MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Tập trung đầu tư cho việc xử lý rác thải
(Ngày đăng: 11/12/2012   Lượt xem: 878)

Mỗi ngày, lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn Hà Nội lên tới hàng nghìn tấn, chủ yếu được xử lý bằng việc chôn lấp. Ở các huyện Chương Mỹ, Thường Tín, Hoài Ðức, Thạch Thất..., rác thải không được chôn lấp, xử lý, đổ bừa bãi trên đường, các khu vực công cộng, gây ô nhiễm môi trường.

moi-truong

Công nhân phân loại chất thải rắn tại bãi xử lý rác thải Nam Sơn. Ảnh: HỒNG VÂN

Việc triển khai Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ khắc phục tình trạng này, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp.

Ðầu tư xây dựng nhiều khu xử lý chất thải

Xử lý chất thải rắn là một vấn đề nan giải của Hà Nội. Mỗi ngày, có hàng nghìn tấn chất thải rắn phát sinh trên địa bàn thành phố. Ở khu vực đô thị, phần lớn rác thải được thu gom, được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Còn ở khu vực nông thôn, chỉ có 35-40% số rác thải được thu gom. Khoảng 50-60% trong số này được chôn lấp, số còn lại do người dân tự xử lý. Phương pháp xử lý rác thải còn nhiều bất cập, vì phần lớn các khu chôn lấp đều quá tải. Nhiều khu chôn lấp gây ô nhiễm môi trường chung quanh, đòi hỏi phải có những phương pháp xử lý hiện đại.

 Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HÐND thành phố thông qua nêu rõ, thành phố phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố xanh, sạch. Chất thải rắn được phân loại, tận thu tối đa và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp, chất thải nguy hại được xử lý triệt để. Tất cả các khu xử lý chất thải rắn được áp dụng công nghệ tiên tiến, hợp vệ sinh, nhằm đáp ứng các yêu cầu về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất rắn trên địa bàn, làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới và nâng cấp mở rộng hệ thống thu gom, vận chuyển, các điểm tập kết... chất thải rắn hiện có trên địa bàn thành phố.

Quá trình thực hiện quy hoạch chia thành ba giai đoạn, giai đoạn từ nay đến năm 2020, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, giai đoạn định hướng quy hoạch từ năm 2030 đến năm 2050. Hà Nội dự kiến quy hoạch 17 khu xử lý chất thải rắn và 29 bãi chôn lấp phế thải xây dựng và bùn thải, sáu trạm trung chuyển chất thải rắn phục vụ cho các loại chất thải rắn. Ðặc biệt, để giải quyết những bất cập trong thu gom, xử lý chất thải rắn hiện nay, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ xây dựng 13 bãi đổ bùn thải; xây mới hoặc mở rộng 15 khu xử lý chất thải rắn.

Về phương thức xử lý, các chất thải rắn sinh hoạt được phân loại, thu gom và xử lý theo các công nghệ tái chế, sản xuất phân hữu cơ, đốt và chôn lấp hợp vệ sinh. Chất thải rắn xây dựng được xử lý theo công nghệ chôn lấp, tiến tới sẽ được áp dụng các công nghệ tiên tiến, giảm thiểu diện tích đất chôn lấp, phấn đấu tỷ lệ thu gom chất thải rắn đạt 80% vào năm 2020, 100% vào năm 2050. 100% rác thải y tế được thu gom, phân loại, xử lý bằng công nghệ hiện đại.

 Việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải thực hiện theo vùng. Vùng 1 gồm các quận nội thành và các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Ðông Anh, Gia Lâm. Chất thải rắn vùng 1 được xử lý tại các khu xử lý: Nam Sơn, Việt Hùng, Kiêu Kỵ, Phù Ðổng, Cầu Diễn. Vùng 2 gồm địa bàn các huyện phía nam thành phố gồm đô thị thuộc các huyện Thanh Trì, Thanh Oai, quận Hà Ðông, đô thị Phú Xuyên, các thị trấn Thường Tín, Kim Bài, Vân Ðình, Ðại Nghĩa và khu vực  các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Ðức, Phú Xuyên. Rác vùng này được xử lý tại các khu Cao Dương, Châu Can, Mỹ Thành, Hợp Thanh, Vân Ðình, Ðông Lỗ. Vùng 3 gồm địa bàn các huyện phía tây thành phố gồm đô thị thuộc các huyện Từ Liêm, Ðan Phượng, Hoài Ðức, thị xã Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai; các thị trấn sinh thái Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn; các thị trấn Tây Ðằng, Phùng, Liên Quan, Phúc Thọ cũ và các khu vực nông thôn các huyện Ðan Phượng, Hoài Ðức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, ngoại thị Thị xã Sơn Tây. Rác thải vùng này được xử lý tại các khu Ðồng Ké, Núi Thoong, Lại Thượng, Ðan Phượng, Xuân Sơn.

Tổng mức đầu tư để thực hiện quy hoạch này là khoảng 107.573 tỷ đồng. Ðây là nguồn vốn rất lớn, do đó, bên cạnh vốn từ ngân sách, thành phố sẽ huy động vốn từ các nguồn khác như: vốn vay ODA, vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển của TP Hà Nội; mở rộng các hình thức đầu tư BOT, PPP...

Nhiều băn khoăn về quá trình triển khai

Sau khi quy hoạch được HÐND thành phố thông qua, điều dư luận quan tâm nhất là làm thế nào để bảo đảm quy hoạch được triển khai đúng nhiệm vụ, mục tiêu và đúng tiến độ. Một trong những vấn đề được coi là "nóng" nhất là vị trí để xây dựng các nhà máy xử lý chất thải, các khu chôn lấp. Trước đây, ở một số địa phương, khi mới nghe nói có dự án xây dựng nhà máy xử lý rác, hoặc khu chôn lấp rác, không ít người dân đã không đồng thuận, vì lo ngại các trung tâm xử lý rác sẽ gây ảnh hưởng môi trường địa phương. Vì vậy, một số đại biểu HÐND cho rằng, khi xây dựng các khu xử lý rác, các bãi chôn lấp, trạm trung chuyển, cần bảo đảm đời sống, quyền lợi nhân dân địa phương. Ðể làm được điều này, cần tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về khoảng cách an toàn từ khu dân cư đến khu xử lý rác, bảo đảm quá trình vận hành an toàn, không ảnh hưởng đời sống nhân dân. Nếu không thực hiện tốt điều này, nguy cơ chậm triển khai xây dựng hệ thống xử lý rác thải là rất lớn. Một số địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác không hợp lý cũng được các đại biểu góp ý nên điều chỉnh. Chẳng hạn, Nhà máy xử lý rác Cầu Diễn (đang hoạt động) nằm ngay gần sông Nhuệ, trong khi đó, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, vành đai sông Nhuệ là vành đai xanh của thành phố; hay nhà máy xử lý rác đặt tại huyện Thanh Trì cũng có nguy cơ ảnh hưởng các vùng nuôi cá, trồng rau an toàn ở khu vực đó.

Về công nghệ, quy hoạch mới chỉ nêu định hướng công nghệ xử lý rác. Hiện nay, trong một số lĩnh vực, chúng ta đang nhập khẩu những công nghệ cũ. Việc chọn các phương án công nghệ xử lý chất thải rắn cần được quan tâm hơn, để tránh việc sử dụng công nghệ lạc hậu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu ý kiến cần làm rõ công nghệ xử lý tại các làng nghề tái chế chất thải rắn; quy hoạch mới dành nhiều quan tâm phát sinh chất thải rắn trong xây dựng ở đô thị mà chưa quan tâm đúng mức đến vùng nông thôn; đề xuất làm rõ hướng xử lý đối với rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn...

Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được triển khai ngay trong năm 2013. Mong rằng các cấp, các ngành của thành phố quan tâm triển khai đúng tiến độ, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, để đến năm 2030, Hà Nội là thành phố xanh, sạch, đẹp như mục tiêu quy hoạch.

Theo ND

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.490.888
Tổng truy cập: