Làng Trạch Xá, tên Nôm là Trầm Che, đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Trầm Lộng, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng; đầu thế kỷ XX thuộc tổng Trầm Lộng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông; nay là thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội. Ngôi làng này cách trung tâm Hà Nội khoảng 45km.
Ngôi làng với 90% người dân sinh sống bằng nghề may áo dài truyền thống, làng Trạch Xá hàng nghìn năm luôn tự hào vì đã từng may áo cho vua quan thời nhà Nguyễn. 90% các công đoạn của việc may áo dài được làm thủ công với các đường kim, mũi chỉ tỉ mỉ, thẳng tắp tạo nên những chiếc áo dài mềm mại, thướt tha, khoe được các nét duyên dáng, quyến rũ của người phụ nữ Việt Nam.
Người dân Trạch Xá kể lại rằng bà Tổ nghề may của làng là bà Nguyễn Thị Sen. Gia đình bà có nghề tầm tang canh cửi. Vào tuổi trăng tròn bà là người con gái xinh đẹp, nết na, đảm đang, giỏi giang việc trồng dâu, dệt vải, may mặc, thêu thùa.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan 12 sứ quân là lên làm vua, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, mở ra triều Đinh trong lịch sử đất nước. Vùng đất Sơn Nam nổi tiếng có nhiều người giỏi, Đinh Tiên Hoàng đã đến đây chiêu mộ hào kiệt và bà Nguyễn Thị Sen đã trở thành thứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng. Trở về kinh đô Hoa Lư, bà được vua phong là Tứ Phi (năm 969).
Với trí thông minh, sự khéo léo và sáng tạo, bà đã làm nên các mẫu quần áo của hoàng đế, cung phi, hoàng thân, quốc thích... Bà dạy các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ phát triển nghề may trong cung.
Năm 979, bà Tứ phi Nguyễn Thị Sen đã đưa các con từ giã hoàng cung về Trạch Xá sau khi Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễu bị sát hại. Bà truyền dạy nghề may cho nhân dân trong làng, để rồi nghề may được cha truyền con nối, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau và trở thành nghề truyền thống của làng. Ngày 12 tháng Chạp cũng là ngày mất của bà được lấy làm ngày giỗ tổ nghề nghề may Việt Nam và ngày 4 tháng Giêng là ngày khai kim, khai kéo, để các con cháu đi làm ăn ở nơi xa.
Hàng năm, đến ngày 4 tháng Giêng, những người làm nghề may mặc, thiết kế thời trang, cổ phục… lại nô nức kéo về làng Trạch Xá để dự lễ khai kim khai kéo đầu năm, dâng hương giỗ Tổ nghề
Từ truyền thống này, hàng năm, đến ngày 4 tháng Giêng, những người làm nghề may mặc, thiết kế thời trang, cổ phục… lại nô nức kéo về làng Trạch Xá để dự lễ khai kim khai kéo đầu năm, dâng hương giỗ Tổ nghề. Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi lễ trang trọng và nhiều hoạt động giao lưu, vui chơi dân gian truyền thống được tổ chức. Đây cũng là thời khắc để người trong giới ngồi lại với nhau, khơi gợi nét đẹp của văn hóa và cùng tìm kiếm giải pháp mới để thời trang thêm phát triển.
Nhân dịp này, NTK Hoàng Ly cùng CLV Văn hóa Áo dài Việt Nam đã đến làng nghề Trạch Xá để tham dự lễ khai kim khai kéo tại đền thờ Thánh sư tổ nghề may Việt Nam. Lần đầu tiên sự kiện này, NTK Hoàng Ly – Chủ tịch CLB Văn hóa Áo dài Việt Nam vô cùng xúc động và tự hào. Chị chia sẻ: "Giỗ Tổ nghề may là dịp để mọi người cùng nhớ về người đã có công tạo lập và phát triển nghề may mặc ở Trạch Xá, cũng là ngày để những người làm nghề thời trang thể hiện lòng thành kính biết ơn, trau dồi thêm tình yêu và tâm huyết để gìn giữ phát triển nghề.
Ngoài dâng hương giỗ Tổ, chúng tôi còn được tìm hiểu thêm những nét văn hóa truyền thống hiếm có của cha ông. Biết ơn Tổ nghề đã đưa tôi đến với nghề thiết kế thời trang, thiết kế áo dài để tôi được góp phần gìn giữ, quảng bá tà áo dài truyền thống của VN đến với bạn bè trong nước cũng như quốc tế. Bên cạnh đó, buổi lễ còn là dịp để CLB Văn hóa Áo dài Việt Nam giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với mong muốn tạo nên môi trường đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển".
NTK Hoàng Ly thực hiện nghi thức khai kim khai kéo đầu năm
Buổi lễ còn là dịp để các NTK thời trang giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với mong muốn tạo nên môi trường đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.