LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng hoa Nghi Tàm - mạch tình yêu vẫn chảy
(Ngày đăng: 23/09/2012   Lượt xem: 583)

Nghi Tàm xưa nức tiếng là một làng hoa đẹp nhất nhì đất kinh kỳ. Nghi Tàm nay lại là một "làng Tây” sang trọng với những tòa biệt thự lộng lẫy nằm ven khu vực "đất vàng” Hồ Tây. Trong sự chuyển giao giữa làng hoa cổ truyền và làng "Tây” hiện đại không ít những giá trị văn hóa bị mất đi. Hoài cổ và nuối tiếc, một số người vẫn đang âm thầm nuôi dưỡng những mạch nguồn văn hóa của làng hoa xưa, để hoa Nghi Tàm mãi thơm ngát trong lòng người Hà Nội.



Người làng hoa Nghi Tàm xưa
ảnh: T.L

Hoài niệm một làng hoa

Hỏi thăm vào nhà ông Hai Ninh - người được ví là một trong ba ông Tam Đa của làng Nghi Tàm, tôi nhận được không ít cái lắc đầu lạ lẫm. Đón khách vào nhà, ông Ninh giải thích cho những khúc mắc của tôi: đất Nghi Tàm giờ nhiều người lạ lắm, nhà nào cũng kín cổng cao tường, ra mở, vào khóa nên chỉ cách nhau vài nhà mà người ta cũng không biết tên nhau là chuyện thường.

Cũng khó trách được người làng Nghi Tàm, ông Hai Ninh bảo vậy. Ở cái thời tấc đất tấc vàng, Nghi Tàm lại nằm cạnh Hồ Tây, trị giá một mét vuông đất bằng công chăm sóc hoa, cây cảnh đến cả vài năm trời, thì bảo sao, người làng lại chối bỏ nghề trồng hoa, cuốn theo cái vòng xoáy của kinh tế thị trường.

Thế nhưng, trong căn nhà đậm kiến trúc phương Tây, vợ chồng ông Hai Ninh vẫn giữ được cốt cách hồn hậu, hiếu khách của một người gốc làng hoa xưa. Chả thế mà khi tôi hỏi chuyện về hoa, cây cảnh Nghi Tàm, như chạm đúng mạch của một người sống trong lầu son gác tía mà hồn vía vẫn đau đáu về làng xưa, khi Nghi Tàm còn hoang sơ đầy lau lách…

Trong hồi ức về làng hoa xưa của ông Hai Ninh, có thể dễ dàng hình dung ra một "Đồng bông Nghi Tàm” với những con đường đất ngoằn ngoèo dẫn vào những vườn hoa, cây cảnh ngút ngát tầm mắt. Nhà nhà trồng hoa, người người trồng hoa và câu chuyện mỗi lần ra vườn hay nơi buổi chợ sớm đều có hoa và cây cảnh. Những cái ngõ ở làng Nghi Tàm cũng chỉ nhỏ vừa đủ một gánh hàng hoa đi qua, bởi đất còn để dành để trồng hoa - ông Ninh bảo vậy.

Ngày ấy, không có quá nhiều loại cây, hoa như bây giờ, nhưng những vườn hoa Nghi Tàm cũng đủ hương sắc làm nức lòng người Hà Nội. Lan thì có Hoàng Vũ, Thanh Trường; trà có trà lựu, trà phấn hồng và cây cảnh có sanh, si, bách tán, vạn tuế… là những loài cây, hoa đặc trưng của Nghi Tàm ngày ấy, cũng là loại cây mà khách hàng đặc biệt ưa chuộng, nhất là những cơ quan, công sở...

"Người ta đánh cả xe ôtô về mua cây cảnh. Giá mỗi cây sanh, si lên đến cả vài chỉ vàng. Thương thiệu hoa, cây cảnh Nghi Tàm nức tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Xuân về, làng hoa tấp nập người. Vườn nhà nào cũng rực rỡ sắc hoa. Gương mặt các bà, các chị đong đầy niềm vui, hớn hở những miệng cười…”. Vậy mà, bà Hai Ninh quệt miếng trầu, ngậm ngùi, cái hồn cốt của làng, của người Nghi Tàm giờ đã bị kinh tế thị trường làm cho thương mại hóa hết rồi. Thời vàng son của làng hoa Nghi Tàm ngậm ngùi lui vào quá vãng. Giờ cuộc sống khá giả, sung túc nhưng cái tên Nghi Tàm đâu còn mấy người nhắc đến.



Giống như ông nội, Dũng đam mê lưu giữ những giống cây cảnh truyền thống của làng hoa

Hương xưa còn lại chút này

Trong khuôn viên nhà ông Hai Ninh, giờ vẫn dành ra những khoảnh riêng để trồng hoa và cây cảnh. Cuộc sống dẫu có đủ đầy về vật chất, nhưng hoa và cây cảnh với ông bà như những thứ không thể thiếu. Nhìn cách ông Hai Ninh trăn trở với từng loại đất, nước, chất dinh dưỡng và chỉ cách chăm sóc tỉ mỉ cho cậu cháu nội, tôi hiểu cái chất nông dân có lẽ trong ông chưa bao giờ cạn. Chả thế, thời kinh tế thị trường, cứ ngỡ người ta chỉ chuộng những thứ gì nhanh, gọn, tiện, rẻ… thế nhưng nhiều người Hà Nội vẫn tìm đến ông Hai Ninh như một tri kỷ, bởi chỉ ông có vườn lan, trà rất quý và có những bí quyết chăm lan rất đặc biệt, tạo ra những sắc hoa quyến rũ lòng người.

Chỉ vào những chậu lan, trà được đắp những viên đất sét đều tăm tắp, ông Ninh bảo: đất trồng lan, trà phải là đất Hồ Tây được quật lên, phơi khô cho ải rồi mới đổ vào chậu trồng lan, trà. Lớp đất ở dưới phải đập nhỏ cho tơi xốp còn phía trên mặt là lớp đất to hơn, cắt thành từng miếng vuông vức để cho rễ cây thoáng mát. Còn nước tưới cho lan, trà cũng phải là nước ốc ngâm qua vài tháng, tạo thành một thứ nước sánh chất dinh dưỡng. Lan là thứ cây không ưa ẩm nhưng lại ưa ánh sáng. Để ngoài nắng dễ cháy lá nên lúc nào cũng phải có dàn lưới che mát. Chơi lan không khó, quan trọng là mình phải hiểu được tính nết của từng loài để có cách chăm sóc hợp lý...

Có người thắc mắc, giờ ngoài thị trường thiếu gì loại dinh dưỡng bón cho cây, sao ông phải cầu kỳ đến cầu toàn vậy. Ông Hai Ninh bảo: nếu đã giữ được nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống thì cũng phải giữ được cách chăm sóc cây cho đúng kỹ thuật truyền thống. Có thế hoa, cây mới là của Nghi Tàm, thẫm đẫm hương sắc Nghi Tàm.

Ông Ninh bảo: trong mấy đứa cháu nội ngoại thì con cậu út là đứa ông có thể gửi gắm và truyền được cái tinh túy của nghề truyền thống. Dũng thi vào ĐH Nông nghiệp, ra trường làm ở Công ty Công viên cây xanh, cả ngày bận rộn với các loài cây với cậu dường như vẫn chưa đủ. Tự tậu riêng cho mình một khoảnh vườn nho nhỏ, sớm tối chăm chút, ươm mầm những giống hoa, cây cảnh mới, Dũng như một người bạn vong niên khi bàn về hoa, cây cảnh với những vị tiền bối của làng hoa.

Đặc biệt, Dũng rất giống ông nội ở cách chăm sóc hoa, chả thế, anh dành riêng cả một phòng để nghiên cứu về những giống cây, hoa mới và đặc biệt những giống hoa cây cảnh của Nghi Tàm xưa vẫn được anh nhân giống và lưu giữ. Thế nhưng, theo Dũng, cuộc sống thời thị trường nên cách trồng hoa, cây cảnh của mọi người cũng rất thị trường, ít người giữ được cái thú chăm cây, chăm hoa như thời các cụ xưa. Có lẽ vì thế mà hoa chỉ rực sắc mà thiếu hương, giống như người con gái đẹp rực rỡ, kiêu sa nhưng khuyết nét duyên dáng thầm kín.

Làng hoa Nghi Tàm đã lui vào quá vãng. Thế nhưng, với những người Hà Nội đã trót yêu hoa Ngọc Hà, mê cây cảnh Nghi Tàm và nặng lòng với bích đào Nhật Tân thì sự biến mất dần các làng hoa truyền thống như mất đi một phần hồn của Hà Nội. Nhớ, họ vẫn tìm về Ngọc Hà hay ngược lên Nghi Tàm, Nhật Tân như muốn níu kéo lại một chút hương xưa, một thứ văn hóa khiêm nhã, thanh tao của chốn kinh kỳ dẫu biết rằng, chẳng còn vương lại một chút gì để người ta nhận ra dấu tích của những làng hoa xưa.
Tuấn Quân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.516.457
Tổng truy cập: