NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Lửa nghề vẫn cháy
(Ngày đăng: 23/03/2015   Lượt xem: 534)
Chị H'Yam Bkrông quyết tâm phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ê Đê.

Nặng lòng và tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê, chị H'Yam Bkrông ở buôn Tơng Ju, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột (Đác Lắc) trăn trở, mày mò tìm cách khôi phục và phát triển nghề. Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Tơng Bông do chị làm chủ nhiệm tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho hội viên. Chị còn mạnh dạn kinh doanh theo mô hình du lịch cộng đồng độc đáo, hấp dẫn du khách.

Chúng tôi thích thú khi đặt chân lên những bậc thang gỗ bước vào ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê mà chị H'Yam mới phục dựng gần hai năm trước.

Giữa những căn nhà được xây theo lối hiện đại đang dần thay thế những ngôi nhà dài trong buôn Tơng Ju, ngôi nhà của chị H'Yam trở thành điểm nhấn gợi lại không gian sinh hoạt quây quần của đại gia đình đồng bào dân tộc Ê Đê. Trong ngôi nhà, những khung dệt trở thành một trải nghiệm đối với du khách.

Chị H'Yam Bkrông tâm sự: Được sống trong không gian nghề dệt thổ cẩm, được mẹ truyền nghề, chị có thể tự tay làm những chiếc áo, chiếc váy từ khi còn nhỏ. Thấy con gái Ê Đê mới lớn bây giờ không biết cách dệt thổ cẩm, không biết làm những cái chăn, dệt cái áo trước khi lấy chồng, phụ nữ Ê Đê bây giờ không còn giữ được nghề của bà, của mẹ, chị thấy tiếc nuối khi những tấm thổ cẩm của người Ê Đê không còn hiện hữu trong cuộc sống. Là chi hội trưởng phụ nữ, khi hội viên tham gia các chương trình biểu diễn văn nghệ, chị thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm truyền thống bằng thổ cẩm rất lớn. Ngoài những lúc bận rộn mùa vụ, thời gian nông nhàn chị em hội viên lại thiếu việc. Chị nảy sinh ý tưởng thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm để chị em có cơ hội học và làm nghề.

Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, năm 2003, chị H'Yam Bkrông thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông với mong muốn khôi phục nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống của đồng bào Ê Đê. Chị cùng 10 xã viên góp mỗi người 100 nghìn đồng mời nghệ nhân về dạy nghề cho chị em. Hai, ba năm đầu là thời gian vô cùng khó khăn, chị em chưa thạo nghề, sản phẩm thiếu tinh tế, chưa bảo đảm tính mỹ thuật nên khó tiêu thụ. Năm 2005, chị mời giáo viên Trường cao đẳng nghề Thanh Niên dân tộc Tây Nguyên về dạy cho 30 hội viên, tay nghề chị em dần được nâng cao, kỹ năng dệt tinh xảo hơn. Chăn, ga, váy, áo... của hợp tác xã được giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm, trong quầy lưu niệm ở các khu du lịch. Dần dần, sản phẩm thổ cẩm của Hợp tác xã Tơng Bông được thị trường biết đến. Hợp tác xã bắt đầu có đơn đặt hàng, sản phẩm có đầu ra ổn định. Từ 10 hội viên, đến nay hợp tác xã đã có 43 hội viên và 60 hợp đồng làm theo mùa vụ, đời sống của xã viên được cải thiện, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Thổ cẩm của người Ê Đê có những đặc trưng riêng với nền vải mầu đen hoặc chàm sẫm. Nét độc đáo trong sản phẩm dệt thổ cẩm của người Ê Đê là bố cục hoa văn chặt chẽ dọc theo chiều dài tấm vải. Dải hoa văn được kết hợp giữa các mầu chủ đạo là đỏ, vàng.

Người dệt phải có ý tưởng ngay từ khi kết hợp sợi chỉ để tạo họa tiết hài hòa. Hoa văn truyền thống của người Ê Đê chủ yếu là cây cỏ, hoa lá, chim muông của núi rừng Tây Nguyên, hoa văn hạt mướp, hoa văn quả trám. Có những loại hoa văn mặc định với từng loại sản phẩm, trên áo truyền thống của nam giới là hoa văn con rồng, trên khố là hoa văn hạt mướp. Có những hoa văn cần kết hơn 30 sợi chỉ, vì vậy cần đảo chia chỉ phù hợp nếu không sẽ bị rối. Mỗi tấm vải thổ cẩm là một tác phẩm của bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của phụ nữ Ê Đê. Những bàn tay thoăn thoắt đưa thoi, luồn sợi nhịp nhàng dệt nên những tấm vải thổ cẩm để may những bộ váy áo mang đậm tính cách và văn hóa đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên. Ngoài các mặt hàng chính, chị em hội viên còn thiết kế những món quà lưu niệm nhỏ để du khách mua về làm quà như bao đựng điện thoại, ví đựng tiền, ba-lô... bằng chất liệu thổ cẩm hết sức độc đáo.

Với đầu óc nhạy bén của một người chịu quan sát, sau khi tham quan mô hình du lịch cộng đồng tại bản Lác, bản Áng và bản Pom Coọng của tỉnh Hòa Bình, chị H'Yam Bkrông nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch cũng như nhìn thấy những lợi thế tiềm năng về du lịch của buôn Tơng Ju. Năm 2013, Hợp tác xã Tơng Bông quyết định mở thêm loại hình kinh doanh du lịch cộng đồng, một mô hình mà du khách sinh hoạt cùng gia chủ, thưởng thức văn hóa cồng chiêng, văn nghệ, múa dân gian và ẩm thực.

Đối với du khách nước ngoài, được ngủ trong nhà dài, được tham gia một vài công đoạn trong quá trình dệt thổ cẩm, được thưởng thức hương vị riêng của ly cà-phê Buôn Ma Thuột, ăn bữa cơm cùng người bản địa với các món đặc sản như canh cà đắng, cá hấp măng, rau rừng, cơm lam, thịt nướng ống tre...

là những trải nghiệm khó quên.

Chưa kể những cảm giác khám phá khi làm nông dân, trực tiếp tham gia các công đoạn làm rẫy, cắt cành và thu hoạch cà-phê... Khi trở về, các du khách đều mang theo những món đồ lưu niệm được dệt thủ công tỉ mỉ của người Ê Đê.

Việc tiên phong kinh doanh loại hình du lịch cộng đồng của chị H'Yam Bkrông đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên của hợp tác xã, đồng thời khôi phục được nghề dệt thổ cẩm truyền thống, khơi lại đam mê nghề dệt thổ cẩm. Với những thành tích xuất sắc trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, chị được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tặng giải thưởng Cúp vàng "Hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng" vào năm 2012, và nhận Huân chương Lao động hạng ba vào năm 2013.

                                                                  Theo : nhandan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.501.133
Tổng truy cập: