MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Phát hiện “dòng sông gỗ” ở Gia Lai
(Ngày đăng: 13/06/2013   Lượt xem: 622)
Mấy ngày qua, dư luận người dân địa phương ngày một nóng lên chuyện một số nhà báo ở Gia Lai phát hiện ra “dòng sông gỗ” ở địa bàn xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Hàng trăm súc gỗ bị lâm tặc triệt hạ ở những cánh rừng gần đó rồi vận chuyển qua sông Pô Cô, một số đưa lên bờ tẩu tán nhanh, số còn lại lâm tặc dìm xuống sông để cất giấu, chờ thời cơ thuận lợi, cẩu lên rồi vận chuyển đi tiêu thụ mà lực lượng kiểm lâm không hề biết?

Một súc gỗ được trục vớt lên khỏi dòng sông.

 

Con đường đến bãi tập kết gỗ ở làng Tung thuộc xã Ia Khai (nơi có đoạn sông Pô Cô chảy qua) đã được lâm tặc và đầu nậu gỗ nâng cấp, nhiều đoạn làm mới để thuận lợi cho việc đưa phương tiện vào vận chuyễn gỗ đi nơi khác tiêu thụ. Cách bãi gỗ chừng 30m, chúng tôi nhìn thấy nhiều súc gỗ to nằm cả trên bờ sông Pô Cô và ở dưới nước; được lâm tặc xẻ theo khối vuông, dài từ 2,5m đến 4m, đường kính từ 45 đến 70cm. Theo phản ánh của người dân địa phương thì điểm tập kết này đã hoạt động chừng một năm nay. Trước đây bãi gỗ này thuộc một người tên Đôn, sau đó ông Đôn bỏ đi và có hai người khác đến quản lý và tổ chức hoạt động cho đến nay. Đặc biệt, trong 4 tháng gần đây bãi gỗ này hoạt động công khai, trung bình một ngày trời không mưa có khoảng 6 xe, mỗi xe chở từ 5 đến 7m3, ngày trời mưa thì chở chừng 3-4 xe (loại xe khách 16 chỗ ngồi được lâm tặc độ chế lại, không ghế; nhíp và phanh… được gia công thêm. Để hoạt động tự do, vận chuyển gỗ  trót lọt, các đầu nậu đã “làm luật” và “bao” lực lượng chức năng. 

UBND huyện Ia Grai và kiểm lâm địa phương tổ chức trục vớt số gỗ trên, nhưng khi mới trục vớt được 8 khúc gỗ lớn, thì ông Nguyễn Văn Cang, Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Ia Grai thông báo là đã hết gỗ dưới sông. Trước sự việc trên, có người đã lội xuống sông Pô Cô và đẩy lên từng đoạn gỗ cho mọi người xem.

Đến lúc này, ông Cang chống chế: "Các anh thông cảm, do anh em kiểm lâm không biết bơi"! Khi một số phóng viên lội xuống sông để xác định số lượng gỗ, không một cán bộ nào của địa phương có mặt tại hiện trường cùng kiểm tra, trái lại họ còn cười đùa, coi như không có chuyện gì xảy ra. Tại hiện trường, ông Cang lý giải “Chúng tôi đã làm hết khả năng, nhưng không phát hiện được gỗ vẫn còn dưới lòng sông...”. Còn ông Nguyễn Quốc Dũng, Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn thì cho rằng: “Gỗ ở đây được lâm tặc tập kết bất ngờ trong đêm, nên chúng tôi không thể quản lý hết được…”. Qua sự việc này cho thấy kiểm lâm huyện Ia Grai (Gia Lai) có vẻ đã có dấu hiệu tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, vì vậy các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ.

Sáng 11-6, tại bãi tập kết gỗ ở làng Tung, bộ phận trục vớt đã đưa lên 40 hộp gỗ xẻ, tổng khối lượng hơn 16m3, loại từ nhóm 2 đến nhóm 5, vượt xa với 8 hộp gỗ đã trục vớt và kéo lên bờ vào sáng 7-6 và được ông Nguyễn Văn Cang thông báo là đã hết gỗ dưới sông.

Những súc gỗ nằm nhấp nhô giữa dòng sông.

 

Ông Phan Trung Tường, Phó chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho rằng: Việc gỗ vẫn còn dưới sông là sai sót của kiểm lâm, chúng tôi đã chỉ đạo, nhưng chưa trục vớt hết, như vậy là chưa làm tròn trách nhiệm. Việc trên địa bàn còn để tồn tại một bãi tập kết gỗ tự do, một “dòng sông gỗ” mà kiểm lâm và chính quyền cơ sở không biết, trong lúc nhà báo lại phát hiện ra là chuyện khó tin.

Ngày 11-6, ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai thừa nhận: “Chúng tôi vẫn liên tục theo dõi, kiểm tra và chỉ đạo lực lượng kiểm lâm bảo vệ tốt những cánh rừng còn lại. Mới đây nhất, vào những ngày giữa tháng 5-2013, chúng tôi đã tổ chức kiểm tra liên ngành khu vực rừng phòng hộ Ia Ly và Bắc Ia Grai. Đoàn đã phát hiện nhiều cây gỗ do lâm tặc triệt hạ. Trách nhiệm trước hết thuộc về hai ban quản lý rừng và kiểm lâm địa bàn xã chưa kết hợp với các chủ rừng và các đơn vị liên quan nên xảy ra tình trạng phá rừng trái phép. Việc có hay không kiểm lâm móc nối với các đối tượng để vận chuyển gỗ trên bãi tập kết và “dòng sông gỗ”, chuyển đi nơi khác tiêu thụ cần phải có chứng cứ cụ thể. Nếu phát hiện đúng có sự việc, chúng tôi sẽ xử lý thật nghiêm, không để “con sâu làm rầu nồi canh”.

Cũng theo ông Nhĩ, để hạn chế tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay, việc đầu tiên các ngành chức năng của tỉnh cần kiểm tra tịch thu và bắt giữ các phương tiện xe khách hết niên hạn được gia cố vận chuyển gỗ, kể cả những xe gắn máy, xe công nông độ chế và cần có sự phối hợp thống nhất, quyết liệt giữa các ngành, để ngăn chặn hiệu quả nạn phá rừng”.

Chuyện các phóng viên ở Gia Lai phát hiện bãi tập kết và “dòng sông gỗ” với số lượng rất lớn, mà chính quyền cơ sở, kiểm lâm địa phương, quản lý bảo vệ rừng, chủ rừng không biết, thật là "chuyện lạ khó tin".

                                                                                                        Theo: QĐND

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.476.503
Tổng truy cập: