LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Xưởng đàn ghi-ta gia truyền giữa lòng thành phố
(Ngày đăng: 14/06/2013   Lượt xem: 611)

Ông Ba Ðờn kiểm tra một công đoạn làm ghi-ta.

Ði dọc theo đường Ðoàn Văn Bơ (quận 4), điều dễ nhận thấy là hình ảnh những thùng đàn ghi-ta được chất cao ngất  trước  hiên nhà. Ðó là xưởng đàn Ba Ðờn, một trong những xưởng đàn của gia đình theo nghề truyền thống gần một thế kỷ nay, còn sót lại.

Chúng tôi đến xưởng đàn ghi-ta Ba Ðờn vào một buổi chiều. Anh Nguyễn Văn Trang, chủ xưởng đàn dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh xưởng. Không khí vui tươi, khẩn trương làm việc của các "nghệ nhân" là điều cảm nhận đầu tiên ở xưởng. Mỗi người một công đoạn, người thì cưa ván, người thì bào, người thì tỉ mẩn từng chi tiết một để khoét khung vỏ. Ai nấy đều khẩn trương cố gắng hoàn thành công việc của mình để ghép lại thành một chiếc đàn thật ưng ý. Ðôi tay của những người thợ trẻ nhanh nhẹn, khéo léo dùng dây cột lại từng thùng đàn để cuối cùng một chiếc đàn được hoàn tất. Ở cuối góc xưởng, anh Văn Bình, thương binh hạng 3/8 chăm chỉ đục, khoét nắn nót từng chi tiết nhỏ nhất sao cho khuôn đàn thật đẹp, thật ưng ý, chuẩn xác từng chi tiết nhỏ nhất để khi ghép không bị lỗi. Anh Bình cho biết, khuôn đàn này đang thực hiện theo ý muốn của một khách hàng ở Hà Nội. Khách hàng đó là một người am hiểu về đàn và rất kỹ tính nên tôi phải làm tỉ mỉ từng chi tiết để giữ uy tín của mình và của cả xưởng đàn. Tìm hiểu thêm tôi được biết, nhà anh Bình có hai người đi làm đàn thuê, người anh đang làm một xưởng đàn khác cũng ở quận 4, riêng anh thì làm tại xưởng đàn Ba Ðờn đã được mười năm. Công việc của anh là phụ trách khâu đục khuôn và ghép mặt đàn. Lương tháng tuy không cao nhưng cũng đủ chi phí sinh hoạt trong gia đình. Hơn nữa, công việc như là cái nghiệp của anh bởi càng làm đàn anh càng thấy mê và muốn tạo ra những chiếc đàn tốt nhất.  Còn Hồng Phúc Ðạt, 22 tuổi, là thợ chuyên phụ trách bào dăm cưa (khung vỏ) và cột từng thùng đàn lại. Tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng kỹ năng nghề nghiệp của Ðạt không hề thua bất cứ người thợ nào trong xưởng đàn. Trải qua gần ba năm làm việc tại xưởng, Ðạt chăm chỉ vừa học vừa làm, đến nay đã trở thành một tay bào dăm cưa tay nghề cao của xưởng.

Gia đình ông Ba Ðờn có ba đời theo nghề làm đàn. Anh Nguyễn Văn Trang, chủ cơ sở là đời thứ ba trong đại gia đình theo nghề. Anh Trang cho biết, quê gốc anh ở Bến Tre, ba của anh là nghệ nhân Ba Ðờn lên thành phố lập nghiệp và gia nhập làng nghề từ những năm 60 của thế kỷ trước. Hiện nay bảy người con của ông Ba Ðờn đều theo nghề gia truyền này. Riêng anh Trang theo nghề của gia đình từ năm 12 tuổi, đến nay anh đã trở thành thợ lành nghề. Tại cơ sở ở 84/22 đường Ðoàn Văn Bơ,  quận 4 do anh làm chủ có diện tích chừng 50 m2 với hơn 20 người thợ làm việc thường xuyên. Theo anh Trang, nguyên liệu làm đàn gồm nhiều loại gỗ khác nhau. Mỗi loại gỗ sử dụng cho một bộ phận khác nhau của cây đàn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là hai loại gỗ thông và hồng đào dùng để làm mặt trước, sau và hông đàn. Ðối với những cây đàn đắt tiền, có khi gỗ được nhập từ nước ngoài về. Còn quá trình để sản xuất ra một chiếc đàn gồm có các công đoạn: đóng hông, vỏ mặt (trước và sau), dán chỉ viền, ráp cần, dán ngựa, dán chỉ trong,... và khâu cuối cùng là  sơn và ráp trục, đóng phím rồi  cạo sạch sẽ cho ra thành phẩm 1/1. Sau đó sơn lại, đánh véc-ni vào dây đàn; đóng khóa rồi chỉnh âm thanh và xuất xưởng. Sau khi dán xong một bộ phận nào thì phải dùng dây buộc lại, phơi nắng chờ keo khô rồi mới tiếp tục công đoạn khác. Trong các công đoạn trên, khó nhất và quan trọng nhất là khâu đóng thùng đàn. Một chiếc đàn khi hoàn chỉnh, tốt hay xấu, giá cao hay thấp đều phụ thuộc vào âm thanh nhưng âm thanh có được tốt hay không là do thùng đàn. Vì thế, thợ đóng thùng đàn phải là người có tay nghề giỏi nhất, khéo tay nhất của xưởng. Giá mỗi cây đàn chênh lệch rất lớn tùy thuộc vào chất liệu gỗ. Bình quân mỗi chiếc có giá từ  300 nghìn đến 2 triệu đồng. Anh Trang cho biết thêm, trong các công đoạn sản xuất, trừ khâu làm cần và sơn là có sử dụng máy móc, còn tất cả các công đoạn khác đều làm bằng tay và đòi hỏi độ chính xác rất cao, nếu không đàn rất dễ bị lỗi khi ghép lại.

Hiện một tháng, xưởng đàn của anh Trang xuất xưởng khoảng 200 chiếc đàn, phục vụ người mê ngón đờn tứ phương. Theo anh Trang, hiện nay những cơ sở sản xuất đàn nhỏ lẻ kiểu gia đình truyền thống như gia đình anh ở Sài Gòn không còn nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những năm trước số người theo nghề khá đông, nhưng thu nhập chưa thể đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống trong giai đoạn nền kinh tế đang khó khăn cho nên nhiều gia đình đã phá xưởng và tìm cho mình nghề mới.

Ðó là điều rất đáng tiếc.

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền cùng các tổ chức nên chăng có sự hỗ trợ hay giúp đỡ các xưởng đàn gia truyền để nghề truyền thống này không ngày càng bị mai một.

                                                                                               Theo: Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.516.215
Tổng truy cập: