỜI TRANG VIỆT
Hiện thực hóa ước mơ phục dựng trang phục truyền thống
(Ngày đăng: 08/01/2019   Lượt xem: 406)
Học Cao đẳng truyền hình, được đào tạo chuyên ngành về quay phim, rồi cũng có mấy năm làm truyền hình, một ngày đẹp trời, sự nghiệp của chàng trai 9X Nguyễn Đức Lộc đột ngột rẽ lối. Mà lối rẽ này chuyển Lộc sang một đường đi khó: Phục dựng áo dài truyền thống, phục dựng những vốn cổ của người Hà Nội xưa. 
 

ảnh 1
           Những chiếc áo dài truyền thống được phục dựng theo vốn cổ của người Hà Nội xưa

Khởi nghiệp luôn là quá trình không dễ dàng, và khởi nghiệp bằng văn hóa truyền thống lại càng gặp nhiều thách thức hơn. Nhưng bằng tình yêu với văn hóa dân tộc, nhất là với trang phục truyền thống, Nguyễn Đức Lộc cùng những cộng sự của mình vẫn lựa chọn con đường khó với mong muốn làm sống dậy và lan tỏa những nét đẹp văn hóa dân tộc.

Ỷ Vân Hiên của Lộc nằm trên tầng 2 của một ngôi nhà cổ trên phố Hàng Buồm, đó là một không gian rất Hà Nội, nơi mà đứng ở ban công nhìn ra 4 hướng đều thấy những mái ngói với một màu trầm. Và khi đứng ở đó, dù ngoài phố kia có ồn ào và hỗn tạp đến đâu thì cũng không mảy may ảnh hưởng đến không gian đầy hoài niệm này. 

Nguyễn Đức Lộc nói như “lên đồng” khi tôi hỏi về áo dài: “Bộ này là đũi nhé. Không đắt đâu chỉ chừng 2 triệu đồng một bộ thôi. Nếu may theo dáng áo dài cổ của phụ nữ Hà Nội xưa thì mặc lên vừa tôn dáng, vừa che được khuyết điểm không như áo dài cách tân bây giờ, có bao nhiêu khuyết điểm trên cơ thể, mặc vào là bày ra hết. Bộ này là tơ tằm Vạn Phúc, áo dài 5 thân, nếu dựng lên phải hết 10 mét vải, cộng thêm 10 mét vải lót, khuy bằng bạc nhé, chắc 8 triệu đồng/bộ…”.

ảnh 2

 

Nguyễn Đức Lộc- chàng trai 9x say mê vốn cổ

Nguyễn Đức Lộc cứ say sưa giới thiệu đủ hết các mẫu áo truyền thống mà Ỷ Vân Hiên của anh vừa phục dựng thành công. Rằng tại sao bộ trang phục này được gọi là áo ngũ thân, tại sao khi mặc lại phải cần thêm áo lót trong màu trắng... Lộc tỉ mỉ lật giở thân áo thứ năm được khéo léo giấu bên trong, có dây buộc cố định với dây thuộc đường may ở thân chính... Trò chuyện với Lộc, tôi cảm nhận được bên trong ánh mắt của chàng trai trẻ là cả một bầu nhiệt huyết sục sôi đam mê dành cho áo dài và những dự định phục hồi vốn cổ.

Đầu năm 2018, Nguyễn Đức Lộc quyết định khởi nghiệp và “trình làng” Công ty Ỷ Vân Hiên với bao dự định sau một quá trình tham gia nhiều hội nhóm với những người trẻ cùng chí hướng, yêu thích cổ sử và trang phục truyền thống. Hỏi Lộc về chuyện nhân duyên đưa đẩy, chàng trai 9X với vóc dáng và gương mặt rất ăn hình này chỉ cười bảo “cũng không biết nữa”, nhân duyên có lẽ bắt đầu từ việc thích tìm hiểu những thứ xa xưa, thích đọc rất nhiều sách sử, học tiếng Trung…

Khi Ỷ Vân Hiên ra đời, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã đánh giá cao ý tưởng và cả hành động liều lĩnh này. Bên cạnh đó, Ỷ Vân Hiên cũng quy tụ được nhiều người trẻ, có cùng chung niềm yêu thích cổ sử và họ đã sát cánh bên Lộc để cùng hiện thực hoá ước mơ phục dựng trang phục truyền thống đã ấp ủ bấy lâu nay. Sau gần 1 năm thành lập, những bộ sưu tập áo dài truyền thống, áo giao lĩnh, hài, gối, guốc, quạt... mang đậm dấu ấn văn hóa cổ truyền đã lần lượt được giới thiệu tới công chúng.

ảnh 3

Nguyễn Đức Lộc cho biết thêm, để cho ra đời được một sản phẩm, mọi công đoạn đều phải được tính toán và thực hiện tỉ mỉ và cũng không phải thích thì dựng mà còn phải có sự tư vấn của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu như Trần Quang Đức - tác giả cuốn sách gây tiếng vang “Ngàn năm áo mũ” hay nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Mạnh Ðức (mọi người quen gọi anh là Đức “Nhà sàn”, hoặc như hôm thành lập Ỷ Vân Hiên nhà nghiên cứu, phục chế trang sức cổ Vũ Kim Lộc cũng bay từ Sài Gòn ra ủng hộ ý tưởng khởi nghiệp đầy mới mẻ của Ỷ Vân Hiên. 

Ðức Lộc cho biết, một trong những nghệ nhân đặc biệt của Ỷ Vân Hiên hiện nay là bà Công Tôn Nữ Trí Huệ, dòng dõi tôn thất nhà Nguyễn, đang sống ở thành phố Huế. Bằng tay nghề và dựa vào trí nhớ, bà đã tái hiện chiếc gối xếp được sử dụng trong cung đình xưa. Bà vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng Ỷ Vân Hiên để phục dựng nhiều sản phẩm khác kết hợp truyền nghề, dạy nghề cho thế hệ kế cận.

Hỏi về kết quả kinh doanh, Lộc cười: Vẫn lỗ, nhưng cơ bản công việc hiện tại đang xuôi chèo mát mái và đi theo đúng lộ trình. Trong cuộc nói chuyện giữa chúng tôi, không ít lần chàng trai 9X này thừa nhận con đường anh đang đi là một sự mạo hiểm, nhưng chàng trai trẻ tin tưởng tình yêu với lịch sử văn hóa truyền thống sẽ mở đường cho hướng đi ở tương lai. 
                                                                               Theo: anninhthudo.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.473.838
Tổng truy cập: