NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Nghệ nhân bền bỉ nuôi nghề
(Ngày đăng: 27/12/2016   Lượt xem: 858)
Nghệ nhân bền bỉ nuôi nghề
Vào thời gian cực thịnh, Hà Nội có tới hơn 40 làng nghề thêu tay truyền thống. Đến nay vẫn còn 25 làng nghề thêu nổi tiếng, vẫn được nuôi bền bởi các nghệ nhân tài hoa. Nhờ niềm đam mê, sự gắng sức của họ trong quảng bá thương hiệu, truyền lửa, nhiều làng vẫn sống được với nghề.
 

Tự hào nghề cổ

Thường Tín và Phú Xuyên là 2 huyện được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam ghi nhận có nhiều làng nghề nhất cả nước. Trong đó nghề thêu tay truyền thống từng rất phát triển.

Đình Ngũ Xã (xã Quất Động, Thường Tín) và đền Tú Thị (thuộc phường Hàng Gai, Hoàn Kiếm) thờ tổ nghề thêu - cụ Lê Công Hành còn giữ lại những ghi chép cụ thể về sự hình thành và phát triển của nghề.

Cụ Lê Công Hành, sinh năm 1606 đã học được nghề thêu và truyền dạy cho người dân quê hương để phát triển kinh tế. Nghề tiếp tục được truyền dạy cho nhiều làng xã trong huyện, rồi lan sang huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa…

Riêng ở xã Quất Động, nơi sinh ra tổ nghề thêu Lê Công Hành, sau những năm đổi mới, nghề thêu ở xã Quất Động vẫn còn phát triển, thu nhập từ nghề chiếm tới 50% tổng thu nhập toàn xã.

Nhiều nghệ nhân ở Thường Tín cũng theo những thay đổi của thời cuộc, tứ tán nhiều nơi và mang theo nghề làm kế sinh nhai. Nghệ nhân Lê Chí Thành là một người như vậy. Cụ được triều đình nhà Nguyễn triệu vào để may trang phục hoàng triều và cùng một số nghệ nhân khác dạy cho nhiều học trò khác.

Con của cụ Thành là cụ Lê Văn Hời cũng là nghệ nhân có tiếng xứ Huế, và đến thời nghệ nhân Lê Văn Kinh (năm nay 86 tuổi) là thế hệ thứ ba làm nổi danh nghề thêu Quất Động ở xứ Huế.

Ông Lê Văn Kinh hiện có xưởng thêu ở số 82 Phan Đăng Lưu (TP Huế) vẫn tích cực truyền nghề. Ông tâm sự: “Nghề là cha ông truyền cho. Nhờ ân đức đời xưa mà có nghề văn hóa đáng trân trọng và tự hào như hôm nay”.

Là nghệ nhân gắn bó với quê hương nhiều năm, nghệ nhân Nguyễn Sự là người đi đầu về công tác truyền nghề. Ông cho biết, yêu nghề thì nghề không phụ.

Tự hào với nghề của cha ông, nên những người con của Quất Động phải giữ nghề. Bởi thế, cùng sự phát triển của làng nghề từ hàng trăm năm qua, nghề thêu đã phát triển ra nhiều xã khác và đến nay đã phát triển thành những doanh nghiệp, như xã Dũng Tiến, Lê Lợi, Nguyễn Trãi…

“Có những lúc do tác động của thị trường nên nghề trầm lắng. Những người sống bằng đường kim mũi chỉ như chúng tôi không thể lơ là, bỏ việc mà vẫn cần mẫn sản xuất.

Những nét tinh hoa càng phải được kết tinh nhiều hơn vào những sản phẩm, chờ thị trường phát triển. Nếu để hàng kém chất lượng thì khi khách đến, người ta quay đi ngay” - Nghệ nhân Nguyễn Sự nhấn mạnh.

Cách gì “nuôi nghề”?

Nuôi nghề và để nghề sống, theo các nghệ nhân, ngoài tâm huyết, tinh hoa được kết tinh cho mỗi bức tranh thêu, thì phải cố gắng tìm thị trường.

Nghệ nhân Mai Văn Hưởng ở thôn Từ Vân (xã Lê Lợi, Thường Tín) là một tấm gương mang nghề ra nước ngoài. Qua trò chuyện, ông Hưởng ngoài được học bài bản từ cha, các nghệ nhân trong vùng, lại được học thêm nghiệp vụ sư phạm, ông đã đi nhiều tỉnh Hải Dương, Hưng Yên dạy nghề.

Ông cho biết, để dòng tranh thêu phát triển thì bản thân “vùng sản xuất” phải lớn, đa dạng. Muốn vậy phải truyền dạy cho nhiều người cùng học, cùng làm để có thêm các sản phẩm đẹp, xuất khẩu ra nước ngoài chính là cách tạo dựng thương hiệu nghề thêu miền Bắc.

Quả nhiên, ông đã gây dựng nên thương hiệu thêu Bắc Vân của xã Lê Lợi, thu hút nhiều công nhân có tay nghề tham gia. Vào lúc cao điểm xưởng của ông có tới 700 công nhân, làm hàng xuất khẩu cho các nước Pháp, Nhật, Mỹ, Hà Lan…

Từ năm 2011 do những biến đổi của thị trường, khách đặt hàng giảm, làng nghề lâm vào tình cảnh khó khăn. Ngay cả với những nghệ nhân có tiếng, giàu kinh nghiệm, đã xây dựng được website để quảng bá sản phẩm cũng cảm thấy sự mai một rõ nét của nghề.

“Song nhiều hộ vẫn cố gắng duy trì các phòng giới thiệu sản phẩm trên các tuyến phố trung tâm Hà Nội. Nhiều khách ưa thích mặt hàng vẫn mua. Chúng tôi nuôi nghề bằng cách tiến từng bước vậy” - Ông Hưởng tâm sự.

Cũng phải nói đến một thực trạng là khó khăn đang tấn công vào các làng nghề thêu truyền thống. Trong gian khó, nhiều nghệ nhân cho công nhân nghỉ, không sản xuất.

Bản thân các gia đình trước đây từng rất nhộn nhịp thợ làm việc, thì nay trở nên im ắng. Nghệ nhân Nguyễn Sự bày tỏ: “Khó khăn trong tìm đầu ra cho sản phẩm nên nhiều người còn làm cho khỏi nhớ nghề.

Bản thân tôi và một số người có tiếng vẫn giữ được nhịp sản xuất. Chúng tôi đã mang lấy nghiệp cây kim sợi chỉ, thì vẫn phải kiên trì, cần mẫn. Không thể để nghề bị mất đi. Dù thế nào thì tranh thêu tay truyền thống vẫn có thể sống cùng cuộc sống hiện đại”.

                                                                                                 Theo: giaoducthoidai.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.498.156
Tổng truy cập: