MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Ô nhiễm môi trường ở làng nghề chẻ tăm hương Quảng Phú Cầu
(Ngày đăng: 20/08/2015   Lượt xem: 1511)
Xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) đã từ lâu nổi tiếng với nghề chẻ tăm hương. Nhờ có nghề phụ này mà bộ mặt kinh tế đa phương cũng như cuộc sống người dân nơi đây đã có những sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải trong quá trình sản xuất đang trở thành thách thức to lớn cho sự phát triển của làng nghề.


Người lao động trang bị bảo hộ thô sơ trong quá trình sản xuất

Về xã Quảng Phú Cầu vào một ngày tháng 8, chúng tôi bắt gặp không khí lao động hăng say, rộn ràng từ khắp mọi nẻo đường, ngõ ngách. Mỗi ngày làng nghề đón hơn chục chiếc xe tải từ 30 - 40 tấn chở nứa, vầu từ khắp các tỉnh. Đây là nguyên liệu chính để sản xuất ra tăm hương.

Ở đây, mọi người dân đã quá quen thuộc với hình ảnh những chiếc xe công nông nối đuôi nhau chở vầu, nứa, tăm hương thành phẩm được chất cao ngất ngưởng đi từ làng trên đến xóm dưới, ra bãi tập kết để đóng lên xe container xuất đi các nơi trong cả nước.



Xe công nông chở vầu, nứa qua lại tấp nập trong làng

Ông Nguyễn Hữu Phong (thôn Cầu Bầu), chủ một xưởng sản xuất tăm hương chia sẻ: “Nếu so vài năm trước đây với bây giờ thì làng nghề đã thay đổi khá nhiều. Nhà cửa khang trang hơn. Đường làng, ngõ xóm sạch sẽ và rộng rãi hơn rất nhiều. Nhờ có nghề chẻ tăm hương mà cuộc sống gia đình trong xã chúng tôi lột xác hoàn toàn, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm đáng kể. Bây giờ, bình quân mỗi hộ làm nghề có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm, đối với các xưởng lớn thu nhập có thể tới vài trăm triệu đồng mỗi năm”.

Xưởng của ông Phong hiện nay đang tạo công ăn việc làm cho hơn 40 công nhân, chủ yếu là anh em họ hàng trong làng, ngoài ra còn có thêm nhiều người từ vùng Thanh Hóa, Hòa Bình ra. Sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường ngoài nước như Trung Quốc, Ấn Độ.

Mặc dù nghề chẻ tăm hương… đã và đang từng ngày làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây, song bên cạnh đó người dân Quảng Phú Cầu còn canh cánh nỗi lo về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, các cơ sở gia công tăm hương tại xã Quảng Phú Cầu chủ yếu vẫn sản xuất manh mún, mạnh ai người nấy làm, chưa hề có một sự quy hoạch thống nhất giữa các cơ sở sản xuất, phần lớn xưởng sản xuất là anh em trong cùng một gia đình chung vốn, chung sức xây dựng. Cùng với đó, các chủ xưởng vì chạy theo lợi nhuận nên thường xuyên nhập máy móc kém chất lượng từ Trung Quốc về sử dụng. Các lò sấy thủ công, không đảm bảo yếu tố môi trường khi xả khí thải vẫn hàng ngày hàng giờ đều đặn nhả những cột khói đen cao tới 3 - 4 mét ra khu dân cư.

Dạo quanh xã Quảng Phú Cầu, chỉ cần bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy môi trường đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Nguồn nước đâu đâu cũng bốc mùi hôi thối, đen sánh lại. Mỗi ngày, các xưởng sản xuất tăm hương thải ra hàng trăm tấn mùn vầu, nứa. Nếu như trước đây, những chất thải này sẽ được chủ sản xuất bán lại cho các xưởng làm giấy hoặc tái sử dụng, đốt lò, làm vật liệu đun bếp nhưng nay khi không có cơ sở nào thu mua và nhu cầu tái sử dụng cũng không còn thì mùn vầu, mùn nứa lại được người dân đổ trực tiếp xuống ao hồ, gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng nước nghiêm trọng.

“Các hộ sản xuất tăm hương thường xuyên vứt mùn, vỏ của vầu, nứa xuống thẳng mương, hồ tạo thành nhiều ao tù nước đọng. Vì vậy bà con làm nghề phải mang nứa ra các sông, kênh, rạch ngoài đồng để ngâm. Do khối lượng lớn nứa ngâm từ năm này tới năm khác nên nước ở các kênh rạch trong xã đều trong tình trạng ô nhiễm nặng. Khi lượng mùn tồn quá nhiều, một số người dân còn đóng vào bao tải, đem ra cánh đồng đốt rất nguy hiểm. Khói cùng mùi khét từ rác thải theo hướng gió bay vào trong làng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mỗi người dân”, chị Đỗ Thị Hồng (thôn Cầu Bầu) cho biết.

Tuy rằng, nhờ sự phát triển của nghề làm tăm hương mà mỗi gia đình nơi đây đã khấm khá lên từng ngày, nhưng để phát triển một cách bền vững thì làng nghề rất cần sự chung tay của các ngành, các cấp chính quyền cũng như sự thay đổi từ nhận thức đến hành động từ chính người dân Quảng Phú Cầu. Đây cũng là bài toán hóc búa đang đặt ra với rất nhiều làng nghề trong cả nước. Không thể hủy hoại môi trường sống, sức khỏe cộng đồng để đánh đổi lấy lợi ích kinh tế nhất thời.

Dưới đây là một số hình ảnh tại làng nghề chẻ tăm tre Quảng Phú Cầu.


Người lao động vận hành máy móc kém chất lượng


Xe công nông chở mùn vầu, nứa, rác thải


Xe tải chở vầu, nứa về bãi tập kết

                                      Theo: xaydung.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.472.864
Tổng truy cập: