KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Kỳ 4: Mục sở thị 7 chiếc xe máy từ thời Bảo Đại còn lại ở Việt Nam
(Ngày đăng: 07/04/2016   Lượt xem: 298)
Là dân chơi đồ cổ chính hiệu, anh Dương Minh Chính (SN 1968, người ở Bắc Ninh, nay sinh sống và làm việc ở Hà Nội) rất bận bịu với nhiều công việc. Trong bộ sưu tầm đồ cổ của mình, một trong những “vật báu” mà anh vô cùng nâng niu và trân trọng chính là 7 chiếc xe gắn máy có từ thời Bảo Đại. Điều đặc biệt, cho đến nay, ở Việt Nam chỉ còn đúng 7 chiếc xe này và anh lại là người sở hữu toàn bộ chúng với đầy đủ các giấy từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và cả biển số xe.

Khi 7 chiếc xe “về một nhà”

Qua những gì mà anh Dương Minh Chính tìm hiểu và trao đổi lại với PV báo PL&XH thì, dưới thời vua Bảo Đại, ở Việt Nam lưu hành khoảng hơn 100 chiếc xe máy. Sau nhiều năm lưu lạc, cho đến nay chỉ còn lại 8 chiếc và anh sở hữu đến con số 7. Chiếc thứ 8 theo như những gì mà anh Chính tìm hiểu thì hiện nó đã bị hư hỏng do những sơ ý của chủ nhân và không còn giá trị sử dụng nữa. Để có được toàn bộ 7 chiếc xe máy đặc biệt này cùng giấy tờ xe đầy đủ, anh Chính đã phải mất 3 năm rong ruổi miệt mài để đi tìm và để thương lượng với các chủ nhân sở hữu trước đó. Một may mắn đến với anh, dù khó khăn và vất vả nhưng cuối cùng, 7 chiếc xe đã được quy tụ về một nhà.

Dàn 7 chiếc xe máy cổ thời Bảo Đại mà anh Chính vô cùng quý giá.    Ảnh: Hồng Nguyên

Trong vòng 3 năm ấy, cứ nghe thấy ở đâu có thông tin về một chiếc xe là anh Chính lại ngay lập tức di chuyển từ Hà Nội hoặc Bắc Ninh vào. Đa số những chiếc xe này ở trong Nam. Do vậy, đường đi lại khá vất vả. Có những lần anh bay vào Sài Gòn nhưng thông tin lại không thể xác minh lại và đành ngậm ngùi quay về. Dù thế, anh Chính chưa bao giờ thấy nản lòng với niềm đam mê của mình. Thêm một khó khăn nữa là hầu hết những chủ nhân của chiếc xe đều rất quý chúng và không muốn nhượng lại quyền sở hữu cho anh. Nhưng vì anh muốn quy tụ lại tất cả chúng “về một nhà”, vì niềm yêu say mê của anh với những đồ vật cũ kỹ mang đầy giá trị văn hóa lịch sử mà những chủ nhận trước đó đều đã bị thuyết phục và sang nhượng quyền sở hữu cho anh.

Cả 7 chiếc xe thời Bảo Đại mà anh Chính đang sở hữu đều còn nguyên giấy tờ đăng ký chính chủ.

    Ảnh: Hồng Nguyên

Quá trình vận chuyển từng chiếc xe về nhà của anh cũng khá khó khăn. Mỗi lần cho xe lên tàu hỏa, anh lại lo lắng bồn chồn dù đã đóng gói kỹ lưỡng. Anh nâng niu chúng hơn cả bản thân mình vì đơn giản, những chiếc xe ấy bây giờ không ai còn sản xuất nữa, mọi phụ tùng đều sẽ khó tìm, khó sửa chữa thay thế nếu chúng bị hư hỏng. Trong tay anh hiện nay, những thương hiệu xe như Koehler Escoffier, Monet Goyon, JongLi, Monet Goyon Macon… đều là minh chứng cho niềm đam mê và tất cả tình yêu anh dành cho xe cổ. Chúng thực sự quá quý hiếm, có một không hai ở Việt Nam.

Chiếc còi được thiết kế độc đáo trên 1 chiếc xe thời Bảo Đại.    Ảnh: Hồng Nguyên

Nhà anh Huấn – người bạn cựu quân nhân của anh Chính, người anh tin tưởng gửi gắm những chiếc xe máy cổ của mình mà chúng tôi đã có dịp nhắc đến trong bài trước -  bình thường rộng rãi là thế, nhưng dường như vẫn không đủ để cất giữ những món đồ cổ mà anh Chính sưu tầm được. Được biệt, hiện nay, anh Chính đã sinh sống ở Hà Nội, có một căn nhà chuyên bày đồ cổ ở phố Nghi Tàm. Thế nhưng, ngôi nhà anh ở Bắc Ninh cũng chật kín những món đồ cổ anh yêu thích và phải di chuyển đi để nhờ ở nhiều nơi khác nữa, trong đó có nhà anh bạn tên Huấn mà tôi gặp. Tôi tìm đến nhà anh Huấn vì bản thân tôi khi trao đổi với anh Chính cũng thực sự bị tò mò muốn tận mắt thấy 7 chiếc xe từ thời Bảo Đại mà anh đang lưu giữ.

Anh Huấn đã rất nhiệt tình dắt từng chiếc xe máy từ trong nhà ra sân cho tôi được thích thú chiêm ngưỡng rõ từng bộ phận. Anh Huấn dắt xe rất cẩn thận, vừa dắt xe, anh vừa giới thiệu qua cho tôi về từng chiếc xe. Có những chiếc xe đời đầu còn chưa có hệ thống giảm xóc, có chiếc phân khối lên đến 200CC. Theo như lời anh Huấn thì ở thời kỳ đó, một chiếc xe phân khối lớn như vậy là hiếm lắm. Thêm nữa, toàn bộ 7 chiếc xe này đều chạy bằng động cơ hai kỳ. Như đoán được sự ngờ vực của tôi đối với những chiếc xe nhìn cũ kỹ, thô sơ, đơn giản, anh Huấn nhanh miệng giới thiệu: “Thô sơ vậy thôi nhưng mà “đứa” nào cũng chạy tốt hết đấy chú em ạ”.

“Cổ”, “quái”, “độc”

Một điều khá đặc biệt về 7 chiếc xe này mà anh Chính rất tự hào là, dù có thể đã từng qua tay người này người khác trước khi về với đội của anh thì mỗi chiếc xe đều vẫn còn nguyên giấy đăng ký tên chính chủ, không một cái nào bị thiếu. Những giấy tờ đăng ký xe được cấp bằng tiếng Pháp do nhà cầm quyền Pháp ký tên, đóng dấu, có tên và căn cước của người sở hữu chúng. Cũng chính vì thế mà trong giới xe cổ ở Việt Nam thì 7 chiếc xe của anh thuộc vào loại vừa cổ, vừa quái lại vừa độc, không ai có được. Từ tên chủ xe, chữ ký, dấu mốc đỏ, biển số xe, số máy, số sườn, động cơ, dung tích, ngày tháng và nơi đăng ký… mọi thứ đều nguyên vẹn. Chỉ có điều, theo thời gian, màu sơn của những chiếc xe này có thể đã hoen gỉ, trên bánh xe có thể nhiều vết rạn nứt. Nhưng quan trọng là hình hài và từng chiếc ốc vít nhỏ nhất đều còn nguyên, không thiếu cái nào. 

Khi đi vào từng chi tiết trên mỗi chiếc xe để khám phá mới càng thấy say mê những điều độc lạ. Nếu không có anh Huấn nhiệt tình giới thiệu thì có lẽ, tôi cũng không thực sự hiểu hết được ý nghĩa của các thành phần trên chiếc xe đó. Ngoài khung xe, hộp máy, kiểu dáng, và những thiết kế cổ điển thì điều gây chú ý cho người xem là những chiếc còi… hơi. Còi thường được gắn bên ngoài xe, cũng có khi được sinh ra do một thiết bị được thiết kế cọ xát với một bánh răng của xe. Lại có khi, còi được thiết kế ngay sát tay lái và phải dùng tay để bóp, không dùng đến điện năng khi máy phát nổ. Lại có chiếc xe, còi được thiết kế như một chiếc loa, làm bằng đồng và đặt ngay trước ghi đông của xe.

Để chứng minh cho sức sống của những chiếc xe này với thời gian, anh Huấn làm động tác chuyên nghiệp, nổ máy một vài chiếc xe ngay trong giây lát. Tôi hoàn toàn bị thuyết phục và phấn khởi với tiếng nổ giòn tan, khác lạ so với những chiếc xe ngày nay. Việc những chiếc xe tưởng cũ kỹ và già nua nhưng vẫn chạy tốt là một niềm tự hào của chủ nhân – anh Dương Minh Chính. Anh Huấn kể: “Thỉnh thoảng anh Chính cùng tôi và bạn bè vẫn khởi động xe và cùng nhau đi dạo lòng vòng quanh TP. Tất nhiên chỉ đi lại nhẹ nhàng thôi vì bản thân tôi cũng không dám quá mạo hiểm. Xe đã cũ, mức độ an toàn không cao. Nếu chẳng may có hỏng hóc gì thì không tìm đâu ra đồ để sửa chữa. Vì vậy, mọi người khi sử dụng đều có ý thức nâng niu và giữ gìn cẩn thận. Quan trọng là nó trở thành biểu tượng cho thời gian và sức sống lâu bền”.

Tôi được anh Huấn chỉ cho chiếc xe đời đầu trong 7 chiếc xe từ thời Bảo Đại ấy và với anh, mỗi chiếc xe đều sở hữu những đặc điểm riêng độc nhất vô nhị. Chiếc xe ấy theo quan sát của tôi, nó có yên là bộ khung sắt nối thẳng với hai càng xe, không có yên bọc da như nhiều xe khác. Chiếc yên nhỏ duy nhất là chỗ dành cho người cầm lái và nó được làm hoàn toàn từ da bò. Theo như lời anh Huấn cho biết: “Bảy chiếc này đều có đăng ký tên của những người cận thần của Bảo Đại, một vị vua có nhiều thú chơi khá tao nhã. Bởi thế, nó mang những giá trị nhất định về mặt lịch sử. Đối với người chơi đồ cổ, thì giá trị không chỉ được định nghĩa bằng tiền bạc. Mà giá trị nằm ở trong sự đam mê và trân trọng lịch sử”.

Những lời giới thiệu của anh Huấn, cộng thêm tiếng xe máy nổ giòn tan khiến tôi lặng người trước dàn xe cổ độc đáo. Những chiếc xe cổ thô sơ, giản dị mà ý nghĩa thật đầy kiêu hãnh. Tôi thấy mình thật quá may mắn khi được tận mắt nhìn, tận tay vuốt ve, tận tai nghe âm thanh động cơ của những chiếc xe đặc biệt này. Dường như, chúng chất chứa trong mình cả những tiếng vọng từ lịch sử. Con người, phải yêu và trân trọng những giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước mình, của nhân loại để từ đó biết trân trọng hiện tại và sống có ý nghĩa hơn.

                                                                                   Theo phapluatxahoi.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.492.562
Tổng truy cập: