MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Kiểm soát ô nhiễm môi trường - vai trò quan trọng của cộng đồng
(Ngày đăng: 23/01/2013   Lượt xem: 830)

Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 có 15 chương, 136 điều (so với Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 1993 tăng 8 chương, 79 điều). Để đáp ứng tình hình hiện nay, việc nghiên cứu, đánh giá hiệu quả Luật BVMT 2005 và đề xuất những vấn đề cơ bản cần quy định tại Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là hết sức cần thiết, trong đó vai trò trách nhiệm của cộng đồng xã hội cũng như vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất… đang được cả xã hội quan tâm.

Kiem-soat.jpg

Hệ thống xử lý nước thải của một doanh nghiệp trong KCN Hà Bình Phương - Thường Tín - Hà Nội

Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí: Luật còn bỏ ngỏ

Theo GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam: “Hiện trong Luật BVMT năm 2005 lại không hề có chương nào, điều nào quy định về BVMT không khí và BVMT đất. Trong khi con người có thể nhịn ăn từ 5-7 ngày, nhịn uống từ 3-5 ngày vẫn có thể chưa chết nhưng nhịn thở từ 3-5 phút có thể gây ra tử vong”. Chính những “lỗ hổng” trong Luật BVMT 2005 đã góp phần làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí ngày càng nghiêm trọng”.

Theo kết quả nghiên cứu 2010 của đề tài “Nghiên cứu đánh giá tổng thể sức khỏe và thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí gây ra” thuộc chương trình 23 “Cải thiện chất lượng không khí ở các đô thị” của Cục Y tế, Bộ Giao thông Vận tải cho thấy mức độ thiệt hại về kinh tế do ô nhiễm không khí gây ra các bệnh tật tính bình quân trên đầu người mỗi ngày đối với người dân nội thành Hà Nội là 1.538 đồng/người/ngày, đối với dân nội thành của Thành phố Hồ Chí Minh là 739 đồng/người/ngày. Và nếu tính tổng số dân nội thành khoảng 2,5 triệu người thì Hà Nội bị thiệt hại do ô nhiễm không khí khoảng 66,83 triệu USD/năm và 70,96 triệu USD/năm đối với thành phố Hồ Chí Minh có số dân nội thành khoảng 5,5 triệu người.

Cũng theo ông Đăng để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, Luật Bảo vệ Môi trường không khí sửa đổi cần bổ sung các nguyên tắc bảo vệ môi trường không khí ở các đô thị, làng nghề, khu công nghiệp, khu vực nông thôn… chống ô nhiễm tiếng ồn giao thông vận tải, tiếng ồn công nghiệp và tiếng ồn sinh hoạt cũng như vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới.

Kiểm soát ô nhiễm nước: cần có sự tham gia của cộng đồng

Theo GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường: “Hiện nay cả nước có khoảng 2500 làng nghề, nhưng thực tế rất ít làng nghề có các giải pháp xử lý nước thải. Còn trong số khoảng 336 khu công nghiệp đã được phê duyệt, chỉ có 235 khu công nghiệp hoạt động thực sự nhưng cũng chỉ có 143 KCN có xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đặc biệt trong khoảng 1000 cụm công nghiệp trên cả nước mới chỉ có khoảng 18 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung hay nói cách khác vấn đề BVMT đối với các cụm công nghiệp hầu như còn bỏ ngỏ”.

Thực tế cho thấy các điều 35,36,37,38, 44 điều 82 chương VIII quy định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, các KCN, CCN, làng nghề … nhưng thực tế 5-7 năm, các điều khoản đó thực hiện rất chậm và thậm chí còn nhiều vi phạm. Nguyên nhân là do nhận thức của chủ đầu tư; nhà nước thiếu lực lượng kiểm tra, thanh tra. Do vậy Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cần thêm nội dung có cộng đồng thanh tra kiểm tra nhân dân mà đại diện là các tổ dân cư khu vực lân cận được quyền kiểm tra sự tuân thủ của các chủ dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, KCN, CCN…Đặc biệt, cần phải bổ sung ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ứng phó với thiên tai, bão lũ.

Và vai trò quan trọng của cộng đồng

Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã có những quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những quy định này còn có những hạn chế cần hoàn thiện khi sửa đổi. Theo TS. Nguyễn Văn Phương - Trường Đại học Luật Hà Nội: “Điều 103,104 và 105 Luật BVMT 2005 quy định về công khai thông tin, dữ liệu về môi trường: tổ chức, cá nhân quản lý khu sản xuất, kinh doanh…có trách nhiệm công khai với nhân dân, người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh về tình hình môi trường cũng như các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động. Như vậy cộng đồng dân cư theo quy định này được các chủ thể khác nhau công khai những thông tin có liên quan đến môi trường, tuy nhiên cộng đồng được tiếp nhận thông tin một cách bị động. Do vậy, khi sửa đổi Luật BVMT 2005 cần cân nhắc, xem xét giải quyết các vấn đề cộng đồng dân cư có quyền chủ động yêu cầu các chủ thể cung cấp thông tin môi trường không? Phạm vi thông tin mà người dân (cộng đồng) khi yêu cầu cung cấp thông tin, trách nhiệm của những chủ thể có liên quan khi không thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin.

Thêm vào đó, cần xây dựng một hoặc hai điều trong luật BVMT sửa đổi quy định về sự bảo đảm tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Điều này quy định về các biện pháp nâng cao năng lực cộng đồng như nâng cao nhận thức, các giải pháp và cơ chế khuyến khích hoạt động bảo vệ môi trường…

Nhìn chung, sự tham gia của cộng đồng vừa là quốc sách vừa là động lực quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Nhiều kinh nghiệm thành công trong thực tế cho thấy chính sách xã hội hóa trong bảo vệ môi trường là một chính sách đúng đắn, do vậy bên cạnh Luật thì các văn bản dưới luật cần làm rõ cơ chế bảo đảm thực hiện quyền “biết, bàn, làm, kiểm tra, khiếu nại và tố cáo” của cộng đồng trong BVMT./.

Nguồn: VEN

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.476.190
Tổng truy cập: