MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
(36)- Nhọc nhằn mưu sinh ở làng nghề đá
(Ngày đăng: 11/09/2023   Lượt xem: 119)

Làm việc trong môi trường khói bụi, độc hại, thu nhập ít ỏi, tiềm ẩn những rủi ro về sức khỏe, thế nhưng những “bóng hồng” ở làng nghề sản xuất, chế tác đá trên địa bàn tỉnh vẫn hằng ngày cần mẫn, cặm cụi với công việc vất vả, nhọc nhằn này.


Dù làm việc trong môi trường khói bụi, độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng những lao động nữ ở các xưởng sản xuất, chế biến đá xã Hà Tân (Hà Trung) vẫn kiên trì, bám trụ lấy nghề.

Xã Hà Tân (Hà Trung) vốn được mệnh danh là “thủ phủ” các mỏ đá ở tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có hàng chục doanh nghiệp khai thác đá vôi và đá xanh với hàng trăm công nhân, người lao động. Cái nghề nặng nhọc, độc hại tưởng chừng chỉ dành cho cánh “mày râu”, nhưng ở đây, hàng chục phụ nữ vẫn hàng ngày mưu sinh với công việc này.

Vội lau những giọt mồ hôi trên trán, chị Nguyễn Thị Nguyện (55 tuổi, thôn Nam Thôn, xã Hà Tân) phải nói thật to mới không bị những âm thanh chát chúa từ đục đẽo át đi. Ở làng nghề đá này, lao động chủ yếu thường là nam giới. Vài năm trở lại đây kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp hàng hóa sản xuất không bán được, công nhân xin nghỉ việc cũng nhiều. Mỗi ngày làm việc, chị Nguyện được chủ cơ sở trả từ 200.000 - 250.000 đồng. Theo chị, để làm ra một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, từ chọn đá, xẻ tấm theo thiết kế, chạy phào, chạy hoa văn... rồi mới đến công đoạn cuối cùng là chà đánh bóng. Mỗi công đoạn lại có những yêu cầu khác nhau đòi hỏi người thợ phải có sự kết hợp giữa lao động cơ bắp và bàn tay khéo léo. Hiện nay, sự hỗ trợ của máy móc giúp người lao động không còn tốn sức quá nhiều, nhưng đôi tay chị Nguyện vẫn không tránh khỏi những vết chai sạn, sần sùi.

Nghề sản xuất và chế tác đá trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động, tập trung chủ yếu tại các xã Vĩnh Thịnh, Minh Tân, Vĩnh An... với nhiều cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh.

Dù mới vào nghề chỉ hơn một năm nay, chị Ngô Thị Giang (xã Minh Tân) đã rất khéo léo với công việc chà, đục, đánh bóng mặt đá. Nghề này cực nhọc, vất vả, tuy nhiên cuộc sống khó khăn nên ở vùng quê như chị để có thu nhập cho con cái học hành thì chỉ nghề làm đá là cho thu nhập ổn định. Ban đầu, chị chỉ làm những công việc đơn giản như mài, đục theo nét sẵn... Sau, nhờ học hỏi các bậc nghệ nhân, chị dần lên tay.

Lao động nữ làm việc ở một xưởng chế tác đá xã Minh Tân (Vĩnh Lộc).

Phần lớn lao động ở các làng nghề chế biến, khai thác đá thường làm thời vụ nên chưa hoặc không mặn mà với chế độ bảo hiểm y tế. Những bộ đồ lao động, găng tay, khẩu trang cũng do người làm tự trang bị. Do ảnh hưởng của khói bụi, nhiều người không tránh khỏi các loại bệnh viêm da dị ứng, viêm kết mạc, viêm họng, viêm xoang mũi do hít thở không khí ô nhiễm thường xuyên. Nhiều lao động mới vào làm, do chưa quen công việc nên đôi tay bị phồng rộp, tứa máu phải nghỉ mấy ngày mới trở lại đi làm bình thường. Tuy cuộc sống của những người làm nghề đá còn lắm nhọc nhằn, gian truân, đôi lúc đánh đổi cả sức khỏe, tuy vậy mọi người vẫn luôn có niềm tin mãnh liệt vào một tương lai tươi sáng phía trước. Tương lai đó là mái ấm gia đình, là những đứa con thơ hàng ngày được cắp sách đến trường, là những bữa cơm đủ đầy... đó là động lực để họ bám trụ lấy nghề. Theo đánh giá của ngành chức năng, trong những năm qua, nhiều biện pháp cải thiện điều kiện lao động đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh. Các doanh nghiệp cũng đã quan tâm thực hiện công tác ATVSLĐ, đặc biệt là lao động nữ. Đến nay, gần 1.000 doanh nghiệp đã thành lập được bộ phận ATVSLĐ và bố trí người lao động có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn, kỹ thuật môi trường vệ sinh lao động phụ trách công tác ATVSLĐ. Ngành chức năng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm ngăn chặn kịp thời những sai phạm, giảm thiểu tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Đặc biệt là các địa phương trọng điểm trong lĩnh vực khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng...

                                        Theo:  baothanhhoa.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

22
Đang xem:
73.226.680
Tổng truy cập: