LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
(29-60)- Trăn trở nghề làm gốm
(Ngày đăng: 28/10/2023   Lượt xem: 99)
Khắc chìm hoa văn trên sản phẩm gốm - kỹ thuật độc đáo của gốm Biên Hòa
Từng là cái nôi của gốm Đông Nam bộ, gắn liền với sự ra đời của Trường Dạy nghề Biên Hòa (1903) nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai và trải qua thăng trầm, nghề làm gốm mỹ thuật xứ Trấn Biên cũng phải đối mặt với thách thức chung của nghề làm gốm cả nước, đó chính là sự mai một khi lớp nghệ nhân ngày càng già đi mà không có lớp trẻ thay thế.

Và trong hoàn cảnh ấy, vẫn có những người tâm huyết với nghề, với nỗi trăn trở làm thế nào để giữ gìn, phát triển nghề truyền thống và đưa sản phẩm vươn ra thế giới.

Cách đây khoảng 7 năm, khi được điều lên công tác ở Biên Hòa, trong đầu tôi đã nghĩ đến việc thăm, tìm hiểu một cơ sở gốm. Trên quốc lộ 1K qua địa bàn xã (nay là phường) Hóa An đã có một công ty gốm nằm sát bên đường và việc ghé thăm chỉ là thời gian.

Tranh thủ chút rảnh rỗi trong dịp nghỉ lễ 2-9 vừa qua, tôi tình cờ đọc thấy dòng giới thiệu về gốm Biên Hòa trên mạng xã hội. Ấn tượng với những họa tiết và hoa văn khắc nổi trên những bình gốm, sau lễ tôi đã quyết định đi tìm cửa hàng gốm để “mục sở thị”. Cơ sở nằm trong một con hẻm trên đường Đăng Văn Trơn, có số rõ ràng mà đi tìm hôm đầu tiên không ra do số nhà nhảy lộn xộn. Hôm sau, nhờ đến một người quen dân Biên Hòa, chúng tôi mới tìm ra cửa hàng gốm nằm khuất sâu trong con hẻm 101. Đến nơi, cổng đóng then cài, nhìn qua khe cổng thì thấy đồ gốm bày biện đầy ngoài sân, trong nhà. Nhưng chỉ sau vài phút thì đã có người ra mở cổng đón khách nhờ mấy chú chó sủa vang trong sân.

Biết tôi vừa tìm hiểu, vừa có định mua một bình gốm về chưng ở phòng làm việc, hai cô nhân viên bán hàng tuổi khoảng 24-25 trong bộ đồng phục áo màu vàng tươi đon đả tiếp chuyện. Có rất nhiều sản phẩm từ đồ gia dụng như ly sứ uống nước, bộ ấm trà đến các bình gốm trang trí cao ngang thân người cỡ 1,2m. Sau một hồi ngắm nghía, chúng tôi chọn được cái lục bình cao 60cm, chủ đề là Chợ quê có hoa văn, màu sắc tươi tắn, bên ngoài khắc họa hình ảnh một gian hàng hoa ở một phiên chợ quê truyền thống. Nhờ có màu sắc của hoa làm cho cảnh tưởng sinh động hơn hẳn so với các lục bình hoa sen truyền thống. Giá bán là 3.850.000 đồng nhưng đang giảm giá 50% nên khách hàng chỉ phải trả chưa đến 2 triệu, được tặng kèm một đế bình bằng gốm. 

Chúng tôi quay qua hỏi chuyện chị Lưu Ly (phụ trách kinh doanh của công ty), được chị cho biết: Gốm mỹ thuật Biên Hòa là sự giao thoa giữa 3 dòng gốm Việt - Hoa - Chăm và điểm nổi bật dễ nhận thấy - làm nên sự độc đáo của gốm Biên Hòa chính là nhiều màu sắc, quá trình tạo màu được khắc chìm, sau khi tạo dáng sản phẩm xong bằng vuốt tay hay bằng khuôn gốm, chờ cho gốm khô xong, nghệ nhân sẽ vẽ chìm lên rồi khắc bằng mũi dao nhọn, sau đó phối màu, chấm men rồi đem nung với nhiệt độ cao trong một ngày đêm. Điểm đặc sắc nữa của gốm mỹ thuật Biên Hòa là men xanh đồng trổ là loại men riêng biệt được tạo trong quá trình nung phải điều chỉnh lửa, mỗi mẻ nung chỉ dược 3-4 sản phầm. Và đề tài, từ các đề tài truyền thống như Bách hoa, Hai Bà Trưng, Tây nguyên, Hoa sen các nghệ nhân đưa thêm hoa văn mới vào tạo nên sự tươi tắn, rực rỡ.

* Nguy cơ mai một

Khoảng một tuần sau, anh Xin hướng dẫn chúng tôi thăm cơ sở sản xuất cách đó khoảng 3km, ở P.Hóa An. Cơ sở gốm nằm sâu trong con hẻm hướng ra bờ sông. Có 5 thợ đang cặm cụi làm việc và tất cả đều là phụ nữ, đa phần đã luống tuổi. Người ít tuổi nhất thì đã ngoài 40 tuổi còn người lớn nhất là bà Võ Thị Hạnh, 62 tuổi đã có 45 năm trong nghề.

Sinh ra ở Bình Dương và được lớn lên trong không gian gốm sứ miền Đông Nam bộ nên năm 1976, bà đã đi học nghề gốm ở xưởng gốm Kim Long, P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa và làm ở đó khoảng 10 năm rồi nghỉ một thời gian khi lập gia đình, sinh con. Khoảng 7-8 năm sau, bà bắt đầu đi làm lại và cách đây khoảng 5 năm thì đầu quân cho Công ty TNHH Gốm Biên Hòa.

Học tập cách kinh doanh của người làng gốm ở Chu Đậu (Hải Dương) là gom nghệ nhân lại để có thể làm ra được nhiều sản phẩm gốm mỹ thuật đặc trưng và có thể đáp ứng được đơn hàng lớn xuất khẩu và anh MAI THANH XIN cho rằng, chỉ có cách đó mới có thể đưa gốm Biên Hòa đi xa, có thể phát triển du lịch làng nghề tập trung… Nhưng hiện nhiều thợ lại chỉ thích làm gốm gia dụng rẻ tiền, thích làm gần nhà, không muốn vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh để làm gốm theo chủ trương của tỉnh.

Ngồi xem bà chấm men, tôi tranh thủ hỏi: “Vì sao bà lại chọn nghề này?”. Bà nở nụ cười hiền hậu rồi đáp: “Tôi chọn nghề này vì thích”. Theo bà, nghề này đỏi hỏi phải kỹ, tỉ mỉ, cần mẫn và dĩ nhiên phải có con mắt thẩm mỹ. Men gốm rất mau khô nên nếu chấm không đạt là phải thấm nước cạo liền mới ra. Thợ ở đây làm ăn theo sản phẩm và với một bình bông cao 60cm “nếu chấm lẹ thì mỗi ngày được 2 cái và tiền công được hơn 400 ngàn đồng, cũng đủ sống khỏe với nghề”.

Nhưng cũng vì nghề chấm men gốm hay khắc gốm phải ngồi một chỗ nên “tụi trẻ giờ không thích làm, thích vô công ty làm, hoặc thích bay nhảy”. Cứ như 2 người con bà thì không người nào theo nghề gốm vì “ngồi cả ngày chấm nó ngán”. Cũng vì thế, nghề này giờ toàn là người lớn tuổi và “chắc khó có người thay thế”.  

Nhận định của bà Hạnh cũng được ông Tám Tiền (chủ xưởng gốm) đồng tình. Ông Tiền năm nay 66 tuổi, là dân Biên Hòa gốc, vốn là dân thợ nòi về xay đất làm gốm do cha truyền lại. Xưởng này ông lập ra được khoảng 8 năm và có 9 người thợ, trong đó có 5 nữ và cũng đều trên 40 tuổi. Các con ông cũng không có ai theo nghề gốm. Ông tâm sự: “Tôi cũng thấy lo vì khó tìm người để truyền nghề, chấm men thì có chứ khắc hoặc vẽ thì không có người theo”.

* Nặng lòng với gốm

Tạm biệt xưởng gốm bên sông Cái, chúng tôi trở về trung tâm thành phố tìm một quán cà phê để nghe tâm sự của anh Mai Thanh Xin, Giám đốc Công ty TNHH Gốm Biên Hòa. Anh Xin quê gốc miền Trung, sau khi tốt nghiệp đại học Bách khoa Đà Nẵng năm 2007, anh vào Biên Hòa lập nghiệp. Do học ngành vật liệu xây dựng cũng có liên quan đến chất tạo gốm nên anh xin vào làm cho Công ty Gốm Việt Thành ở Hóa An, được một thời gian thì anh chuyển qua lĩnh vực xây dựng. Khi thiết kế trang trí nhà cho khách - đưa các sản phẩm gốm vào thì anh mới bắt đầu bén duyên với gốm và cùng với một đồng nghiệp trong công ty đầu tư làm gốm. Họ mở một số cửa hàng nhỏ nhờ người bán giùm và liên kết với một vài địa phương ở ngoài Bắc, bán trực tiếp qua mạng.

Giới thiệu sản phẩm gốm ở Công ty TNHH Gốm Biên Hòa
Giới thiệu sản phẩm gốm ở Công ty TNHH Gốm Biên Hòa
Khách hàng tìm đến tăng dần và có người cần xuất hóa đơn nên năm 2022, anh Xin quyết định mở công ty để qua đó mở mang kinh doanh. Hiện công ty vẫn bán hàng qua các công ty bán lẻ do người Việt làm chủ ở Mỹ, châu Âu nhưng số lượng xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu họ lấy một lô nhỏ về bán, hết họ lấy tiếp chứ chưa xuất được cả container như mong đợi. Một khi xuất được nhiều hàng thì sẽ giúp cải thiện, tăng thu nhập như nghệ nhân mong đợi và tạo sự tin tưởng cho con em họ để tiếp nối nghề truyền thống.

Nói về sự mai một của nghề làm gốm mỹ thuật Biên Hòa, anh Xin trải lòng: “So với năm 2007 - khi tôi mới bước chân vào làm gốm, tôi thấy sản xuất gốm có sự mai một thật vì nhiều nghệ nhân làm đã chuyển nghề làm công nhân hoặc nam thì chạy xe ba gác, không muốn quay lại nghề này vì chỉ nghĩ lương thấp dù công ty trả lương khá ổn. Các con của họ cũng đã có nghề ổn định nên chỉ có thể tìm người mới chứ không thể tuyển con cháu họ nữa”.

Đội ngũ thợ của công ty anh đa số đều lớn tuổi, phổ biến trên 50 tuổi, nghệ nhân khắc chìm có người đã làm từ trước năm 1975 đến nay, như chú vẽ hoa văn tuổi đã hơn 70 nhưng giờ tìm người trẻ không có, do họ không muốn ngồi một chỗ và do con đường làm nhân để được phong nghệ nhân gốm rất gian truân..                
                                        Theo:  baodongnai.com.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.517.029
Tổng truy cập: