Tỉ mỉ, kỳ công
Những ngày cuối tháng 3/2024, thời tiết bắt đầu nắng nóng. Ở làng Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội, nhiệt độ như tăng thêm bởi những bếp rèn đỏ lửa cùng tiếng đao, tiếng búa chan chát…
Làng Đa Sỹ được mệnh danh là "đệ nhất dao kéo miền Bắc" với tuổi đời hàng trăm năm. Sản phẩm rèn của làng nghề này phong phú về chủng loại, kiểu dáng, nổi tiếng bởi độ bền, sắc, cứng hơn bất cứ sản phẩm nào trong vùng.
Không chỉ nổi danh bởi sản phẩm rèn, ở Đa Sỹ còn nổi tiếng bởi câu chuyện những người phụ nữ giỏi nghề. Nghề này vốn nặng nhọc, thường dành cho những người đàn ông to khỏe nhưng tại Đa Sỹ, những người phụ nữ đang góp phần giữ lửa nghề không thua kém gì đàn ông.
Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ đang cố gắng giữ vững nghề rèn truyền thống bằng cách phối hợp với các ban ngành liên quan mở các lớp dạy nghề hằng năm để truyền dạy, bồi dưỡng tay nghề cho thế hệ trẻ; tổ chức các cuộc họp tuyên truyền người dân cố gắng duy trì chất lượng sản phẩm, bảo vệ uy tín làng nghề.
Nghệ nhân Đinh Công Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ
Là người phụ nữ đầu tiên được phong nghệ nhân làng rèn, người ta luôn thấy bà Đỗ Thị Tuyến (SN 1964, trú tại tổ 2) xỏ ủng, đeo găng tay dày, trùm kín người bằng mũ vải, thoăn thoắt dùng búa để rèn dao. Vừa làm, bà vừa kể, để làm ra một sản phẩm dao kéo đạt độ tinh xảo, bền chắc, mọi công đoạn đều phải tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao. Nếu nung phôi dao quá lửa thì dao dễ bị mẻ, giòn vỡ. Quá trình rèn, quan trọng nhất là tôi thép và làm nguội.
Đầu tiên, người thợ sẽ cắt các bản sắt thành hình dạng của sản phẩm, công đoạn này gọi là cắt phôi. Sau đó cho lên lò nung với nhiệt độ phù hợp. Tùy vào từng loại thép và sản phẩm tạo ra dày hay mỏng, thời gian nung sẽ khác nhau. Khi phôi thép nung chuyển sang màu đỏ trắng là đến lúc đặt lên đe để quai búa. Cuối cùng là đánh bóng, mài nước hay tra cán.
Nghề cực nhọc
"Một số phụ nữ ở các lò khác là chỉ phụ cho nam giới làm, nhưng tôi làm từ lúc đầu đến lúc hoàn thành một sản phẩm. Làm mãi thành quen, tôi không thấy nặng nhọc quá. Tôi gắn bó bởi yêu nghề, muốn giữ nghề truyền thống của gia đình", bà Tuyến bộc bạch.
Năm 14 tuổi, bà Tuyến đã vào lò, phụ giúp cha mẹ rèn dao bán lấy tiền ăn học. Khi lấy chồng vào năm 19 tuổi, chồng giỏi nghề rèn, bà tiếp tục được chồng chỉ dạy làm thêm dao chặt, dao làm thịt lợn. Năm 2006, chồng bà chuyển nghề khác nên bà một mình làm chủ lò.
"Hiện sản phẩm tôi làm thường là hàng đặt. Giá dao chặt thường bán giá dao động khoảng 300 nghìn đồng, với dao khác thì khoảng 200 nghìn đồng", bà Tuyến cho biết.
Yêu nghề, nhưng bà Tuyến thừa nhận, đây là nghề cực nhọc, phụ nữ gắn với nghề này chịu nhiều thiệt thòi, lúc nào cũng phải làm việc trong môi trường hơi nóng hừng hực.
"Tôi lúc nào cũng phải mặc những bộ quần áo cũ nhất, đeo khẩu trang, găng tay, đi tất kín mít người. Hai tai lúc nào cũng nhét kín bông để ngăn tiếng chát chúa từ máy móc, tiếng búa nện suốt ngày. Bàn tay thì to, thô ráp vì công việc. Cả đời chẳng màng trang điểm, thậm chí việc thả tóc ra cũng hiếm hoi", bà Tuyến chia sẻ.
Người làm nghề rèn vất vả nhất vào những ngày hè nóng nực. Nhưng mùa đông có xuống 8 độ vẫn phải bật quạt để át bụi than phả vào người. Chuyện bị tia lửa bắn, va quẹt gây bỏng là điều khó tránh khỏi.
Say mê giữ lửa nghề
Là người có kinh nghiệm trong nghề rèn đã vài chục năm, bà Nguyễn Thị Thanh tâm sự, phụ nữ làm nghề rèn thì vất vả nhưng đa số các lò rèn tại Đa Sỹ thì đều có phụ nữ tham gia.
Phần do công việc rèn đòi hỏi cần có 2 người cùng làm để đảm bảo chất lượng. Trong khi người chồng đứng lò, trực tiếp quai đe búa thì vợ là người thực hiện công đoạn cắt tỉa phần thép thừa và mài dao.
Chia sẻ thêm, nghệ nhân rèn Nguyễn Văn Mộc kể, không biết nghề rèn tại Đa Sỹ có từ khi nào, chỉ biết khi ông lớn lên đã thấy mọi người trong làng làm rèn: "Trước đây, đa số người ở Đa Sỹ đều mở lò rèn, rất nhộn nhịp. Khi đó, một số người nhận đơn hàng phải huy động rất người người đến làm nhưng không xuể. Tuy nhiên, đến giờ, nhiều nghề cho thu nhập cao hơn nên nhiều người, nhất là thế hệ trẻ không theo nữa".
Nghệ nhân Đinh Công Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ cho biết, hiện nay ở làng có hơn 1.000 hộ gia đình tham gia sản xuất, nhưng chỉ có gần 400 hộ sản xuất từ vừa đến lớn. So với thời kỳ hoàng kim ở những năm 80, 90 của thế kỷ XX, một vài năm trở lại đây, chỉ còn khoảng 60% hộ viên duy trì làm nghề. Đặc biệt từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, thu nhập của người dân làm rèn giảm đến 30 - 40%.
Nói về việc nghề rèn bị mai một như hiện nay, nghệ nhân Đinh Công Đoán cho rằng có hai nguyên nhân. Thứ nhất là do cơ chế thị trường, các mặt hàng khác từ nước ngoài tràn vào làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của địa phương. Thứ hai là mặt bằng sản xuất để đưa các công cụ, máy móc vào đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi mặt bằng cho điểm công nghiệp làng nghề của làng chưa giải quyết được.
"Ngoài mặt bằng làng nghề, các hộ mong muốn được hỗ trợ vay vốn để đầu tư vào sản xuất, mở rộng quy mô hơn với hiện nay", ông Đoán bày tỏ.
Theo: baogiaothong.vn