TỔ NGHỀ
Nghề Trống Làng Đức Hậu
(Ngày đăng: 29/07/2011   Lượt xem: 1830)

      lang trong634478906242187500.jpg

Một buổi chiều đầu năm, bên bát nước chè đặc quánh bốc hơi nghi ngút ông Nguyễn Văn Duệ người làm trống lâu nắm nhất của làng Đức Hậu hiện nay kể: “Không biết chính xác nghề làm trống của làng khởi phát từ khi nào, chỉ biết đến đời tui là đời thứ 6.

Tui lớn lên trong tiếng tùng cắc thử trống vang lên khắp làng hàng ngày như ngấm vào máu thịt. Những người thợ làm trống thời ông Duệ bắt đầu học nghề từ năm 12, 13 tuổi và nếu chịu khó thì 3-4 năm sau họ có thể trở thành những người thợ lành nghề.

   Một nghề công phu

Để làm một chiếc trống có được tiếng trống ấm, vang xa lại vừa bền, đẹp đòi hỏi người thợ làm trống phải có tính tỉ mỉ, kiên trì và cả khả năng thẩm âm tốt . Một chiếc trống tốt phụ thuộc vào hai yêu tố cơ bản là da bịt trống và gỗ làm tang tức thân trống, chọn da làm mặt trống đến việc bưng trống. Gỗ làm tang trống phải là phần lõi của cây mít già từ 30 tuổi trở lên vì loại gỗ này có đặc tính nhẹ, xoắn thớ nên khi đóng đinh không bị nứt. Ngoài ra, gỗ mít ít co dãn và đàn hồi nên tang trống giữ được hình dáng nguyên vẹn theo thời gian. Đặc biệt, gỗ mít có tuổi đời càng cao thì âm thanh của trống cành đanh, vang và có hồn. Khi đã chọn được gỗ ưng ý, người thợ xẻ thành những thớt gỗ lớn có độ dày phù hợp sau đó tiếp tục cắt thành từng miếng nhỏ hơn, hơ trên than lửa, uốn cong để tạo thành dăm làm tang trống. Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu năm, cũng như chọn độ cong và độ dẻo của dăm để khi khép tang trống không bị vênh. Những miếng dăm trống khi ghép với nhau được mài nhẵn và vừa khít không một kẽ hở.

Một công đoạn phức tạp và công phu khác là chọn da làm trống. Để làm được chiếc trống đảm bảo tiếng kêu tốt và độ bền cao phải chọn cho được phần da đẹp nhất của trâu hoặc bò cái già mới làm thịt, đem làm sạch lông, ngâm nước, khử mùi, chống thối để ráo rồi đem bào. Khi bào da cũng phải chú ý không để da quá dày vì tiếng trống sẽ bì bì, ngược lại nếu da mỏng thì trống sẽ mau thủng. Sau khi bào xong đem da ra phơi khô dưới nắng. Một tấm da trống được coi là đạt yêu cầu có độ dày sau khi phơi xong căng hết cỡ là 2mm.

Công đoạn cuối cùng là bưng trống. Da được quây tròn, căng hết cỡ trên mặt trống rồi đóng cố định vào tang trống bằng đinh chốt được làm từ vầy hoặc tre già. Công đoạn này cũng đòi hỏi phải khéo léo, kiên trì bởi da có căng đều thì mặt trống mới tròn, tiếng trống mới giòn vang . Sau khi bưng trống xong, người ta dùng lá trầu, rễ chay và vôi giã lẫn với nhau, lấy nước quét lên tang trống để gỗ có màu nâu bóng, đẹp và bền hơn. Ngoài ra, tuỳ theo yêu cầu của khách đặt trống người thợ có thể sơn, vẽ hoa văn để trống thêm phần bắt mắt và độc đáo. Trừ việc xẻ gỗ, còn lại các thao tác đều được người làng Đức Hậu làm bằng tay nên một chiếc trống hai người tập trung tinh thần, sức lực để làm cũng phải mất 2-3 ngày.

 

   Giữ tiếng cho làng trống

Với tay nghề lâu năm của mình, các thợ làm trống Đức Hậu có thể làm được nhiều loại trống khác nhau theo kích cỡ, từ loại trống Trung thu có tay cầm dành cho trẻ em cho đến trống dơn, trống cà rong, trống trung, trống đại nhưng phổ biến vẫn là trống trung được dùng trong  các trường học, nhà thờ có đường kính mặt trống từ 40-45cm, chiều cao từ 60-65cm. Ngoài ra làng Đức Hậu còn nhận làm các loại trống đặc biệt như trống có hình lục giác, bát giác cho các đoàn ca nhạc của Nghệ An, Hà Tĩnh. Đặc biệt, có hai chiếc trống tốn nhiều công sức nhất mà các thợ làm trống Đức Hậu đã làm có giá trị đến chục triệu đồng và đến nay tiếng vẫn còn tốt. 

Tháng 10 âm lịch đến ra giêng là khoảng thời gian bận rộn nhất của những người thợ làm trống. Thời gian này mỗi nhà có thể làm được từ 10-15 chiếc trống cho thu nhập từ 3-4 triệu đồng. Còn những tháng bình thường một hộ làm từ 6-7 chiếc thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Nghề làm trống cho thu nhập khá ổn định nhưng đến nay, nó vẫn là nghề phụ trong làng và đang dần mai một . Thời cực thịnh của làng trống Đức Hậu là những năm 1980, khi có 40 nhà làm trống. Nhưng đến nay chỉ còn gần 20 nhà. Bên cạnh đó gỗ mít tốt để làm trống ngày càng hiếm và đắt. Tuy vậy những người làm thợ làm trống vẫn một lòng gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của làng. Cuộc sống nông thôn có nhiều lam lũ và vất vả nhưng với những người thợ còn trụ lại với nghề làm trống thì dường như niềm đam mê với những tiếng tùng cắc chưa bao giờ cạn.

 

                                                                                                                                                                           (agroviet.gov.vn)

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
72.472.044
Tổng truy cập: