Sinh
ra và lớn lên gắn liền với lũy tre làng, hình ảnh cây tre trở nên quá
gần gũi, thân thuộc, để rồi giờ đây khi đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”,
thế nhưng cụ ông Lê Mưu ở xóm 6, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh)
hàng ngày vẫn đi săn lùng những gốc tre để “thổi hồn” vào đó và cho ra
đời các sản phẩm rồng, hạc, nghê… hết sức độc đáo.
 |
Lão nông Lê Mưu và kiệt tác Rồng tre. |
Cái duyên để lão nông Lê Mưu đến với môn
nghệ thuật này thật đơn giản, trong một lần chui vào bụi tre ven đường
tránh nắng, ông bắt gặp một gốc tren tre xù xì, có hình thù uốn lượn
trong rất đẹp. Với bản tính tò mò và trí tưởng tượng, trước mắt ông là
một con rồng đang bay lượn trên bầu trời xanh biếc từ gốc tre này.
Cụ cho biết, những gốc tre có hình dáng xù xì cho đến những sản phẩm
rồng tre hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn. Trước hết, con mắt
của người chơi phải nhìn, tưởng tượng ra được gốc tre đó sẽ phù hợp với
con rồng ở tư thế gì. Sau khi đã chọn, phải ngâm tre xuống bùn cho đến
lúc vớt tre lên đã thấy mùi hôi để tre bền được lâu, không bị mối, mọt.
Vớt khúc tre đã ngâm đưa lên rửa sạch, phơi khô rồi sau đó mới tiến hành
chế tác, cưa, đục, chắp vá để cho ra sản phẩm hoàn thiện.
Trong tất cả gần trăm sản phẩm, gồm nghê,
hạc, voi, hổ, đại bàng, và những hình hài con người giàu cảm xúc như mẹ
bồng con, ông dắt cháu…tất cả đều được ông miêu tả, liên tưởng rất dí
dỏm, lý thú.