LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Bỏ mộng kiếm tiền hè phố về quê làm tỉ phú nuôi chim
(Ngày đăng: 29/08/2012   Lượt xem: 641)
Không chỉ giúp giống chim trĩ đỏ khoang cổ quý hiếm có tên trong sách đỏ thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, anh trai làng Trần Huy Hợi (30 tuổi, ngụ xóm Đọ, thôn Cát Dương, xã Tống Phan, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) ngày ngày còn “hơn người” ở chỗ muốn xơi động vật quý hiếm lúc nào cũng được (tất nhiên là động vật được con người giúp nhân giống, nuôi nhốt nên không phạm luật
Chân dung trai làng tỉ phú
Chân dung trai làng tỉ phú

Trai làng không thích làm thuê

Nhà nghèo, chỉ học hết bậc phổ thông rồi thôi, cuộc đời của Hợi sẽ chỉ “theo đuôi con trâu” hay lang thang vỉa hè thành phố làm thuê kiếm sống. Năm 20 tuổi Hợi chọn con đường thứ hai: Lang thang khắp từ Bắc chí Nam, làm đủ những nghề lao động vất vả, từ công nhân đến phục vụ nhà hàng, làm thuê trong những trang trại nuôi ba ba, ếch… Khác người ở chỗ không cam chịu, anh trai làng luôn đau đáu suy nghĩ: “Cứ những công việc lương 3 cọc 3 đồng thế này, khi nào đời mới hết khổ?”.

Sau 6 năm làm thuê làm mướn, gom góp những đồng lương thành một khoản nho nhỏ, chàng trai 26 tuổi quyết định bỏ phố về làng “tự mình làm thuê cho mình”. Những năm phiêu bạt xứ người “lang thang ngó nghiêng”, Hợi đã có ý tưởng nuôi nhím như một số trang trại trong Nam từng kiếm bộn tiền.

Đầu tiên anh nuôi 10 con, nhận thấy nếu đầu tư nhiều mới có lãi, nuôi kiểu nhỏ lẻ như mình thì lời lãi chẳng còn được là bao, lại vất vả như nuôi con mọn. Ngày ấy chẳng có tiền tỉ, cũng chẳng có tiền triệu để đầu tư, anh trai làng sau một năm “đắm đuối” với đàn nhím thì bỏ nghề, chuyển sang nuôi… dế mèn.

Ngày ấy người ta bắt đầu có trào lưu ăn dế mèn rang, nên con vật tưởng như... cực kỳ vớ vẩn này lại giúp Hợi có những khoản lãi đầu tiên sau hai năm lỗ chỏng gọng. Đến năm thứ 3, ý chí miệt mài của Hợi được đền đáp khi cả năm bán được đến 300 thùng dế, không chỉ thu hồi vốn mà còn dư ra một số tiền. Thậm chí Hợi còn thành lập doanh nghiệp dế xuất khẩu, không chỉ tiêu thụ trong nước còn xuất ra nước ngoài.

Tuy nhiên, nghề này cũng có khá nhiều điểm yếu như nhu cầu của người mua không ổn định mà tùy thuộc vào trào lưu, nguồn cung cũng không ổn định nốt vì đặc điểm thời tiết ở miền Bắc khiến từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch mỗi năm, dế không sinh sản và phát triển. Trong kinh doanh mà không tính toán được cả đầu vào đầu ra thì khác gì người khổng lồ có đôi chân bằng đất sét, Hợi thu hồi được vốn, có khoản lãi nho nhỏ thì quyết định dừng lại, tìm hướng mới.

Biến giống chim quý hiếm thành… chim thịt

Hợi lại lang thang bỏ quê, nhưng lần bỏ quê này không phải đi gom nhặt tiền lẻ ở vỉa hè thành phố, mà tìm vào những trang trại ở Đồng Nai, Bình Dương… học hỏi mô hình. Một lần tình cờ gặp một người nuôi chim trĩ, nhận thấy đây là loại chim có hình dáng đẹp, có thể nhiều người muốn nuôi làm cảnh; hơn nữa đây là giống chim có nguy cơ bị tuyệt chủng, nếu nhân giống loại chim này cũng là góp phần bảo tồn nên Hợi “liều mạng” một lần nữa.

Anh trai làng dốc toàn bộ hầu bao, mua được 16 cặp chim trống mái với giá tiền 2 triệu đồng/con, một số trứng với giá 100 ngàn đồng/quả. Ôm đống “của nợ” về nhà, không ít người "lèo nhèo": “Mày có bị "bơ ngơ" hay không?”. Theo mọi người lúc ấy, nuôi dế đang là hướng đầu tư đúng đắn, thu lợi nhuận tốt, chẳng có lý nào anh lại dốc hết tiền vào giống chim trĩ là loài vốn sống ở trên rừng, không biết có hợp thung thổ xứ Bắc hay không hay được dăm ba bữa là lăn quay ra chết sạch?.

Đó mới chỉ là khó khăn tâm lý, khó khăn thực tế là khi bắt tay vào nuôi chim trĩ, anh trai làng hầu như mù tịt về kiến thức khi trước đó chính những người bán giống cũng chẳng có nhiều kinh nghiệm, chỉ hướng dẫn sơ qua. Lại những ngày tự mày mò tìm sách đọc, tìm đến những chuyên gia nông nghiệp xin ý kiến, thậm chí khăn gói quay lại các cơ sở nuôi chim giống phía Nam để học hỏi kinh nghiệm.

Năm đầu tiên do chưa áp dụng đúng kĩ thuật chim vẫn sống nhưng còi cọc, con đẻ con không. Hợi không nản chí: “Người ta làm được thì mình cũng phải làm được”, lại đầu tư vào nhân giống, mở rộng mô hình. Trời không phụ lòng người, sang năm thứ hai khi đã “quen tay”, chim quý quen thung thổ nên dễ nuôi như gà, dễ đẻ cũng như gà. Ban đầu tính toán đây sẽ chỉ là chim cảnh, ai ngờ thành công vượt ngoài mong đợi nên giống chim quý hiếm có tên trong sách đỏ nay… nhiều như gà, “ăn thịt mãi cũng không hết”.

Trang trại nuôi chim trĩ của Hợi rộng khoảng 1.000 m2 với gần 1.000 con chim, trong đó 300 con để đẻ, gần 700 con chim con… chưa kể những cơ sở ở Huế, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Dương.

Bốn năm trong nghề giúp Hợi đã có khá nhiều kinh nghiệm: “Đầu tiên trang trại phải thoáng mát, sạch sẽ. Thời gian đầu phải tiêm phòng bệnh, cứ 3 ngày cho uống thuốc phòng một lần. Với những con chim để làm cảnh thì chăm sóc nhiều hơn, không để hai con trống trong cùng chuồng tránh tình trạng mổ nhau; cần có chuồng rộng hơn, chế độ ánh sáng cũng nhiều hơn, phải có sân chơi.

Còn chim giống thì cần phải tiêm phòng từ nhỏ, cho ăn theo thời điểm. Muốn chim phát triển khỏe mạnh phải trộn thêm trứng gà, trứng vịt đã luộc; bóp nát trộn vào thức ăn cho chúng thì chim mới lớn nhanh, thịt chắc, lông mượt”.

Cứ tưởng quý hiếm đến có tên trong sách đỏ thì sẽ có giá cao chót vót, ai ngờ con chim trĩ được nuôi nhốt cũng chỉ “rẻ rúng” như gà vịt: Khoảng 200 ngàn đồng/ kg thịt, trứng 25 – 30 đồng/ quả. Riêng chim cảnh thì có giá đắt hơn, nếu thuộc loại “siêu bắt mắt” cỡ 4 - 5 triệu đồng/con. Hợi cho biết mỗi năm anh thu hàng trăm triệu đồng từ quyết định tưởng như “dở hơi” bốn năm trước đây.

“Kĩ sư” không bằng cấp

Từng là người nghèo ôm khát vọng làm giàu chính đáng, anh trai làng này hiểu, đồng cảm nỗi vất vả của những người nông dân nên luôn đặt tiêu chí sẻ chia kinh nghiệm, bí quyết với mọi người lên hàng đầu. Khách hàng đến mua con giống thường được Hợi tư vấn rất nhiều về kĩ thuật nuôi, có nguyên cả một cuốn sách về quy trình nuôi chim trí biếu không; khi khách hàng cần, “ông chủ” này đến tận nơi hướng dẫn tỉ mỉ. Không ít trường hợp khách gặp rủi ro khi chăn nuôi mất hết vốn liếng, Hợi cung cấp lại con giống cho họ làm lại từ đầu.

Có trường hợp đàn chim bị bệnh, Hợi mời bác sĩ thú y đến chữa trị và mình trả chi phí. Kỉ niệm nhớ đời là đàn chim hơn 100 con giá trị khoảng 80 triệu đồng của một nông dân ở Hải Dương mắc căn bệnh lạ vào cuối năm 2011, tất cả bác sĩ thú y đều bó tay không tìm ra cách chữa trị.

Hợi cùng chủ đàn chim sau hai ngày nghĩ nát óc không tìm ra “thuốc giải”, chợt anh nghĩ lục lại danh sách những khách hàng đã mua con giống, gọi điện tứ tung hỏi xem có ai từng gặp hiện tượng như trên chưa. May thay có một hộ từng gặp trường hợp trên, dùng mật gấu hòa với nước ấm nhỏ vào mỏ chim mỗi con hai giọt chữa bệnh. Từ kinh nghiệm này mà đàn trĩ được cứu sống, chủ hộ thoát cảnh phá sản, Hợi cũng có thêm kiến thức.

Anh trai làng không bằng cấp nhưng kinh nghiệm thực tế thì không thua kĩ sư, như phương pháp kinh doanh hỗ trợ nhau cùng phát triển. Nếu trang trại của Hợi đóng vai trò trung tâm, thì những hộ nuôi nhỏ lẻ giống như những vệ tinh xung quanh, giúp nguồn hàng dồi dào, ngoài ra còn tránh được nguy cơ lây lan nếu có dịch bệnh. Hợi chia sẻ mô hình liên kết này được mình phổ biến theo hai hình thức: Một là anh cung cấp con giống cho người nuôi, hỗ trợ về kĩ thuật, khi bán ra lãi chia nhau; hai là anh cung cấp con giống, sau đó thu trứng hoặc chim con.

Nhìn lại hành trình từ trai làng lên tỉ phú của Hợi, nhiều người làng bàn tán: “Cứ nhìn cái thằng Hợi mà học, đâu phải làm “ông này bà nọ” hay lang thang thành phố mới có tiền?”.

Chim trĩ đỏ khoang cổ là loại chim thuộc họ Trĩ (Phasianidae) có tên trong sách đỏ Việt Nam, thuộc loại đặc biệt quý hiếm; đuôi dài và nhỏ, bộ lông nhiều màu sắc đẹp. Trĩ đực trưởng thành ở đầu, cổ có màu xanh lục, các phần còn lại có màu nâu đỏ, nâu vàng; trĩ cái trưởng thành có màu lông vằn, màu nâu điểm các chấm đen, mắt nâu đỏ

                                                                                                                         Trịnh Ninh – Quốc Khánh

.
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

60
Đang xem:
76.243.777
Tổng truy cập: