LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Điều chưa biết về Cảm Hiếu Đường, “ông Tổ“ nghề nhiếp ảnh Việt Nam
(Ngày đăng: 07/10/2012   Lượt xem: 599)
Ngày 14/3/1869 hiệu ảnh đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam có tên Cảm Hiếu Đường, ít ai biết được người chủ hiệu ảnh đó là vị quan thanh liên Đặng Huy Trứ. 
Vị quan thanh liêm Đặng Huy Trứ
Vị quan thanh liêm Đặng Huy Trứ
Nhân duyên trở thành ông tổ nghề Nhiếp ảnh
 
Là một vị quan thanh liêm và nhạy bén với thời cuộc, Đặng Huy Trứ luôn quan tâm học hỏi những cái hay cái lạ của các nước khi ông có cơ hội đi sứ bên ngoài, để về truyền bá lại cho nhân dân, đổi mới đất nước. Năm 1866, một lần đi sứ sang Trung Quốc, lần đầu tiên thấy một chiếc máy có thể chụp được ảnh đã làm cho ông mất ăn mất ngủ. Lần đi sứ này ông đưa về hai tấm ảnh phong cảnh ở Hương Cảng, trước khi đi ông đã hỏi rất kĩ cách chụp và in tráng hình vì ông ấp ủ mở một hiệu ảnh ở Việt Nam. Năm 1867, Đặng Huy Trứ được vua Nguyễn cử đi sứ sang Trung Quốc một lần nữa và lần này ông đã nhờ người quen ở Quảng Đông mua một chiếc máy chụp ảnh để mang về.
 
Hai năm sau, Đặng Huy Trứ về Việt Nam, ông chọn Hà Nội để mở hiệu ảnh đầu tiên của đất nước. Ngày 14/3/1869 hiệu ảnh chính thức được khai trương. Xuất phát từ nhu cầu ghi lại hình ảnh của những bậc cha mẹ để lưu giữ làm kỉ niệm và để tỏ lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, ông chọn cho hiệu ảnh cái tên Cảm Hiếu Đường. 
 
Ngoài cửa tiệm, ông còn cho treo hai câu đối hai bên cửa do chính tay mình viết: “Thanh Hà phố ấy dân trù mật/ Cảm hiếu đường đây khách nhiệt nồng” và “Hiếu thờ cha mẹ người mong muốn/Ảnh giống chung nhau mãi mãi truyền”. Hai câu đối trên không chỉ hay vì chữ mà nó còn được lịch sử ghi nhận là câu đối đầu tiên phục vụ cho mục đích kinh doanh. Khách hàng đầu tiên của cửa tiệm là những người giàu có và quan lại trong triều đình Huế ra công tác tại Hà Nội. Tự tay ông chụp những bức ảnh đó và in tráng một cách tỉ mỉ thận trọng, hiện nay những bức ảnh của ông vẫn còn lưu giữ tại các bảo tàng lịch sử của Pháp.
 
Cho đến ngày nay, cứ mỗi dịp đến ngày khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường tại phố Thanh Hà, thì những nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Huế hay các vùng lân cận lại đến từ đường của dòng họ Đặng tại làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà để thắp một nén nhang tưởng niệm người đã có công đưa nghệ thuật nhiếp ảnh về Việt Nam.
 
Bị cấm thi trọn đời nhưng vẫn làm quan
 
Đặng Huy Trứ, sinh ngày 16/5/1825, tại làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế trong một gia đình nhà nho nghèo, ông nội và cha đều làm nghề dậy học.Thuở nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất thông minh, đa cảm và chính trực, năm 18 tuổi ông đỗ cử nhân và được tập sự tại Quốc tử giám. Năm 20 tuổi, ông vượt mọi lễ giáo phong kiến, bất chấp sự phản đối của gia đình để cưới một người con gái đã từng cứu mạng ông. Theo nhiều sử liệu có ghi chép lại, một lần ông đi đò và bị rơi xuống sông, được cô lái đò Nguyễn Thị Bảo cứu sống, cũng từ đây tình cảm của hai người nảy nở để rồi ông bất chấp sự phản đối của một gia đình Nho giáo quyết đến với người mình yêu. 
Nhà thờ ông tổ nghề ảnh Đặng Huy Trứ
Nhà thờ ông tổ nghề ảnh Đặng Huy Trứ
Ngay từ bé với tính cách thanh liêm chính trực, ông ôm trong mình hoài bão được làm quan, đem tài sức của mình phụng sự đất nước. Năm 1847 ông đi thi Hội, nhưng vì phạm húy nên bị đánh hỏng, còn phạt thêm 100 roi và cấm thi trọn đời. 
 
Đây thực sự là một cú sốc với một thanh niên vừa tròn 22 tuổi, đang ôm ấp bao nhiêu hoài bão lớn, chỉ vì quy định phong kiến ngày xưa quá nghiệt ngã nên ông đành từ giã giấc mơ làm quan, phụng sự đất nước. Sau sự cố đáng buồn trên, ông trở về quê hương dạy học, tiếp tục theo nghề cha, ông.
 
Trong suốt gần 10 năm dạy học, ông đã viết nhiều tác phẩm thể hiện tư tưởng canh tân đất nước, mô tả cuộc sống hiện thực về những cảnh dân đen lầm than, đói khổ, đặc biệt phê phán những người làm quan nhưng hèn nhát, không làm tròn chức trách. May mắn đến với ông khi có một vị quan hiểu được tấm lòng của ông ,tâu với vua, xin cho ông được thi lại để có cơ hội làm quan. Năm 1855 ông thi lại và đỗ tiến sĩ. 
 
Mặc dù xuất thân từ gia đình Nho giáo, nhưng tư tưởng của Đặng Huy Trứ không hề cổ hủ, lạc hậu. Ngay khi quân Pháp xâm lược nước ta, ông đã kiên quyết đứng về phía chủ chiến với quyết tâm sắt đá chống giặc đến cùng. Ông đã khẳng khái đưa ra tư tưởng của mình về các mặt, quân sự, kinh tế, xã hội trong thời buổi đất nước loạn lạc. 
 
Những ngày cuối đời ngổn ngang
 
Suốt cuộc đời làm quan của ông gặp rất nhiều trắc trở, vốn mang trong mình tâm niệm canh tân đất nước, nhưng những tấu trình của ông lên vua Tự Đức để đổi mới đất nước đều bị vua gạt đi không chấp nhận. Năm 1873 Đặng Huy Trứ đau ốm luôn, những ngày tháng cuối đời ông luôn day dứt không thôi về việc dân việc nước còn đang ngổn ngang trăm mối. Khi hòa ước Giáp Thân được ký vào tháng 3/1874 thì đến tháng 8 năm đó, Đặng Huy Trứ qua đời. Trước khi mất, ông để lại di chúc cho con cháu không được tiếp tục làm quan vì đất nước còn đang rơi vào tay giặc.
 
Suốt cuộc đời làm quan của ông vì bản tính chính trực không đầu hàng trước quân xâm lược, ông đã đi ngược lại với sách lược hòa hoãn của vua và các quan chủ hòa, nên sau khi chết, nghe lời nịnh thần, vua Tự Đức nghi ngờ ông giả chết để mưu đồ khác nên vua bắt phải lật quan tài của ông lên kiểm tra rồi mới cho đem về Huế chôn cất. Đây là nỗi đau vô cùng lớn đối với một vị quan thanh liêm đã cống hiến cuộcc đời của mình ở chốn quan trường một cách trong sạch. 
 
Không giống như những nhà canh tân cùng thời, Đặng Huy Trứ dám dấn thân làm những điều chưa ai dám làm, ông luôn đặt nhân dân lên hàng đầu, dựa vào nhân dân, đúng như quan điểm của ông trên chốn quan trường “không chăm sóc dân thì chớ làm quan”.
                                                                                        Theo: PLVN - Trần Phong Nguyên
.
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

31
Đang xem:
72.489.237
Tổng truy cập: