KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Xưởng tạo phép mầu (*): “Hãy nhìn tôi đây!”
(Ngày đăng: 03/10/2015   Lượt xem: 448)

Không chỉ làm ra những dụng cụ chỉnh hình tinh xảo, tiện dụng cho bệnh nhân, các kỹ thuật viên còn là minh chứng sống cho việc nếu như có nghị lực, một người dù khiếm khuyết thế nào cũng không tàn phế...

Không ít người khi đến Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM đã lặng đi khi chứng kiến một kỹ thuật viên (KTV) tóc bạc quá nửa, mỗi lần mang thử giày chỉnh hình cho bệnh nhân xong lại ngẩng lên cười thật hiền rồi hoa chân múa tay như muốn nói gì đó. Những lúc như vậy, sẽ có một đồng nghiệp của ông vội chạy ra “phiên dịch”. Ông là Hồ Tiềm, KTV chuyên đóng giày chỉnh hình - một người đã bị bom đạn chiến tranh tước mất giọng nói, khả năng nghe và cả những bước đi bình thường nhưng vẫn không lấy được nghị lực đáng nể và một trái tim nhân hậu.

Làm nghề y để trả ơn đời

Gần 50 năm trước, trong lúc làm đồng, cậu thiếu niên 17 tuổi Hồ Tiềm bị trúng bom. Tưởng khó qua khỏi nhưng cậu đã được cứu sống và tiếp tục được tổ chức phi chính phủ Terre Des Hommes (Đức) đưa ra nước ngoài điều trị theo chương trình hỗ trợ nạn nhân chiến tranh.

Ở tuổi 63, KTV Hồ Tiềm vẫn miệt mài với công việc mà ông cho rằng để trả ơn cuộc đời
Ở tuổi 63, KTV Hồ Tiềm vẫn miệt mài với công việc mà ông cho rằng để trả ơn cuộc đời

Ngày ấy, giấy tờ của ông Hồ Tiềm chỉ độc một cái tên “Nguyễn Văn Câm”. Bởi lẽ, sau vụ nổ, ngoài những vết sẹo chạy dài khắp cơ thể, ông không thể nghe, nói và tâm trí thì vẫn còn hoảng loạn, không nhớ được cả tên mình, chỉ biết nhà ở Quảng Nam.

KTV Đặng Văn Trường có khả năng tạo ra những ngón tay giả rất tinh xảo
KTV Đặng Văn Trường có khả năng tạo ra những ngón tay giả rất tinh xảo

Vậy mà 4 năm sau, ông về Việt Nam và trở thành một trong những KTV dụng cụ chỉnh hình đầu tiên được đào tạo bài bản từ Terre Des Hommes. Cái tên Hồ Tiềm cũng được bạn bè đặt cho ông từ đó bởi tên thật lẫn ký ức về quãng đời thanh bình trên ruộng đồng dường như đã bị xé tan sau vụ nổ tàn khốc. Bất chấp cơ thể không còn vẹn toàn, ông vẫn gắn bó hơn 40 năm với nghề mà theo ông tâm sự là để trả ơn cuộc đời vì đã cho mình sống một lần nữa.

Năm nay, ông Hồ Tiềm 63 tuổi, đã nghỉ hưu nhưng thỉnh thoảng vẫn đến cộng tác với BV để hỗ trợ đồng nghiệp trong những lúc quá nhiều bệnh nhân cần làm giày. Nhắc đến kỷ niệm trong nghề, ông cười cười chỉ lên mái tóc xoăn của mình, “kể” về những đứa bé với bàn tay quặt quẹo của trẻ bại não, chậm phát triển đã níu lấy tóc ông trong lúc cố mang giày chỉnh hình cho chúng. Ông huơ tay để diễn tả lại vẻ ngạc nhiên, không hiểu gì của các bậc phụ huynh khi ông dặn dò họ bằng thủ ngữ…

Mỗi chiều, sau khi xong việc ở BV, ông lại vội đi đón cháu nội ở trường mẫu giáo. Cuộc đời đã thật công bằng khi cho ông một người vợ hiền, 3 con đã trưởng thành nên người và 2 đứa cháu nội kháu khỉnh.

Một khởi đầu mới

Một KTV mà chúng tôi từng nhắc đến trong bài viết trước, anh Đặng Văn Trường, thực ra đã bị liệt tủy sống vĩnh viễn từ thắt lưng trở xuống sau một vụ tai nạn cách đây nhiều năm. Sau 2 năm điều trị tại BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp, anh bắt đầu lại cuộc đời trên chiếc xe lăn, học nghề mới rồi ở lại BV làm việc. Đôi bàn tay khéo léo của một công nhân kỹ thuật năm xưa nay lại tài tình biến silicon lỏng thành những ngón tay người.

“Chúng là dụng cụ dành cho những người bị tai nạn mất ngón tay do máy móc kỹ thuật, máy xay thịt, máy ép nước mía…” - anh Trường giải thích. Hơn 10 năm gắn bó với xưởng, thành quả đáng chú ý nhất là từ 7 màu silicon cơ bản, anh đã nâng lên mấy chục màu. Khi được hỏi con số chính xác, anh lắc đầu: “Có lẽ không thống kê được vì mỗi bệnh nhân đến là tôi lại tùy vào màu da họ mà thêm, bớt… để có được màu chuẩn nhất”.

Không chỉ màu da, anh Trường còn miệt mài nghiên cứu cách làm những chiếc móng tay bóng đẹp hơn, cách quét silicon để ngón mỏng hơn mà vẫn bảo đảm độ bền, thiết kế ra những bàn tay có khóa kéo được ẩn giấu kỹ cho bệnh nhân bị mất quá nhiều ngón. Anh Trường cho biết bệnh nhân ít khi phàn nàn với những sản phẩm chưa phù hợp nhưng bản thân KTV thì luôn cảm thấy khó chịu khi làm ra một sản phẩm không hoàn chỉnh. “Vì vậy, tôi luôn cố tìm tòi để hoàn thiện hơn những dụng cụ, để bệnh nhân có thể sử dụng thoải mái nhất” - anh cho biết. Nhìn người đàn ông say mê công việc này, khó ai hình dung anh từng trải qua một chặng đường khó khăn.

“Năm bị nạn, tôi hai mươi mấy tuổi. Cũng buồn lắm nhưng rồi tôi cứ cố gắng… Tôi cũng thích công việc này vì qua đó, tôi giúp được người không may lấy lại được sự tự tin, lấy lại cuộc sống bình thường. Điều tôi vui nhất là được thấy họ thật sự thoải mái khi sử dụng sản phẩm mà mình tạo nên” - anh Trường bày tỏ.

Cũng như ông Hồ Tiềm, anh Đặng Văn Trường đã tìm được người tri kỷ và có một đứa con 5 tuổi.

Nhân chứng sống động

Rất nhiều người mất ngón tay bước vào BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp trong tình trạng mặc cảm, đau khổ, tuyệt vọng. Tuy nhiên, hầu hết họ đã phải ngẩng lên và suy ngẫm lại khi anh Đặng Văn Trường nhẹ nhàng chỉ vào đôi chân bất động của mình: “Hãy nhìn tôi đi! Tôi còn bị nặng hơn cơ mà”. Với anh, đôi chân ấy chưa bao giờ là sự bất lợi trong công việc. Trái lại, nó còn giúp anh hiểu được bệnh nhân và dễ dàng vực dậy họ khỏi trạng thái bi quan.

Ông Hồ Tiềm cũng thường xuyên giải thích về giày chỉnh hình bằng cách chỉ vào đôi giày mình đang mang, vốn cũng do ông tự tay đóng và chêm một cách đặc biệt bởi chân không thể bước đi bình thường vì di chứng của bom. Ông còn khoe rằng đôi giày này rất bền. Cứ 2 năm, ông tự thưởng cho mình 1 đôi nhưng có đôi bền đến mức 4 năm vẫn chưa chịu hư.

                                                                                                                    Theo: nld.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.496.582
Tổng truy cập: