LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
(76)- Làng rèn 300 năm đỏ lửa bên dòng Trà Khúc
(Ngày đăng: 26/02/2024   Lượt xem: 40)

Khoa học phát triển, sản phẩm công nghệ được tạo ra với giá thành rẻ đã "đánh gục" nhiều ngành nghề truyền thống. Song ở Quảng Ngãi có một làng nghề rèn hơn 300 năm tuổi vẫn tồn tại nhờ bí quyết riêng cha ông truyền lại.

Sống khỏe giữa "cơn bão" công nghệ

Những ngày sau tết Nguyên đán, dọc theo tuyến đường dẫn về làng rèn Minh Khánh, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã thấp thoáng bóng dáng của người dân chở búa, liềm, dao, rựa… trên chiếc xe đạp đi bán dạo. Những sản phẩm truyền thống cứ thế tỏa đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh.

Làng rèn 300 năm đỏ lửa bên dòng Trà Khúc- Ảnh 1.

Thợ rèn Nguyễn Đô nung nóng thanh sắt bằng lửa than, khi đạt độ nóng sẽ mang ra đập, ghẽ và tạo ra những chiếc búa, liềm, rựa… theo bí kíp riêng cha ông truyền lại.

Anh Phạm Tấn Hiệp, một người làm nghề lâu năm tự tin chia sẻ, dù nhiều năm trở lại đây các sản phẩm phục vụ nông lâm nghiệp được doanh nghiệp sản xuất ồ ạt nhờ công nghệ cao nhưng sản phẩm của làng nghề làm ra vẫn bán chạy và người nông dân vẫn tin dùng.

"Không phải sản phẩm công nghệ nào cũng tạo được niềm tin và độ tinh xảo để người tiêu dùng lựa chọn. Đặc biệt, những sản phẩm truyền thống như dao, rựa, lưỡi liềm… để bền, bén và độ nặng vừa tay người dùng là bí quyết nhiều đời người thợ rèn trước đây đúc kết, tích lũy kinh nghiệm truyền lại", anh Hiệp tâm sự.

Làng rèn 300 năm đỏ lửa bên dòng Trà Khúc- Ảnh 2.

Trải qua hơn 300 năm, làng rèn vẫn tồn tại cho đến nay.

Ngồi bên cạnh, ông Nguyễn Đô giải thích thêm, dẫu làng rèn đã qua thời hoàng kim, nhưng những ngọn lửa nghề vẫn cháy. Bây giờ, các lò rèn không sản xuất đại trà như trước đây mà chủ yếu làm theo đơn đặt hàng, sản phẩm làm ra được người thợ đặt hết tâm huyết vào từng đường búa, từng lần làm nước.

"Để rèn được cái rựa, người thợ rèn phải có kinh nghiệm trong việc cho thanh sắt vào lửa nung bao lâu, quá trình đập dẹp và cho vào nước để tôi như thế nào nhằm tạo ra được sản phẩm tốt nhất. Cái này là bí truyền của mỗi gia đình, mỗi lò rèn và công nghệ không thể làm được", ông Đô cho hay.

Nhờ bí quyết riêng, làng rèn mấy trăm năm qua vẫn tồn tại, nghề truyền thống tưởng chừng đã cũ nhưng người theo nghề vẫn sống tốt. Cứ thế, cha truyền con nối, cứ nhà này rèn lưỡi liềm, nhà kia làm búa, làm kéo, làm lưỡi cày, làm cuốc…

Khác với trước đây, người thợ rèn khi sản xuất các sản phẩm phải làm thủ công từ đầu đến cuối thì nay những việc nặng nhọc như tiện, cắt, dập, mài... đã được máy móc làm thay.

Ông Nguyễn Tòng, Trưởng Ban Quản lý làng nghề rèn truyền thống Minh Khánh cho biết, hiện làng nghề có 65 hộ sống bằng nghề rèn. Những hộ thu nhập khá kiếm 500-600 nghìn đồng/ngày, còn hộ ít hơn là trên dưới 300 nghìn đồng/ngày. Cá biệt, có trường hợp thu về bạc triệu mỗi ngày.

"Cái thời cha vung búa, con quạt mát sau lưng rồi ngủ gục, bị cha đánh đòn đã qua rồi. Nhưng, từng sản phẩm của làng vẫn được nâng niu", ông Tòng chia sẻ.

Như để minh chứng cho một thuở vàng son, ông Nguyễn Đình Thân (69 tuổi) tiết lộ, thời còn trẻ, lò rèn của ông sản xuất có ngày cao điểm đến 50 cái búa bửa củi, hay 150 búa đóng đinh, hoặc 50 cái rựa, 50 lưỡi cuốc.

"Trước đây, ở xứ này không có nghề nào cho thu nhập cao như nghề rèn. Thế nên, các vùng khác gọi làng rèn này là "Đồng Có", nghĩa là nơi giàu có, có của ăn của để. Bây giờ nghề rèn không còn được như trước nhưng vẫn làm ra tiền", ông Thân nói.

Cùng nhau giữ lửa nghề

Mới đến đầu làng đã nghe mùi nồng nồng của than; tiếng chan chát của búa, đe; tiếng xè xè của máy tiện, máy cắt sắt… Những lò rèn cách nhau vài chục bước chân phà lên hơi ấm của lửa than.

Làng rèn 300 năm đỏ lửa bên dòng Trà Khúc- Ảnh 3.

Rựa và lưỡi liềm là sản phẩm truyền thống được những người thợ làng rèn Minh Khánh sản xuất thủ công.

Phút nghỉ ngơi, ông Nguyễn Hoàng, 76 tuổi, một thợ rèn có hàng chục năm làm nghề chỉ tay về gò đất phía xa cho hay, nơi đó là mộ của ông tổ nghề, người sản sinh ra nghề rèn tồn tại đến hôm nay.

Lật từng trang giấy đã ngả màu thời gian của cuốn sổ cũ ghi gia phả họ Nguyễn, ông Hoàng cho biết, cụ tổ nghề gốc gác phía Bắc và có tên Đinh Khắc Nhơn.

Hơn 300 năm trước, cụ tổ cùng gia đình di cư vào nam và chọn mảnh đất sát bên bờ sông Trà để khai hoang, lập nghề, lập làng. Tại đây, cụ tổ sống mai danh ẩn tích nên đổi họ tên thành Nguyễn Khắc Nhơn rồi sau đó là Nguyễn Công Sơn.

Ông Hoàng kể rằng, trước ông nghe cha ông nói, sở dĩ cụ tổ chọn ở đây sống và truyền nghề vì đất này xưa vốn là rừng âm u, lại nằm bên tả ngạn sông Trà Khúc, quanh năm đầy nước, rất hợp với nghề rèn. Phía hạ lưu có thương cảng Thu Xà sầm uất, thuận lợi cho việc giao thương, mua bán các sản phẩm rèn theo đường sông.

Điểm đặc biệt ở làng rèn truyền thống Minh Khánh là không có bất kỳ tấm bảng hiệu hay một chỉ dấu nào như những làng nghề ở các nơi khác.

Lý giải cho việc "âm thầm làm ăn", ông Hoàng bảo: "Làng này tồn tại 300 năm rồi và chưa khi nào màu mè cả. Điểm để nhận diện sản phẩm của lò rèn nào, người thợ nào đều được khắc trên từng sản phẩm. Người dùng chỉ cần nhìn lên sản phẩm ắt sẽ tự tìm đến mối để mua hàng.

Xưa vào lập nghiệp và xây dựng nên nghề rèn, ông cha đã chọn cách khắc tên trên từng sản phẩm như một cách để "marketing" đến người dùng. Khi đi làm đồng cùng nhau, người dân sẽ tự giới thiệu về sản phẩm cho nhau và cứ thế tiếng tăm lò rèn nào tốt sẽ được tin tưởng lựa chọn mua hàng".

Chính vì vậy, mỗi nhà có một bí quyết riêng để sản xuất nông cụ cầm tay, hay thuở trước là rèn đao bền, kiếm sắc, sử dụng nổi tiếng một vùng.

Ông Hoàng kể thêm, gia đình ông nổi tiếng nhất là làm lưỡi kéo. Hơn chục năm trước, những người trồng nhãn, vải ở các tỉnh Thái Bình, Hải Dương vào đặt rèn kéo để về hái nhãn, vải. Sau, họ đưa người vào học nghề để về quê tự rèn.

Thế nhưng, thời gian ngắn sau, những người này lại tìm đến lò rèn ông đặt hàng. Hỏi ra, ông Hoàng mới hay, những học trò của ông sau khi về quê mở lò rèn nhưng không thể rèn được cái kéo như chính ông rèn.

"Tôi truyền tất cả kinh nghiệm cho học trò, nhưng có lẽ các bạn ấy không nạp hết được. Nghề này nhìn đơn giản vậy nhưng không phải vậy. Thế nên mới có chuyện nhiều làng nghề truyền thống lụi tàn, nhưng nghề rèn 300 năm bên dòng Trà Khúc này vẫn trường tồn đến hôm nay", ông Hoàng tâm sự.

Làng nghề truyền thống OCOP 3 sao

Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay làng rèn Minh Khánh, xã Tịnh Minh được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể và được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận làng nghề truyền thống. Mới đây, sản phẩm của làng nghề được công nhận OCOP 3 sao.

                                 Theo: baogiaothong.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

26
Đang xem:
72.489.265
Tổng truy cập: