MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Nước sông Hương không còn “xanh lững lờ”
(Ngày đăng: 21/11/2012   Lượt xem: 750)

Dòng sông Hương chảy qua thành phố Huế hiền hòa, thơ mộng từ lâu đã trở thành biểu tượng của mảnh đất cố đô. Thế nhưng, cùng với sự ra đời của nhiều công trình thủy lợi, thủy điện, sự tác động của con người, sông Hương đang mất dần sự trong xanh vốn có.

Từ bến Tòa Khâm xuôi thuyền về Đập Đá,  qua Cồn Hến, Bao Vinh, rồi đến ngã ba Sình…, dòng sông Hương cứ thế uốn lượn quanh co giữa lòng cố đô Huế. Càng về xuôi, con sông Hương không còn được trong xanh, đủ loại rác thải, bèo lục bình nổi trôi lềnh bềnh. Ngược lên thượng nguồn, đến chợ Bao Vinh, nhánh sông Đông Ba, nước sông đã chuyển mầu đục ngầu, bốc mùi hôi tanh khó chịu.

song huong.jpg

Ngược lên thượng nguồn, nước sông đã chuyển mầu đục ngầu, bốc mùi hôi tanh khó chịu.

Mấy chục năm làm nghề cào hến trên sông Hương, ông Lê Văn Thành ở phường Kim Long, thành phố Huế cho biết, trước đây sông đẹp hơn, sạch sẽ hơn; mấy năm gần đây, lội xuống sông đã thấy hơi ngứa, khó chịu; cá cũng chết nhiều.

Từ khi đập Thảo Long được xây dựng, nước sông Hương không thoát ra biển được nên bao nhiêu rác thải ứ đọng lại, gây ra tình trạng ô nhiễm cục bộ. Trên đoạn sông chảy qua thành phố Huế, nhiều ống cống đen ngòm ngày đêm xả nước thải ra sông.

Thêm vào đó, tình trạng khai thác cát sạn bừa bãi cũng làm dòng sông biến đổi dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước. Theo chị Trần Đặng Bảo Thuyên, Giám đốc Trung tâm Quan trắc, Viện Tài nguyên Môi trường và Công nghệ sinh học, Đại học Huế, tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý ra sông của nhiều nhà máy, xí nghiệp đang làm cho dòng sông Hương ngày càng ô nhiễm.

Chị Thuyên đề nghị: “Thứ nhất, phải nhanh chóng có hệ thống xử lý nước thải đô thị. Khi nước thải được xử lý, thì chất lượng nước sông Hương sẽ cải thiện đáng kể. Thứ 2, chính quyền địa phương cần giám sát chặt chẽ, khách quan hơn một số nhà máy, xí nghiệp về nước thải. Tại vì thực tế chúng tôi nhìn thấy một số trường hợp họ thải không như báo cáo”.

Mấy năm gần đây, mức độ ô nhiễm nguồn nước sông Hương ngày càng nặng. Trong đó, hàm lượng Coliform tăng hàng chục lần so với những năm trước. Báo cáo của Trung tâm quan trắc, Viện Tài nguyên Môi trường và Công nghệ sinh học, Đại học Huế, đơn vị được giao quan trắc chất lượng nước sông Hương cho thấy, việc hình thành các đập thủy lợi, thủy điện đã làm thay đổi chế độ dòng chảy, suy giảm đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật vùng hạ lưu.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đang triển khai một số công việc tác nghiệp và một dự án thu gom xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Huế. Đồng thời, cũng đang phê duyệt đề án thu gom xử lý chất thải sinh hoạt tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, hạn chế tối đa việc khai thác cát  trái phép trên sông Hương.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã và đang có nhiều giải pháp bảo vệ dòng sông Hương như: giải tỏa các hộ dân vạn đò, nạo vét lòng sông, kè chống sạt lở… Cùng với những giải pháp này, chính quyền địa phương cũng nên chú ý nâng cao ý thức của mỗi người dân về bảo vệ môi trường, nguồn nước, để Hương Giang mãi là dòng sông trong xanh, thơ mộng giữa lòng cố đô Huế./.

Kim Thu (VOV Miền Trung)

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.494.775
Tổng truy cập: