MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
(29-33)- Di dời làng nghề gây ô nhiễm: Xây dựng lộ trình nhằm xử lý triệt để
(Ngày đăng: 26/06/2023   Lượt xem: 84)

Ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất của các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường và sức khỏe. Do vậy, thành phố đã xây dựng lộ trình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 khắc phục, xử lý, di dời các làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Mục tiêu đến năm 2030, có 100% làng nghề ở Hà Nội đáp ứng đầy đủ điều kiện về bảo vệ môi trường.


 

Làng nghề sản xuất bánh đa nem Trung Hà (huyện Mê Linh) sẽ phải di dời theo lộ trình để bảo vệ môi trường. Ảnh: Lương Hằng

71 làng nghề gây ô nhiễm môi trường

Hiện tại trên địa bàn thành phố Hà Nội có 806 làng nghề, phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Sự phát triển của các làng nghề đã mang lại doanh thu đáng kể cho nền kinh tế của thành phố, khoảng 22-25 nghìn tỷ đồng/năm và tạo ra nhiều việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Tuy nhiên, một số làng nghề phát triển thiếu kiểm soát trong thời gian dài đã gây ra hệ lụy xấu cho môi trường. Kết quả rà soát bước đầu tại 132/806 làng nghề của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong năm 2022 cho thấy, trên địa bàn thành phố có đến 71 làng nghề gây ô nhiễm môi trường ở mức độ kém đến nghiêm trọng cần khắc phục, xử lý. Trong đó, tập trung vào nhóm ngành nghề như: Thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản - thực phẩm, dệt - may mặc, gia công cơ kim khí…

Theo Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Đào Thị Anh Điệp, trong số các làng nghề đang gây ô nhiễm trên có đến 35% cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý chất thải; 60% cơ sở có hệ thống xử lý chất thải nhưng thô sơ, chưa đạt quy chuẩn... Đặc biệt, nguồn nước thải tại nhiều làng nghề ở các huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thạch Thất, Thanh Trì, Mê Linh… có hàm lượng chất COD, BOD, Nitrat, Amoni vượt giới hạn nhiều lần; không khí có nồng độ bụi PM2.5, PM10 vượt giới hạn cho phép 1,4-6,7 lần. Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường là do cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu nên việc xử lý nước thải, chất thải rất khó khăn. Thêm nữa, các cơ sở sản xuất tại làng nghề đa phần chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.

Khắc phục triệt để 100% làng nghề ô nhiễm

Để khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2546/QĐ-UBND về danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu thành phố hướng đến là xây dựng các giải pháp tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường nhằm bảo tồn, duy trì và phát triển sản xuất tại các làng nghề, làng nghề truyền thống, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Cụ thể, đến hết năm 2025, có 100% làng nghề được thành phố công nhận đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường; đến năm 2030, có 100% làng nghề khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường và hoàn thành di dời cơ sở sản xuất này vào khu, cụm, điểm công nghiệp...

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương có làng nghề rà soát quy hoạch, bố trí thêm quỹ đất để xây dựng các khu vực sản xuất tập trung phục vụ di dời những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sở sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường của các làng nghề còn lại để bổ sung vào danh mục làng nghề cần khắc phục, xử lý, di dời.

Ngoài ra, giai đoạn 2023-2025, thành phố Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng, Vân Canh (huyện Hoài Đức); đầu tư xây dựng cụm xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề xã Vân Hà (huyện Đông Anh)... Cũng trong giai đoạn này, thành phố huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng thêm 8 dự án xử lý nước thải làng nghề tại các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Thường Tín, Mỹ Đức; đầu tư 48 cụm công nghiệp làng nghề tại các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên… bảo đảm đến năm 2025, 100% làng nghề đủ điều kiện về bảo vệ môi trường.

Cùng với sự vào cuộc của thành phố, điều quan trọng nhất là thay đổi tư duy, nhận thức của các hộ sản xuất trong áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường làng nghề, thực hiện nghiêm quy định về sử dụng công nghệ, phương pháp sản xuất; đầu tư máy móc, công nghệ thân thiện môi trường vào sản xuất nhằm từng bước hạn chế ô nhiễm tại các làng nghề; đến năm 2030 khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại 100% làng nghề trên địa bàn thành phố.

Theo định hướng đến năm 2030, có 48 làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội phải di dời cơ sở sản xuất hoặc công đoạn sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng ra khỏi khu vực làng nghề. Trong đó có làng nghề đồ mộc Hữu Bằng (huyện Thạch Thất); làng nghề sản xuất bánh đa nem Trung Hà, xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh); làng nghề bún Phú Đô (quận Nam Từ Liêm); làng nghề mây tre đan, mộc Phù Yên, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ); làng nghề chế biến lâm sản thôn Hạ, xã Liên Trung (huyện Đan Phượng); làng nghề dệt Phùng Xá (huyện Mỹ Đức)...

                                               Theo;  hanoimoi.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

45
Đang xem:
72.486.942
Tổng truy cập: