MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Vì màu xanh cuộc sống - Làng nghề và bài toán bảo vệ môi trường
(Ngày đăng: 28/08/2013   Lượt xem: 1147)
Từng được xem là "vương quốc gạch” của miền Tây, có lúc đóng góp tới 37% tổng giá trị sản xuất hàng công nghiệp nông thôn và 56% giá trị sản xuất ngành vật liệu xây dựng của tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 10 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Người làm nghề sản xuất gạch truyền thống ở Vĩnh Long vẫn loay hoay tìm hướng đi mới.



Rất nhiều lò bị bỏ không nhiều năm

"Thoi thóp” làng gạch truyền thống

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10, khuyến khích áp dụng vật liệu xây dựng không nung để thay thế gạch đất sét nung, nhằm mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên không tái tạo (đất sét và than), bảo vệ môi trường. Chỉ thị quy định đến năm 2015 sẽ có 50% lò tròn truyền thống chuyển sang công nghệ mới ứng dụng Hoffman và đến năm 2020 sẽ xóa bỏ hoàn toàn lò nung thủ công. 
Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh có 1.100 cơ sở đăng ký hoạt động sản xuất thì hiện nay còn khoảng 50% trong số đó đã ngưng hoạt động. Số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng, kéo dài nhằm giữ được ngành nghề truyền thống hàng chục năm qua.

Xã Nhơn Phú và Mỹ An của huyện Mang Thít, là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất gạch nhất của tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, do nhiều năm qua các tỉnh Miền Đông được đầu tư xây dựng hệ thống lò công nghệ cao nên gạch từ các tỉnh miền Đông đang chiếm dần thị trường xuống các tỉnh Miền Tây, vì thế các lò gạch truyền thống của Vĩnh Long không thể cạnh tranh nổi, đang "chết” dần. 

Đi dọc tuyến đường về trung tâm xã Nhơn Phú và Mỹ An rất dễ nhận thấy khá nhiều lò gạch đã xuống cấp trầm trọng tạo nên khung cảnh hẩm hiu, trái ngược với "vương quốc gạch” một thời nhộn nhịp, tất bật. Ông Trương Chí Cường ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít là người gắn bó với nghề làm gạch trên 20 năm nay, tâm sự: " Nghề gạch ở đây đã có từ hàng chục năm trước. Mỗi lò gạch đã giải quyết cho khoảng 10 lao động tại địa phương, do đó mà dân làm gạch chúng tôi nói ở đây đã hình thành "chợ lao động” có lúc lên đến cả trăm người. Ngoài được các chủ cơ sở làm gạch mướn, các thành viên trong "chợ lao động” còn đi theo các ghe gạch rồi đưa gạch lên, nhờ vậy mà người lao động có thêm khoản thu nhập từ 200.000 – 300.000/ngày. Đối với các cơ sở sản xuất gạch mỗi chu kỳ lò trừ chi phí cũng có lời từ 10 – 15 triệu đồng. Giờ đây hoạt động cầm chừng, vật giá leo thang ngày càng khó khăn, có lúc không có lời…”.

Ông Cường cũng như hàng trăm chủ cơ sở khác ở vùng này lo lắng rồi đây nghề gạch sẽ đi về đâu, khách hàng thì ngày càng vắng. Ông Cường phân trần: "Tuy gia đình chỉ có 2 cơ sở sản xuất, với 4 miệng lò nhưng giờ đây cũng chung cảnh ngộ hoạt động cầm chừng. Thương lái đến mua ngày càng ít, nên lò này làm thì lò kia nghỉ. Còn đỡ hơn nhiều nơi khác rơi vào cảnh thua lỗ, thậm chí phá sản, nợ nần chồng chất…”. 

Toàn xã Nhơn Phú có khoảng 2.000 hộ dân, thời gian cao điểm số hộ sản xuất gạch chiếm đến ¼ tổng số hộ toàn xã, với trên 1.000 miệng lò hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn khoảng 150 cơ sở sản xuất. Nghề sản xuất gạch đã giải quyết việc làm cho hàng trăm người dân tại đây, góp phần nâng cao cuộc sống cho bà con, ngoài ra còn đóng góp vào nguồn thu cho xã từ 5 đến 6 tỷ đồng/năm. 

Đầu tư công nghệ mới cứu làng gạch truyền thống

Nhiều chủ lò gạch ở Vĩnh Long ngán ngẩm vì gạch miền Tây cả tháng trời mới ra một lò, trong khi gạch của miền Đông sản xuất theo công nghệ mới kiểu lò Hoffman liên hoàn chỉ 15 đến 20 tiếng là gạch ra lò. Giá thành chỉ khoảng 500 đồng/viên, còn gạch Vĩnh Long thì tới 720 đồng/viên. Nếu ra tới cửa hàng thì gạch miền Đông chỉ 750-800 đồng/viên, còn gạch của Vĩnh Long lên tới 1.100 đồng/viên.

Tuy nhiên, theo UBND huyện Mang Thít đến thời điểm này, số cơ sở ứng dụng công nghệ mới Hoffman này chưa được 10%. Ông Trương Thành Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít cho biết: "Để chuyển đổi lò gạch truyền thống sang sản xuất gạch không nung ứng dụng công nghệ mới cần một nguồn vốn rất lớn. Theo tính toán, để có một dây chuyền sản xuất gạch không nung tốn chi phí khoảng 14 tỷ đồng. Với nguồn vốn không phải là nhỏ đó thì các cơ sở không có khả năng kham nổi. Địa phương có vận động các doanh nghiệp ứng dụng lò Hoffman và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động nhưng họ chưa mặn mà…”. 
 
Để giải quyết khó khăn về vốn thực hiện cho các cơ sở sản xuất, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện đề tài cải tiến công nghệ nung và xây dựng mô hình lò nung mới (lò nung cải tiến). Lò nung cải tiến của tỉnh Vĩnh Long được nghiên cứu thực hiện trên cơ sở nguyên lý hoạt động của lò Hoffman, nhưng được cải tiến, thiết kế áp dụng ưu điểm nguyên lý lửa đảo của lò tròn truyền thống, chỉ trong vòng 24 giờ có thể cho ra 1 lò. Loại lò này phù hợp với quy định của Chỉ thị số 10. Đây được xem là giải pháp khả thi nhất hiện nay, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương vừa đảm bảo môi trường, vừa hợp với khả năng đầu tư của các cơ sở sản xuất gạch.
 
Thời gian qua, Vĩnh Long đang có nhiều cố gắng nhằm vực dậy nghề sản xuất gạch truyền thống lâu đời, góp phần đảm bảo thu nhập cho hàng ngàn lao động địa phương. Để duy trì làng nghề truyền thống theo hướng hiện đại, bảo vệ môi trường, Vĩnh Long cần quyết tâm đầu tư, huy động nội lực các chủ cơ sở đầu tư lò theo công nghệ mới và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho địa phương.
                                                                                                        Theo: Đại Đoàn Kết

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

22
Đang xem:
72.488.259
Tổng truy cập: