Nghệ nhân làng nghề
Người thương binh đan vạc giường, dệt những ước mơ
(Ngày đăng: 22/03/2012   Lượt xem: 1616)
Công việc hàng ngày của vợ chồng ông Trúc.
 Tuy thân thể không còn lành lặn nhưng bằng đôi tay khéo léo và nghị lực phi thường cùng với tình yêu vô bờ bến của vợ, ông Hoàng Trúc ở thôn Mai Đàn, xã Hải Lâm (Hải Lăng - Quảng Trị) đã vượt qua tật nguyền, vươn lên trong cuộc sống, trở thành người thợ đan vạc giường có tiếng.

Vẹn tròn hạnh phúc

Trong căn nhà mái ngói đã ngả màu mưa nắng, vợ chồng ông Hoàng Trúc và bà Hồ Thị Hảo có gần 30 năm sống hạnh phúc với nghề đan vạc giường. Lê hai chiếc đòn gỗ đi pha trà mời khách, thấy chúng tôi ái ngại, ông Trúc vui vẻ nói: "Mấy chú yên tâm, không chuyện gì đâu, mấy chục năm ni tui vẫn đi như thế này và cuộc sống của gia đình tui cũng nhờ hai chiếc đòn gỗ này đây!".

Trước làn khói mỏng của chén trà nóng, ông Trúc nhìn đăm chiêu về phía xa, rồi chậm rãi kể về cuộc đời mình. Năm 1972, khi chiến trường Quảng Trị đang hồi ác liệt, trong lúc sơ tán cùng gia đình, ông vấp phải mìn nên bị thương nặng, dù vượt qua cái chết nhưng ông vĩnh viễn mất đi đôi chân. Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông trở về quê hương. "Hồi ấy với thân thể không còn lành lặn, tôi cảm thấy cuộc sống mình chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Có lúc nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình nên tâm trạng tôi rất chán nản. Nhưng số tôi còn may mắn là nhờ có bà xã hết mực yêu thương dù khi đó tôi đã trở thành người tàn phế", nhìn sang bà Hảo với ánh mắt trìu mến, ông Trúc nói trong ánh mắt rạng ngời hạnh phúc dù nụ cười không được tròn trịa như xưa.

Ông Trúc kể, trước khi bị cụt hai chân, ông và bà Hảo đã yêu nhau. "Yêu nhau trong thời buổi loạn lạc khó biết chuyện gì xảy ra. Nhưng với tôi, tình yêu mà bà ấy dành cho mình thật đáng trân trọng", ông Trúc tâm sự. Đến năm 1979, được sự ủng hộ của hai gia đình, ông Trúc và bà Hảo tổ chức đám cưới trong niềm hạnh phúc khôn tả. Ở chung với gia đình một thời gian, ông bà làm căn nhà nhỏ ven sông Nhùng để ở riêng. Những ngày tháng đầu, vợ chồng ông chỉ có vài sào ruộng nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Những đứa con lần lượt ra đời càng khiến cuộc sống của gia đình thêm khốn khó. Vợ chồng ông phải làm nhiều việc để kiếm sống. Ngoài mấy sào ruộng, bà Hảo phải đi làm thuê cuốc mướn khắp vùng; ông Trúc thì ở nhà tập tành vót tre đan sọt và chăm lo con thơ. Dẫu nghèo khó, nhưng cuộc sống gia đình ông luôn vẹn tròn hạnh phúc!

"Đan dệt ước mơ cho con"

"Tôi biết nghề đan lát từ nhỏ, bởi ngày xưa cha tôi là thợ tre giỏi của làng. Tôi không định theo nghề này, nhưng vì tật nguyền chẳng biết làm gì nên mới chẻ tre đan cho vui, bán được chừng nào hay chừng ấy để giúp vợ nuôi con", ông Trúc kể. Đan rổ rá được một thời gian nhưng bán ế ẩm quá do lúc này hàng rổ rá bằng nhựa tràn lan trên thị trường, ông quay sang đan vạc giường bằng tre. Lúc đầu, ông chỉ đan vạc giường bằng thanh tre lép, về sau, theo thị hiếu của khách hàng, ông chuyển sang đan vạc giường bằng thanh tre tròn vót bóng, kết dày. Với đôi bàn tay khéo léo, sản phẩm ông Trúc làm ra luôn được khách hàng ưa chuộng. "Đan vạc giường cần phải có lòng kiên nhẫn mới theo được. Đồng thời, mình làm sao có mẫu mã riêng, vừa bền vừa đẹp mới thu hút được người mua", ông chia sẻ. Và quả thực, một thời gian sau đã có nhiều người chú ý tới vạc giường của ông. Ông Trúc cho biết thêm, có ngày vì đan nhiều quá mà hai bàn tay ông tứa máu, mỏi nhừ nhưng vẫn cố gắng làm cho kịp ngày giao hàng. Từ ngày vạc giường được khách hàng ưa chuộng, vợ chồng ông cũng có thêm khoản thu nhập để yên tâm nuôi con ăn học. "Cứ vài ba ngày tui lại đi quanh làng tìm mua tre tươi, sau đó thuê người chặt đem về cho mình. Còn ông ấy thì đo kích thước rồi cưa và xẻ ra thành từng thanh nhỏ để vót", bà Hảo vừa giúp chồng cuốn những tấm vạc giường vừa kể.

Theo ông Trúc, việc hoàn thành một cái vạc giường cũng tốn công sức và mất khoảng 3 ngày. Trước hết là chọn tre, sau đó cưa thành đốt theo đúng kích thước rồi đem ngâm nước 10 ngày, tiếp đó là phơi khô rồi chẻ thành những thanh nhỏ, vót thật bóng, sau đó đem hong lửa cho đến khi có màu vàng óng mới xe dây cước kết thành vạc giường. "Mỗi tháng tôi làm cật lực được khoảng 7 bộ, mỗi bộ có giá 360.000 - 500.000 đồng, tùy loại. Tuy vất vả nhưng cũng kiếm được tiền giúp vợ nuôi con ăn học. Không phải tự hào chứ vạc giường của tôi làm muỗi cũng không chui lọt, với lại có độ bền, đẹp nên hầu hết khách đều hài lòng", ông Trúc tự hào.

Vạc giường của ông từ chỗ chỉ ở bán ở trong huyện, tỉnh thì nay đã được nhiều khách hàng từ Quảng Bình, Thừa Thiên -Huế đến đặt mua, đặc biệt, có người đặt hàng để chuyển qua bán ở Lào. Ông bảo, có khi phải từ chối nhận đặt hàng vì không đủ sức làm. "Ngoài việc đồng áng và chăn nuôi heo, gà, tui phải ngồi vót tre dùm, chứ dạo ni người đến đặt hàng nhiều quá, một mình ông ấy làm không nổi, gắng quá, đổ bệnh cũng khổ", bà Hảo tâm sự.

Sau nhiều năm lăn lộn với cái nghề khá lạ lẫm này, ông Trúc bà Hảo không những thoát nghèo mà còn có thu nhập để nuôi hai con ăn học đàng hoàng. Con gái lớn của ông bà sau khi tốt nghiệp ngành mầm non đã có việc làm ổn định, còn con trai thứ hiện đang ôn thi đại học. "Giờ vợ chồng tôi chỉ còn lo cho nó nữa thôi, mong rằng nó cố gắng học hành tử tế để thoát khỏi cảnh cơ cực của bố mẹ là vợ chồng tôi mãn nguyện lắm rồi", ông Trúc nói.

Nhìn những tấm vạc giường vàng bóng, chúng tôi thật sự khâm phục đôi tay khéo léo của ông Trúc, khâm phục ý chí nghị lực của ông.

                                                                           Theo KTNT


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.467.106
Tổng truy cập: