Nghệ nhân làng nghề
Hoài vọng của những nghệ nhân thổi hồn vào đá
(Ngày đăng: 10/04/2012   Lượt xem: 1035)

Chúng tôi về thăm vùng đất xứ Đoài, thăm miền quê của những con người từng sinh ra, lớn lên đều gắn bó với đá ong. Cũng trên mảnh đất này, người dân thấm thía nỗi nhọc nhằn, vất vả khi phải lấy sức người “biến” sỏi đá thành những củ khoai, củ sắn… Nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, qua bàn tay và khối óc của những người nông dân, những khối đá cằn cọc, vô hồn ấy đã trở thành những công trình kiến trúc, những tác phẩm mang đậm tính nghệ thuật.

 Anh Chắt đang chế tác sản phẩm.

Nghệ thuật vắt ra từ đá!

Dạo qua những con đường làng: ngoài những nhà cao tầng mới mọc lên thì vẫn hiện hữu sự mộc mạc, thô sơ nhưng ấm áp tình quê bởi cái màu vàng sậm của đá ong. Người nơi đây vẫn tự hào rằng: dù cái thứ đá lỗ chỗ giống như tổ ong nhưng viên đá ong của xứ Đoài luôn có một vẻ đẹp bí ẩn, vững chắc. Cũng chính cái sắc vàng ấy luôn tạo cho con người ta cảm giác ấm cúng, thân quen mà không lành lạnh như các loại đá khác. Vì thế mà từ xa xưa, ông cha đã chọn đá ong xây dựng nhà ở và các công trình kiến trúc khác. Đang tìm hỏi về những người thợ chuyên chế tác đá ong, chúng tôi bắt gặp ngay bên đường một “đại lý”.

Một người đàn ông tay cầm thuổng đang hì hục bước ra giữa hai khối đá ong “khổng lồ” tiếp chuyện chúng tôi, anh là Trần Văn Nghiêm (người dân vẫn gọi tên khác của anh là Chắt - Chắt nghệ nhân). Vẫn vẻ cục mịch, quê mùa, anh Chắt hút một hơi thuốc lào sảng khoái: “Các anh chụp ảnh tôi làm gì, lấm láp, chân tay thô kệch thế này lên hình ai mà thèm nhìn…”.

Khi chúng tôi hỏi chuyện về đá, anh Chắt cho biết: “Cái nghề thổ mộc này gắn bó với tôi từ thời “bẻ gãy sừng trâu”, ở cái vùng quê đất sỏi đá khô cằn này, người người sống vì đá, ngoài những nơi có đất thịt thì trồng lúa, ngô, khoai, sắn. Còn lại những mô, gò không trồng trọt được thì người dân đào đá ong bán làm vật liệu xây dựng nhà cửa…”.

Khi chúng tôi hỏi về những tác phẩm với những con vật như hổ, báo, voi, sư tử,... đủ 12 con giáp với đường nét điêu khắc như “thổi hồn vào đá”. Anh Chắt xua tay, cười khà khà nói: Có gì đâu, mình đi làm thuê, họ thấy mình làm được thì thuê làm. Với cái nghề đục đẽo các con vật này, tôi làm được hơn 10 năm rồi. Họ đặt gì thì tôi làm nấy, con nào cũng làm được, cứ lấy thuổng xẻ đá lớn ra theo khổ rồi lấy dao đẽo; cứ thế mà đẽo chẳng cần phải vẽ hay gọi là thiết kế thiết củng gì cả.

 Công nhân đang đẽo đá để xây dựng cổng chùa.

Tay và dao là hai thứ làm nên những con vật ấy cả… Đang kể, giọng anh bỗng chùng xuống: Nghề này lắm công phu và bận túi bụi em ạ. Ngoài vài ba người thợ giúp việc thì để tạo ra sản phẩm là các con vật, chum, chậu cảnh… bằng đá ong cũng chỉ có mình làm được mà chưa có ai làm thay. Lắm lúc xin nghỉ việc gia đình cũng phải gấp gáp cho xong để mau chóng quay lại cơ sở sản xuất làm hàng cho khách. Kỉ niệm mà tôi nhớ nhất, có một khách hàng đặt mua một đàn voi với 2 con voi to, 3 con voi cỡ vừa và nhỏ với giá lên tới hàng trăm triệu đồng mà họ yêu cầu làm trong vòng một tháng để giao hàng.

Đợt đó mình phải huy động thêm người giúp việc và vận dụng hết khả năng tay nghề mới kịp hoàn thành tác phẩm đúng tiến độ để giao hàng cho khách. Còn những khách hàng đặt mua các con vật nằm trong bộ 12 con giáp thì nhiều lắm. Đang kể, giọng anh Chắt bỗng hào hứng: “Mà kể cũng lạ, ngày xưa đá ong bán rẻ lắm, chỉ có nhà nghèo mới xây nhà bằng đá loại này thì nay chỉ có những người giàu mới dám mua sử dụng.

Tại cơ sở sản xuất, ngoài các con vật như hổ, voi, sư tử… có mức giá từ vài ba trăm nghìn cho đến gần trăm triệu đồng mỗi con (tùy thuộc kích thước, kiểu dáng) thì khách hàng khắp trong Nam ngoài Bắc đặt mua những loại chậu cảnh, chân hương… để xuất khẩu cũng nhiều”. Đồng thời anh cũng cho biết, mặc dù nguồn nguyên liệu đá có sẵn trên địa bàn nhưng không phải lúc nào cũng có thể đáp ứng được yêu cầu của khách. Chẳng hạn như vừa rồi có một khách hàng ở Hà Nội đặt mua một con voi bằng đá ong với kích thước giống hệt con voi thật nhưng anh không dám nhận vì không thể có loại đá lớn như vậy.

Bởi việc tìm được nguyên liệu đã khó, có tìm được thì cũng không có phương tiện vận chuyển vì các bãi đá nằm sâu trong các đồi núi, phương tiện không thể nào vận chuyển ra được. Bao năm trong nghề, anh Chắt chứng kiến rất nhiều khách hàng sau khi đặt mua con vật theo kích thước yêu cầu, đến lúc quay lại đặt mua con thứ 2 y như vậy nhưng lại không được do không phải lúc nào cũng có khổ đá lớn để làm.

Để lại dấu ấn cho con cháu

Người thứ hai chúng tôi tìm gặp là anh Nguyễn Văn Mười (thôn Yên Mỹ, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội), trái ngược với anh Chắt, anh Mười chuyên nhận làm các công trình xây tường cổng, giếng đá… cho các làng cổ, chùa chiền và các ngôi biệt thự trên toàn quốc. Anh Mười cho biết, hơn chục năm làm nghề, anh đã từng đi khắp từ Bắc vào Nam, làm không biết bao nhiêu công trình bằng đá ong phục vụ yêu cầu của khách, từ những doanh nhân cho đến các chính khách của đất nước, và cũng từ đó người ta gọi anh là nghệ nhân lúc nào mà anh chẳng hay.

Thế nhưng, trong anh luôn tâm niệm cần phải làm cái gì đó để lại dấu ấn cho quê hương, con cháu mai này noi theo. Thế rồi cơ hội đó cũng đến, cách đây khoảng 2 tháng, các cụ trong thôn Yên Mỹ có sang nhà và đặt vấn đề mời anh làm “Tổng kiến trúc sư” xây dựng cổng chùa Đại Lợi của thôn bằng đá ong với giá khoảng 150 triệu đồng (giá thị trường khoảng từ 200 - 250 triệu đồng).

Kể từ khi khởi công đến nay đã hơn một tháng, vừa ngắm nhìn công trình, anh Mười vừa hướng dẫn chúng tôi, để làm được chiếc cổng bằng đá này, ngoài bộ óc tính toán về kĩ thuật kết cấu, cần phải có hoa tay và trình độ. Bởi rất khó tạo ra các hoạ tiết, hình cong từ đá. Tiếp đến phải tính toán sao cho các lớp đá chồng lên thẳng tắp không cong, lệch… so với các đường chỉ lúc đó mới tạo ra dáng vẻ cổ kính, hoành tráng của công trình bằng đá ong được.

 Tác phẩm hổ chế tác từ đá ong.

Tâm sự về nghề, anh Mười bộc bạch: “Tất cả công trình làm từ trước đến giờ chỉ có mình tôi cặm cụi làm cùng với mấy người giúp việc phụ đỡ. Mặc dù trong làng cũng có mấy người làm nghề nhưng cũng chỉ dừng ở mức vọc vạch, đẽo đá bán làm gạch xây nhà chứ để làm được đồ cao cấp, mang tính nghệ thuật cao rất hiếm...”. Nghề làm đá nó rất lạ, vì không có trường lớp nào đào tạo, lại cũng không phải là nghề gia truyền mà điều quan trọng nhất để làm được nghề này thì ngoài đôi bàn tay vàng cần phải có bộ óc sáng tạo nên các hình thù, kiểu dáng công trình, do vậy rất khó kiếm được người khác thay thế.

Đề cập tới nguồn nguyên liệu tạo nên đá ong, anh Mười cho biết, không biết đá ong có từ bao giờ, chỉ biết do thiên nhiên ban tặng và có sẵn trên địa bàn do các mảnh sành, gạch vỡ tạo nên thành từng tầng từng lớp, do vậy khi khai thác chỉ cần tách vỉa chứ không phải tác động lớn. Để có đá, người khai thác phải mua diện tích đất đồi của dân, sau đó thuê thợ khai thác đào sâu từ 80cm đến 1m sẽ đến đá. Bề dày của đá lấy được từ 1 - 1,5m là đá có thể sử dụng được. Tuy nhiên, tùy thuộc vào những người có kinh nghiệm, làm lâu trong nghề mới có thể biết được đâu là đá đạt chuẩn (đá phải đạt độ dẻo, dai) để chế tác ra các sản phẩm mang chất lượng, có tính nghệ thuật cao.

Trên đường về, chúng tôi luôn văng vẳng câu nói của các nghệ nhân chế tác đá: việc khai thác đá ong mãi rồi cũng hết, cái còn lại là những di sản văn hoá không bao giờ mất được - đó là những công trình, con vật bằng đá ong sẽ mãi trường tồn cùng thời gian.

Bài & ảnh: Hòa Long (SKĐS)

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.462.873
Tổng truy cập: