MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Sống chung với khói, bụi ở xóm hầm than
(Ngày đăng: 11/09/2013   Lượt xem: 685)
Sống chung với khói, bụi ở xóm hầm than
Lò hầm than ở Xuân Hòa.

10 năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm khói, bụi từ các lò than ở xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, mà còn tác động rất lớn đến môi trường và năng suất cây trồng. Đã nhiều lần địa phương họp dân để tìm biện pháp giải quyết, nhưng đến nay hàng ngàn người dân cùng nhiều vườn cây ăn trái nơi đây vẫn... sống chung với khói, bụi!

Lợi nhiều, hại cũng nhiều

Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa Huỳnh Văn Luận cho biết: “Toàn xã có 742 lò hầm than, tập trung ở 2 ấp Hòa Thành Hòa Lộc. Trước năm 1975, xóm hầm than Xuân Hòa chỉ lác đác vài hộ làm; từ khi có hợp đồng với số lượng lớn từ Đài Loan và TPHCM, số lò than tăng vọt, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Cũng nhờ các hầm than, đời sống bà con trong vùng  khá lên”. Làm than củi đem lại thu nhập ổn định cho bà con (trung bình mỗi lò sản xuất 10 tấn than/lần đốt, lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/45 ngày). Bà Đặng Thị Bé Ba (ấp Hòa Thành) - đang sở hữu 12 lò than - cho biết: “Thời buổi này làm than có ăn hơn làm vườn. Mỗi mẻ lò lợi nhuận ít nhất trên 5 triệu đồng. Lúc giá than tăng cao lợi nhuận tăng gấp 2 - 3 lần”. Theo bà Bé Ba, làm than có lợi ở chỗ sản phẩm nếu được giá chủ lò bán ngay, thấp quá thì trữ lại chờ giá tăng. Hiện “đầu ra” của nghề này rất ổn định vì có hợp đồng với nhiều thị trường trong và ngoài nước. Nghề làm than còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. Thông thường, mỗi lò than cần khoảng 10 lao động với mức thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Có việc làm thường xuyên nên nhiều hộ không có đất và vốn sản xuất có thể sống được với nghề này.

Tuy nhiên, làng nghề hầm than Xuân Hòa cũng là nơi luôn gây ô nhiễm: Khói, bụi ảnh hưởng tới sản xuất, sức khỏe của hàng ngàn hộ dân tại đây. Hàng ngày, khói, bụi từ các lò hầm than bay mù mịt cả vùng, hủy hoại rau màu, cây xanh trong vườn. Không ít vườn cây ăn trái bị khói, bụi lò than tàn phá, gây thiệt hại nặng. Khói, bụi còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân trong xã, nhất là người già và trẻ em. Anh Nguyễn Văn Trung (ấp Hòa Thành) có 8 công vườn trồng cam, nhưng 3 năm rồi cây không lớn nổi, trái đen xì vì khói bụi nên không ai mua. Toàn xã Xuân Hòa có khoảng 3.200ha trồng cây ăn trái (cam, bưởi, măng cụt, xoài...). Kết quả khảo sát cho thấy, những vườn nằm trong vùng bán kính 500m nơi có lò hầm than, năng suất giảm 50% so với nơi khác nên nhà vườn lỗ nặng. Khói, bụi từ các lò hầm than cũng là nguyên nhân khiến nhiều thợ chụm lò, người già, trẻ em ở đây bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Gia súc nuôi trong vùng cũng dễ bị nhiễm bệnh
từ khói, bụi...

Cấm không được, để không xong

Theo Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hoà Huỳnh Văn Luận, định hướng sắp tới nghề làm than Xuân Hòa sẽ tập trung thành một làng nghề, xây dựng hệ thống xử lý khói, bụi để hạn chế ô nhiễm môi trường. Xử lý theo phương pháp này, nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí 50% cho mỗi hộ. Dự tính là vậy, nhưng khi khảo sát nhiều hộ dân, việc di dời để tập trung thành làng nghề và xây dựng hệ thống xử lý khói không dễ thực hiện chút nào. Theo anh Nguyễn Văn Hoằng - nhân viên địa chính xã Xuân Hòa - trước đây Sở TNMT Sóc Trăng đã thí điểm xây hệ thống xử lý khói tại một số lò than, nhưng chưa có hiệu quả nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng hơn.

Bà Bé Ba - một chủ lò than - nói: “Tôi cũng rất muốn sản xuất đảm bảo an toàn cho các vườn cây nhưng không biết xử lý bằng cách nào. Tôi cũng đi họp ở xã nhiều lần, nhưng hướng giải quyết bằng cách xây dựng hệ thống xử lý khói, bụi thì dân không theo nổi. Thứ nhất do kinh phí quá cao, mỗi hệ thống khoảng 20 triệu đồng, lại rất hao điện, trong khi tui có tới 12 lò. Thứ hai, trước đây có một số hộ từng thử nghiệm nhưng chất lượng than kém, nhẹ và dễ vỡ dẫn đến giá thấp”. Còn chủ lò Nguyễn Thanh Trơn (ấp Hòa Phú) cho rằng: “Nhà tui có 3 lò hầm than, nếu dời đi phải tốn tiền mua đất khác, xây lò than lại, dời nhà cửa, tốn nhiều chi phí lắm!”.

Xuân Hòa được chọn là xã xây dựng nông thôn mới của huyện Kế Sách. Các ngành chức năng đang... đau đầu vì vướng phải tiêu chí giao thông nông thôn và tiêu chí về môi trường!

                                                                                            Theo: Lao Động

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.494.566
Tổng truy cập: