NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Gặp hậu duệ ông tổ làng nhiếp ảnh
(Ngày đăng: 27/05/2014   Lượt xem: 439)

 Gần 20 năm qua, mỗi khi ngắm những tấm ảnh, tập sách ghi chép thành tựu vẻ vang của làng ảnh Việt Nam, cụ Nguyễn Văn Tích, hậu duệ đời thứ ba của cụ Khánh Ký, ông tổ làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, xã Kim Chung (Hoài Đức - Hà Nội) không khỏi mủi lòng.

Cụ bảo: “Làng tôi trước kia nổi tiếng lắm, không chỉ ở trong nước mà còn cả châu Á, châu Âu, giờ thì...”. Cụ Tích bỏ lửng câu nói, nén tiếng thở dài.

Gặp hậu duệ ông tổ làng nhiếp ảnh: Nguyễn Văn Tích
Gặp hậu duệ ông tổ làng nhiếp ảnh: Nguyễn Văn Tích.

Nghề xưa

Cụ Tích năm nay 90 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, đôi mắt tinh anh. Mỗi khi ngồi kể chuyện cụ lại vuốt bộ râu của mình, trầm tư suy ngẫm về những kỷ niệm đẹp thuở xưa.

Cụ bảo: “Mười tám tuổi tôi đã xuống Quảng Ninh học nghề. Tuy làng tôi làm nghề nhiếp ảnh, cụ Khánh Ký, ông tổ làng nghề là ông nội tôi nhưng bố mẹ tôi bảo, trước hết phải học được kinh nghiệm từ bên ngoài rồi mới về học nhà. Thế là tôi xuống Quảng Ninh học ba năm, rồi lên Hà Nội học nghề ảnh tại hiệu Du Chương trên phố Hàng Bồ”.

Trước kia, làng Lai Xá nổi tiếng lắm. Mọi người tản xứ khắp nơi để mở hiệu ảnh. Ở Hà Nội có hiệu Cảm Hiếu Đường; Sài Gòn, Hải Phòng, Quảng Ninh,... đều có hiệu ảnh của người Lai Xá. Ở Pháp, năm 1912 thì có hiệu Toulouse. Những năm tiếp theo, nhiều hiệu ảnh lần lượt có mặt tại Frankfurt (Đức), Quảng Châu (Trung Quốc).

Nghề ảnh thời kỳ đó đắt như tôm tươi. Người tỉnh khác cứ kéo lũ lượt đến thuê chụp đám cưới. Thế mà thanh niên không chịu ở nhà, họ cứ ngao du khắp nơi kiếm sống. Có người vào miền Nam, rồi đi dọc các tỉnh miền Tây, sang cả Campuchia, Lào. Người có trình độ kiến thức thì sang châu Âu. Đi đến đâu, nếu ai hỏi: “Anh là ai?”, mọi người đều nói: “Tôi là thợ chụp ảnh Lai Xá”. Có lẽ vì thế mà tên tuổi của làng nghề đi theo từng bước chân của người thợ ảnh.

Có người vì muốn có tấm ảnh tập thể gia đình ngày xuân mà họ đi từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương lên để nhờ chụp. Có người còn hẹn trước nửa năm. Nhiều người mang theo một mâm cỗ, trên là con gà trống, xung quanh là xôi đậu, kèm theo một chai rượu trắng.

Cụ Tích nhớ lại, ngày đó để có một chiếc máy ảnh khó lắm. Phải có người quen bên nước ngoài mới mua được. Nhưng làng cụ nhà nào cũng có vài ba cái máy ảnh để trong tủ.

Bố cụ thường sang Trung Quốc nên cũng kiếm được vài loại cổ như: ReticallC, PraktinallA, Canon, Rolleiflex, Zeiss Ikon, Pentat. Cụ Tích nhớ mãi, hồi đó ở làng chỉ cụ Hòa là có chiếc máy ảnh to như cái ti vi 19inch, có 3 cái chân cao ngang ngực. Mỗi khi chụp thì phát ra tiếng kêu như người nổ súng, khói đen nhẻm. Gần 55 năm cụ Tích kiếm sống bằng nghề chụp ảnh, ngày đó miễn có trên tay chiếc máy ảnh là cụ không sợ chết đói. Cụ lặn lội gần chục năm trời ở đất Quảng Ninh, chụp ảnh cho các phu làm than để họ nhận dạng, giống như ảnh thẻ bây giờ.

Cũng vì nghề chụp ảnh mà nhiều người dân Lai Xá xây được nhà lớn, mua xe đạp, xe máy, cái tủ, ti vi. Hồi nghề ảnh còn hưng thịnh, nhiều người ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An tìm về Lai Xá, họ mang theo gạo, tiền đưa con cháu đến làng để học nghề nhằm kiếm kế sinh nhai...

Chỉ còn hoài niệm

Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, cụ Tích lại rười rượi buồn. Cụ bảo, ngày xưa là vậy, giờ nghề ảnh chỉ còn là hoài niệm đẹp của làng Lai Xá. Chục năm gần đây, trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều loại máy ảnh mới ra đời. Ngay cả một số loại điện thoại cũng chụp ảnh được nên nhu cầu người cần chụp ảnh không nhiều.

Giờ không có khách, nghề chụp ảnh trở nên ế ẩm. Một số người muốn giữ nghề thì thành lập các trung tâm ảnh viện áo cưới. Số còn lại hầu như bỏ nghề. Phần lớn thanh niên đều học ngành nghề nào đó phù hợp với thời đại, hoặc đi làm thuê kiếm sống. Những loại máy ảnh cổ không còn hợp thời, nhiều cái hư hỏng, những chiếc còn lành lặn họ cũng bán hết cho những người thích sưu tầm đồ cổ.

Cụ Tích nhìn tôi bảo: “Rất buồn cháu ạ! Tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo thôi”. Dừng lại một chút, cụ bảo: “Thôi thì thế thời, thời phải thế, biết làm sao được”.

                                                                                                                     Theo: Kinh tế nông thôn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.501.853
Tổng truy cập: