KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Tạo hình hiện đại trên giấy dó: Sức lan tỏa đang mạnh dần
(Ngày đăng: 01/09/2015   Lượt xem: 375)


Dễ hiểu vì sao cuộc sống càng hiện đại, con người càng muốn quay về với những giá trị truyền thống, hội họa cũng không nằm ngoài quy luật này.

Dễ hiểu vì sao cuộc sống càng hiện đại, con người càng muốn quay về với những giá trị truyền thống, hội họa cũng không nằm ngoài quy luật này. Giấy dó là một trong những chất liệu dân gian độc đáo và cũng là niềm tự hào của mỹ thuật Việt Nam. Không ít họa sĩ trẻ hiện nay đã chọn giấy dó làm người bạn tri kỷ trên con đường sáng tạo nghệ thuật của mình. Chất liệu này cũng chưa bao giờ khiến người thưởng ngoạn hội họa phải thất vọng.

Lan tỏa mạnh

Còn nhớ cách đây gần một thế kỷ, họa sĩ Dương Việt Nam đã khiến giới mỹ thuật ngỡ ngàng với hơn 20 tác phẩm tranh trên giấy dó được trưng bày tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Các tác phẩm của họa sĩ đã thể hiện một cách đa dạng, phong phú về cuộc sống, con người và các lễ hội của Việt Nam. Đó cũng là lần thứ 2 họa sĩ Dương Việt Nam tổ chức trưng bày triển lãm tranh với chất liệu truyền thống đặc biệt này. Với việc sử dụng chất liệu dân gian, họa sĩ muốn hướng công chúng về với những giá trị cổ truyền. Đồng thời cũng là sự quảng bá cho một nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam - nghề làm giấy dó.

Tạo hình hiện đại trên giấy dó: Sức lan tỏa đang mạnh dần

Xu hướng tạo hình hiện đại trên chất liệu truyền thống đã thực sự tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ của nó.

Kể từ đó, sức lan tỏa của chất liệu giấy dó trong ngành mỹ thuật ngày một rõ nét. Không chỉ những họa sĩ lớn tuổi mà thế hệ họa sĩ trẻ cũng đam mê với giấy dó. Nổi bật phải kể đến họa sĩ trẻ Đặng Việt Linh (sinh năm 1993 - Hiện đang theo học ngành Hội họa Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp). Anh đã thể hiện giấc mơ của mình thông qua bột màu và giấy dó. 20 tác phẩm mới nhất của Việt Linh được trưng bày trong triển lãm Mơ - tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cách đây chưa lâu. Chất liệu của tác phẩm được sử dụng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, mang lại ấn tượng về thị giác. Họa sĩ trẻ sử dụng bột vẽ với những màu tươi vui, rực rỡ. Nền giấy dó vân trắng vừa làm nổi bật các mảng màu và hình khối, vừa tạo cảm giác về một không gian nhẹ nhàng, thanh thoát. Các hình thể trong tranh được vẽ như đang bay bổng trong một khoảng không vô định.

Xu hướng tạo hình hiện đại trên chất liệu truyền thống đã thực sự tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ của nó. Thậm chí xu hướng này tại Việt Nam còn thu hút cả các nghệ sĩ nước ngoài. Tháng 5/2015, giới hội họa Việt đã có dịp giao lưu tại triển lãm “Hồn dó” tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (Nguyễn Du, Hà Nội). Cuộc triển lãm này diễn ra với mong muốn khôi phục lại nghề giấy dó truyền thống của Việt Nam. “Hồn dó” giới thiệu 71 tác phẩm (trong số đó các tác phẩm hội họa đương đại phần lớn là các tác phẩm mới, lần đầu được ra mắt) thư họa và hội họa sử dụng nguyên liệu giấy dó truyền thống. Đặc biệt, người tham gia triển lãm còn có cơ hội chứng kiến thư họa gia Xuân Như và họa sĩ Yoyo thể hiện những nét thư pháp điêu luyện bằng mực nước trên giấy dó...

Chất liệu truyền thống không bao giờ... lỗi thời

Nhắc đến xu hướng tạo hình hiện đại trên giấy dó thì có lẽ người trong giới đều biết đến Lê Hiền Minh. Chị cũng là một trong những tên tuổi nổi bật của nghệ thuật đương đại thế hệ 7X. Chính xác hơn, chị là một trong số ít các nghệ sĩ mỹ thuật đương đại đủ sức “du đấu” quốc tế cùng “người bạn” tri kỷ của mình: giấy dó. Cụ thể, Lê Hiền Minh đã tham gia nhiều triển lãm nhóm tại Việt Nam, Mỹ, Đức, Hàn Quốc và có 4 triển lãm cá nhân, “Dó 10” là triển lãm quy mô nhất, tụ hội 13 tác phẩm trong 10 năm. Các sáng tác của chị gồm 4 giai đoạn: 2002: tranh bột màu trên giấy dó; 2002 - 2004: tác phẩm sắp đặt với kỹ thuật xé, đốt, ngâm, tẩm, phơi, đốt; 2005 - 2007: điêu khắc và không gian; 2007 - 2012: biến giấy dó thành vật thể điêu khắc.

Lê Minh Hiền chia sẻ: “Là nghệ sĩ, ai cũng muốn tác phẩm của mình được công nhận và “để đời”. Chọn giấy dó để gắn bó, tôi biết loại giấy này không bền vì nó thấm ẩm cao, do được làm thủ công. Nhưng không có sự vật nào sống mãi, tôi chấp nhận tuân theo vòng đời tự nhiên. Tôi rỗi sẽ già, sẽ chết; tác phẩm của tôi cũng sẽ bục bở, bị phá hủy. Tôi trực tiếp nắn chỉnh, tạo hình vật thể tránh các dụng cụ trung gian (trừ khuôn gỗ) cũng là muốn tôn trọng sự tự nhiên”. Khi được hỏi về những kế hoạch sáng tạo nghệ thuật sắp tới, nữ họa sĩ khẳng định: “Tôi chỉ vẽ bằng họa phẩm Việt Nam. Tôi không hứng thú khi sử dụng những họa phẩm và vật liệu nước ngoài. Tôi sẽ sáng tác điêu khắc quy mô lớn, ít vật thể, vẫn là giấy dó, không bao giờ chán...”

Suy cho cùng, duy trì và tiếp nối chất liệu giấy dó không phải vấn đề cần đến sự hô hào, bởi đây là chất liệu mang đến niềm cảm hứng dồi dào cho các họa sĩ trẻ. Có lẽ sự lo ngại duy nhất về các tác phẩm mỹ thuật được sáng tạo trên nền giấy dó hiện nay chính là kỹ thuật bảo quản để tác phẩm có thể “sống” mãi cùng năm tháng.

                                                                                                         Theo: suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.492.534
Tổng truy cập: