MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Sử dụng lò nung bằng gas: Sạch làng, khỏe người, giàu kinh tế
(Ngày đăng: 20/11/2012   Lượt xem: 875)

Trở lại làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì khắp đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp thay vì cảnh mịt mờ khói bụi như mấy năm trước.

sachlang_bai-f814c.jpg

Môi trường sạch, kinh tế khá, sức khỏe đảm bảo là những lợi ích thiết thực mà người dân Bát Tràng thấy được khi sử dụng lò nung bằng gas hiện đại. Ảnh Q .An

Người dân nơi đây cho hay:  Tất cả là nhờ công nghệ lò nung bằng gas hiện đại.

Giảm thiểu bệnh về hô hấp, mắt

Theo số liệu từ UBND xã Bát Tràng: Gần 90% hộ dân trong xã làm nghề gốm sứ truyền thống. Nghề gốm sứ đã làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Lợi ích kinh tế là thế, tuy nhiên, cũng như hơn 1.000 làng nghề khác trên địa bàn Hà Nội, người dân làng nghề gốm sứ Bát Tràng cũng từng đối mặt với những nguy cơ về môi trường, đe dọa đến sức khỏe con người khi mà hàng ngày, một khối lượng không hề nhỏ chất thải tro xỉ, bụi, khí carbonic độc hại... được thải ra không khí.

Phó Chủ tịch UBND xã – ông Phạm Văn May nhớ lại: Trước đây, trung bình mỗi ngày làng nghề tiêu thụ khoảng trên 200 tấn than, thải ra môi trường 120 tấn tro xỉ và phát thải ra không khí vô khối tấn bụi. “Thời đó, cứ 10 người dân trong xã thì có 2-3 người bị nhiễm bệnh về đường hô hấp liên quan đến bụi, khói than và nước thải của các lò gốm. Ngoài ra, những tai nạn về mắt khi xỉ than đá găm vào mắt không phải là chuyện hiếm. Nguy cơ đe dọa sức khỏe người lao động luôn thường trực” – ông May nói.  “Giờ thì khác lắm rồi!” - Phó Chủ tịch UBND xã Bát Tràng phấn khởi nói. Thực trạng nhức nhối đó đã được giải quyết từ đầu năm 2006 khi Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu của UNDP triển khai Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam tại làng nghề. Dự án này đã giúp 30 doanh nghiệp ở làng nghề chuyển đổi công nghệ nung gốm từ các lò than, lò gas truyền thống sang lò gas hiện đại.

Sạch môi trường, tăng kinh tế

Thăm cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Phúc Sơn (xóm 2, thôn Giang Cao, Bát Tràng), chúng tôi được mục sở thị hiệu quả chất lượng sản phẩm từ lò nung bằng gas hiện đại.

Gia đình ông Sơn – bà Lan áp dụng phương pháp này từ hơn 5 năm nay. Ông Sơn cho hay: Nung sản phẩm bằng lò gas cải tiến giúp chúng tôi giảm tỷ lệ tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm tới 30%, giúp tăng tỷ lệ sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn chất lượng loại 1 lên tới 90 - 95% so với mức từ 60 - 70% trước kia.

Theo nhiều chủ cơ sở sản xuất nơi đây, thời gian nung một mẻ sản phẩm bằng gas hiện đại chỉ mất 36 - 48 tiếng (thậm chí nhanh hơn), trong khi lò than truyền thống mất từ 5- 7 ngày. Quan trọng hơn, hình thức, chất lượng sản phẩm được đảm bảo bởi điều chỉnh nhiệt lượng đốt lò than thủ công sẽ không đều, nếu gặp than kém chất lượng thì sản phẩm không thể ưng ý. Nhưng nay, dùng công nghệ mới, có đồng hồ đo nhiệt, sản phẩm sẽ “chín đều”, chất lượng và hình thức rất bắt mắt, lợi nhuận vì thế cũng tăng gấp 2 - 3 lần. Khi được hỏi về mức phí đầu tư cho một lò gas hiện đại, bà Lan cho hay: “Cũng khá tốn kém!”. Nếu chỉ với 200 triệu đồng có thể sản xuất sản phẩm bằng lò than thì phải bù thêm 2 - 3 lần chừng đó mới có được lò đốt bằng gas hiện đại. Tuy nhiên, tốn kém là thế nhưng nhiều người dân vẫn phấn khởi, tích cực sử dụng công nghệ mới chỉ với lý do: “Sức khỏe là quan trọng hơn cả!”. “Dùng lò gas, nhà không còn cảnh bụi bám đen sì, mặt lem luốc vì khói. Khách du lịch cũng thoải mái tham quan cơ sở sản xuất mà không phải làm “ninja” khẩu trang kín mít. Sử dụng công nghệ hiện đại, nhưng người làng nghề chúng tôi vẫn vẽ những hoa văn, họa tiết bằng thủ công, nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông”- chị Phạm Thị Hiền (xóm 1, thôn Giang Cao) nói.

Ông Phạm Văn May cho hay: Ban đầu, trong xã chỉ một vài người mạnh dạn áp dụng, nhưng rồi khi chứng kiến những lợi ích thiết thực mà công nghệ mới mang lại, đến nay cả xã chỉ còn 100 hộ có lò nung bằng than, nhưng chỉ để “làm cảnh” mà thôi! Hầu hết các gia đình, hộ sản xuất đã chuyển sang dùng lò nung bằng gas hiện đại. “Dù có tốn kém hơn một chút nhưng sạch cho môi trường, phong quang ngõ xóm, sức khỏe được đảm bảo, có ai không thích cơ chứ! Thu nhập bình quân đầu người trong xã cũng đạt từ 22- 25 triệu/người/năm rồi!” – ông May phấn khởi nói.

Theo giadinh.net

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.492.217
Tổng truy cập: