NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Trở về
(Ngày đăng: 21/12/2016   Lượt xem: 444)

Bốp… bốp… Hai cái bạt tai khiến Hùng xiểng niểng. Tiếng Tâm như từng mũi dao len vào đầu: “Mày biết tao là ai không. Tao làm bao lâu nay, giờ mày mới tới mà đòi làm sếp hả?”. Hùng miệng nghẹn đắng, không phải vì sợ người đàn ông hung hăng trước mặt kia, mà vì chua chát: “Trời, tui muốn trở về, tui muốn kiếm tiền từ đôi bàn tay mình, tui muốn làm người tốt mà…”.

Hùng sầu

Trước mặt chúng tôi là Lê Thừa Hùng, 41 tuổi, người Quảng Trị. Hùng nhỏ thó, trên cơ thể có nhiều vết xăm trổ của một thời ngang dọc. Giọng Hùng nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát. Đặc biệt, đôi mắt Hùng buồn khi nhắc đến mẹ, đến gia đình:

- Anh không rõ cha mình là ai. Chỉ biết lên 3 tuổi, mẹ lấy chồng. Ông dượng đi biển. Mỗi lần lên bờ, ổng lại lôi mẹ ra đánh đập. Ổng sai anh đi khiêng cá. Miệng chửi, tay đánh, anh quen rồi. Anh chỉ nhớ là mình rất thích học chữ. Rảnh là chạy ra trường làng nghe lén thầy dạy chữ. Cái nghèo cứ đeo đẳng, tiền đâu để đi học? Nghe mang máng ba làm việc ở Chu Lai (Quảng Ngãi), 7 tuổi, anh nhảy xe đi tìm ba. Nhưng đến Huế thì dừng lại, kiếm sống bằng đủ việc, từ trông em, khiêng đồ đến chuyển hàng lậu. Tối về, anh chui vô cái ki-ốt bỏ hoang ngủ.

- Anh không nghĩ đến chuyện về nhà? Biết đâu sau một thời gian, dượng anh đã thay đổi, còn mẹ anh nữa?

- Anh về chứ, sau một năm lang bạt. Nhà vẫn vậy, dượng vẫn say xỉn, miệng chửi, tay đánh. Ổng còn gào lên: Sao mày không đi luôn đi, ở đây làm gì? Đồ không cha! Anh lại đi, trong lòng chỉ nghĩ, ray rứt và đầy thù hận: “Tại sao mình không được học hành, tại sao mình không có tình thương cha mẹ?”. Con người anh trở nên chai lì, không một chút lương thiện, chỉ muốn kiếm tiền và sống. Việc gì đến phải đến: phạm tội, vào trại cải huấn, vào nhà giam, rồi anh trốn trại vào TPHCM tìm đất sống.

Hùng về khu vực ngã tư An Sương theo băng nhóm bảo kê, đòi nợ mướn rồi nhờ lì đòn, liều mạng mà Hùng thành đại ca của nhóm. Dọc ngang nào biết trên đầu có ai, “tiền sự, tiền án dày hơn tiền mặt”, biệt danh Hùng “sầu” khiến ai nghe tên cũng run sợ. Lầm lì làm giang hồ một xứ, cho đến một ngày…

- Chú ơi, chú tha cho vợ chồng tui đi, có cái xe máy để chạy xe ôm, chú xiết nợ, vợ chồng tui sao mà sống đây.

- Tụi bay vô nhà đem hết đồ ra coi. Tivi, quạt máy, kể cả cái xe máy nữa.

Nhìn người phụ nữ bụng đã lùm lùm kéo tay, than khóc vang trời, Hùng cũng có chút mủi lòng, nhưng đã hứa đi xiết nợ giùm thì phải làm cho được để giữ chữ tín. Sợ công an tìm tới nên khi bị người phụ nữ ôm chặt chân, Hùng vung chân hất ra khiến người đó bay vào bậc thềm…

Vài ngày sau, hay tin người phụ nữ ấy bị xẩy thai sau cú hất của mình, Hùng lạnh người, cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng: “Mày làm gì vậy Hùng, người ta bụng mang dạ chửa. Mẹ cũng từng mang nặng đẻ đau mày mà…”. Chẳng hiểu sao, Hùng xìu hẳn, suốt ngày lầm lũi ở lì tại nhà, lao vào hút chích để quên hết. Công an từ Huế vào TPHCM tóm gọn Hùng theo lệnh truy nã, di lý ra Huế và Hùng “sầu” lãnh bản án 3 năm rưỡi tù giam…

Anh Lê Thừa Hùng tại xưởng điêu khắc.

Hùng hoàn lương

Trong tù, 10 phần thì Hùng tỉnh đến 8. Nghĩ đến cảnh đánh nhau giành giật địa bàn, cảnh làm một bà mẹ mất con và nhất là hình ảnh người mẹ nghèo ở quê, Hùng phải tỉnh. Trở về TPHCM, Hùng đi thăm em gái mới lập gia đình, cốt là để hỏi thăm tin về mẹ. “Vì anh mà mẹ khổ lắm, mẹ không dám nhìn ai…”, cô em gái báo tin. Hùng chỉ biết im lặng, nuốt sự hổ thẹn, nỗi đau vào trong. Cô em tiếp lời: “Anh nhớ đại ca Lê Lam không. Ổng quay đầu rồi đó, giờ nghe đâu chạy xe ôm ở Hóc Môn”. Hùng nhớ đại ca Lê Lam chứ, đó là người đầu tiên “dìu dắt” Hùng vào con đường tội lỗi.

Ngày nọ, Hùng nhờ đàn em chở đi kiếm Lê Lam và gặp ngay người đàn ông này đang đứng đón khách ở ngã tư Gò Dưa. Gặp Hùng “sầu”, Lê Lam mừng lắm, kéo Hùng đi làm vài chai, tâm sự: “Chú sao rồi?”. “Em chán cuộc sống này rồi”. “Sao lại chán, chú hoàn lương đi, như anh nè, rồi lấy vợ, có con...”.

Hùng nghe, ứa nước mắt, ước mơ gần mà sao xa quá. Rồi Hùng vào chùa, nghe kinh Phật để tịnh tâm và đặt mục tiêu làm lại cuộc đời. Hùng kiếm được căn phòng trọ nhỏ gần chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn), kêu thằng đàn em thân nhất mua ít vật dụng cá nhân, chủ yếu là mì tôm. Hùng bước vào căn phòng cho thuê, quay qua nói: “Giờ mày khóa cửa phòng rồi đi đi. Hai tuần sau quay lại. Tao chỉ bước ra khỏi đây khi đã trở lại thành người”. Hai tuần sau, Hùng đã tự cắt được cơn nghiện nhưng chưa hết hẳn. Non hai tuần nữa, Hùng cai hẳn, chỉ bằng mì gói, nước lã và quyết tâm đổi đời.

Thời gian đầu, Hùng làm phụ hồ để kiếm sống qua ngày. Khi rảnh, Hùng tìm đến mấy tiệm điêu khắc trên đường Cộng Hòa, quan sát rồi học lóm. Về nhà trọ, Hùng tập khắc nhiều thứ, những thứ mà cuộc đời Hùng thấy nhiều nhất - dao găm, súng, mã tấu, còng số 8… Rồi một xưởng điêu khắc gần đó tuyển nhân công. Hùng mạnh dạn ứng tuyển và được nhận vào làm. Thấy tay nghề Hùng khá tốt, đặc biệt khi đục đẽo mặt tượng Phật, nhìn rất thật, rất thần, ông chủ đưa Hùng lên làm kỹ thuật trưởng của xưởng. Tâm, kỹ thuật trưởng bị giáng xuống làm tổ trưởng…

Hùng “Tịnh Tín”

…Sau khi xáng cho Hùng hai cái bạt tai, Tâm còn hăm sẽ thuê giang hồ chém Hùng nhưng anh đâu có sợ. Quyết tâm làm lại cuộc đời còn lớn hơn nỗi sợ hãi đó. Ngày nọ, Tâm kêu Hùng ra quán nước trước xưởng “nói chuyện”. Hùng bình tĩnh đi ra, vừa nhác thấy anh, mấy “tên giang hồ” được Tâm nhờ đến đánh dằn mặt anh lao tới, ôm chầm, lắc lấy lắc để: “Anh Hai, anh Hai mạnh không, anh Hai ra hồi nào?”. “Ơ, thằng Dũng “đầu bò”, Sang “lầy”… đây mà”. Lần đó, Hùng vượt qua, nhờ lời cảnh báo của thằng đàn em năm xưa với Tâm: “Anh Hai tao mà trầy xước gì thì mày là đứa đầu tiên tao kiếm đó!”.

Trong câu chuyện với Dũng “đầu bò”, Sang “lầy”, Hùng chợt nảy ra ý định phải học cái nghề thật chắc rồi mở xưởng kéo mấy anh em giang hồ gác kiếm làm lại cuộc đời, cũng là nơi truyền nghề cho trẻ lang thang cơ nhỡ. Bởi nếu ngày xưa, Hùng được học hành, có nghề đàng hoàng thì đã không lạc bước.

Giữa năm 2005, với số vốn bốn mươi mấy triệu đồng tích cóp từ những năm làm thuê, Hùng thuê đất mở xưởng điêu khắc ở Hóc Môn chuyên gia công các loại tượng và vật dụng gia đình như bàn, ghế, tranh gỗ... Xưởng gỗ của anh có tên là Tịnh Tín. Đây là pháp danh của Lê Thừa Hùng khi quy y tại chùa Hoằng Pháp. Có lẽ, sư thầy cũng mong Hùng có một tương lai may mắn và thuận lợi khi đặt cho anh pháp danh này.

Hùng về Quảng Trị dẫn vô 6 thiếu niên cũng từng bụi đời, phạm pháp. Anh rà rà ở Hóc Môn tìm đám đệ tử năm xưa kéo về 6 người nữa. Một lần đi chơi, thấy ở gần đó có đám thanh niên choai choai, không ít trong đó đã từng phạm tội, trong đó có Thái, một thanh niên quê Bình Thuận. Hùng có cảm tình ngay khi nói chuyện: “Về ở với anh đi”. “Ở làm gì?”. “Lo gì, anh không bắt mày làm việc tầm bậy đâu”.

Trần Quốc Thái theo chân Hùng về xưởng, cùng ăn, cùng ở và học nghề từ “ông chủ”. Nay, hàng tháng Hùng trả cho Thái 12 triệu đồng đủ nuôi gia đình. Quan trọng hơn, Thái ở đây an toàn, giang hồ không dám tới rủ rê lôi kéo, nơi đây lại có những anh em khác, cũng như Thái, muốn làm lại cuộc đời.

Hùng còn nhận nuôi và dạy nghề miễn phí cho trẻ lang thang, những người nghiện ma túy và anh em giang hồ muốn hoàn lương. “176 đứa nhỏ đã đến ở đây, được anh giúp cai nghiện thành công, học lấy cái nghề để về quê mở xưởng. Giờ nhiều đứa có xưởng riêng, từ Bình Dương rải ra tới Huế đều có mấy đứa nhỏ của anh mở xưởng, làm ăn đủ sống và không đứa nào quay lại đường cũ. Tết giờ, nghe tin anh biết cai nghiện, có 6 đứa nhỏ tới, anh nhận luôn. Giờ tụi nhỏ cắt cơn rồi, ráng thêm thời gian nữa sẽ cách ly hẳn với ma túy”, Hùng hồ hởi.

Hùng đã không còn “sầu” nữa, Hùng đã hoàn lương, nay Hùng là Hùng “Tịnh Tín”, góp sức cùng xã hội đưa những đứa nhỏ từng lầm lỡ giống mình làm lại cuộc đời.

Cuộc đời đã mỉm cười với Hùng khi cho anh một người vợ hiền và một cậu con trai 4 tuổi. Hùng nói: “Cô ấy biết chuyện về tôi, hâm mộ quá trời, tới thăm, thăm hoài tới khi lòi ra thằng nhóc này luôn”. Căn nhà nhỏ ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn là nơi mà hai vợ chồng Hùng và người mẹ từng khổ sở vì anh đang sinh sống, luôn vui vẻ tiếng cười đùa. Hùng đã trở lại làm người…

                                                                                            Theo:  sggp.org.vn



Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.497.633
Tổng truy cập: