TỔ NGHỀ
Doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ xoay xở tồn tại
(Ngày đăng: 09/09/2012   Lượt xem: 1606)
Nhiều doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ đang lao đao do nhu cầu từ thị trường truyền thống như Mỹ, EU suy giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào điện, xăng dầu, nguyên vật liệu, nhân công… tăng nhanh.

Khách hàng truyền thống “biến mất”

Ông Lê Phúc Thịnh, Giám đốc Công ty Saigon Palm có hơn 10 năm hoạt động trong ngành, kể nhiều cơ sở làm hàng thủ công mỹ nghệ ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai hiện đang trong tình trạng sản xuất cầm chừng.

Đó là hiện trạng chung của các doanh nghiệp làm hàng thủ công mỹ nghệ khi các khách hàng truyền thống ở các thị trường lớn quay lưng.

Ở thị trường Mỹ, cước tàu biển từ tháng 7 tăng vọt khiến khách hàng hủy ngang đơn hàng. Ông Thịnh cho hay có những khách ở Mỹ vốn rất thân thiết từ bao nhiêu năm qua, bên bán phải mất bao công sức để thuyết phục chấp nhận khách hàng cho tăng giá bán, chưa xong lại bị khách viện lý do cước tàu tăng, phải giảm giá bán 3%.

“Vừa chấp nhận giảm giá bán 3% để làm đẹp lòng khách hàng thì cước tàu lại tăng tiếp, khách hủy luôn đơn hàng”, ông nói.

Ở thị trường EU, suy thoái kinh tế khiến sức mua của khách hàng đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có sản phẩm trang trí nội ngoại thất bằng mây tre lá, giảm theo.

Theo ông Thịnh, đa số khách hàng là các đại lý phân phối, bán lẻ, yêu cầu bên bán phải chốt giá từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, hàng loạt chi phí đầu vào như điện nước xăng dầu, chi phí vận tải, bốc xếp container ở trong nước đều tăng.

“Thương lượng được với khách hàng tăng giá bán 3% trong khi chi phí đầu vào của doanh nghiệp thì cứ tăng từ 5-10%”, ông nói.

Theo ông Nguyễn Hoàng Tân, Giám đốc Công ty Ánh Tân Cương, lượng hàng bán cho khách hàng EU giảm hẳn, chỉ còn một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho hay đợt vừa qua có thăm hỏi một số doanh nghiệp trong ngành, thấy chỉ có một số doanh nghiệp có hợp đồng khả quan, trong khi phần đông doanh nghiệp lại đang lao đao.

Trông cậy vào khách hàng vãng lai

Hiện nay đa số các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đều phụ thuộc vào khách hàng vãng lai trong khi khách hàng truyền thống đến từ các thị trường chính như EU, Mỹ hầu như “biến mất”.

Ông Thịnh cho hay đang làm đơn hàng cho khách vãng lai đến từ Israel hay các nước châu Mỹ như Costa Rica, El Salvador. Đây là những khách hàng có công trình xây dựng là resort, khu nghỉ dưỡng, chỉ có nhu cầu nhập khẩu một vài container hàng hóa để trang trí cho công trình, do vậy họ sẽ không quay lại như các khách hàng truyền thống.

Lợi thế gần như duy nhất của các doanh nghiệp khi làm hàng cho các đối tượng khách này là giá bán khá cao, do họ là các khách hàng cuối cùng trong chuỗi sản xuất.

Đơn hàng giảm mạnh, công nhân không có việc làm cũng từ từ rời bỏ cơ sở để về quê hoặc tìm vào làm công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Ông Thịnh vừa cho công nhân nghỉ việc hôm nay lại lo đến chuyện ngày mai, khi đơn hàng quay lại thì thiếu hụt nhân công, lỡ cơ hội làm ăn.

“Chúng tôi đành chịu, vì đặc trưng ngành này là như thế từ bao năm nay. Vì ngành xuất khẩu đương nhiên phải phụ thuộc vào tình hình kinh tế của các thị trường tiêu thụ”, ông nói.

Còn đối với Công ty Ánh Tân Cương, ông Tân cho hay: “Trong khi thị trường chủ lực của các năm trước là châu Âu sụt giảm thì các thị trường như Nam Phi, Hàn Quốc, Canada lại tăng trưởng, bù đắp vào phần sụt giảm của thị trường EU”.

Ông Tân cho biết đưa thêm vào nhiều thiết kế mới theo yêu cầu của các thị trường, dựa trên 2 dòng sản phẩm chủ lực là vật liệu tự nhiên như lục bình, mây tre và vật liệu nhân tạo bằng nhựa. Ngoài việc tăng cường đội ngũ thiết kế ông Tân còn đầu tư studio để làm catalogue mẫu mới cho khách. Tham gia Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ (EXPO 2012), ông cho hay sẽ tung ra những thiết kế mới nhất trong năm nay cho 8 gian trưng bày của mình.

“Thị trường trở nên khắc nghiệt thì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng và mẫu mã”, ông nói.

Còn ông Trần Ngô Khánh Thạnh, Giám đốc Công ty Tre Làng, chuyên thiết kế, gia công sản xuất xuất khẩu sản phẩm nội ngoại thất từ tre, nứa… cho biết đã nâng phân khúc sản phẩm từ thấp – trung bình đến cao cấp để phục vụ cho những khách hàng có thu nhập cao, ít chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Ông Thạnh cho biết ông chấp nhận sản xuất số lượng nhỏ, trung bình mỗi tháng xuất khẩu khoảng 5 – 6 container hàng nhưng có giá trị tương đối cao so với mặt bằng chung.

“Thời gian này chúng tôi ít đầu tư vào khâu marketing để tập trung vào khâu sản xuất, hoàn thiện sản phẩm”, ông chia sẻ.

                                                                                                    Theo Phạm Thái -  TBKTSG


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.468.977
Tổng truy cập: