LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Nhịp sống làng đá Cố đô .
(Ngày đăng: 14/01/2016   Lượt xem: 326)
Khắp xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đầy ắp đá. Đá hiển hiện ở mọi nơi. Đá theo vào bữa ăn và giấc ngủ của mỗi gia đình, là công việc chính và trở thành phương tiện làm giàu cho quê hương. Tiếng máy cưa, mài, đục đá rít ré hòa với tiếng xe vận chuyển cỡ lớn và tiếng người trao đổi, hợp đồng mua đá mỹ nghệ, tạo ra nhịp sống công nghiệp dịch vụ ồn ào, náo nhiệt, khác hẳn với sự tĩnh mịch, lặng lẽ vùng thuần nông bao đời ở đất Cố đô.

Công trường đá

Về Ninh Vân, nơi chế tác đá nổi tiếng của miền Bắc và cả nước dịp cuối năm mới thấy hết nhịp sống sôi động, náo nhiệt của làng nghề truyền thống. Dọc con đường chính và cả những con đường nhỏ đi vào các thôn, xóm của xã Ninh Vân đầy ắp các loại đá. Đá ở trong nhà, ngoài sân, tràn ra ngoài vườn khiến khách thập phương như lạc vào công trường đá khổng lồ. Đá đã chế tác thành nhiều sản phẩm hoàn chỉnh như: Cột đá, chân tảng đá, bậc thềm đá, tượng đá, chậu đá, cây đèn đá, bia đá, lăng mộ đá, tháp tổ, lư hương, đỉnh hương, các con vật bằng đá, tượng đá… được các chủ doanh nghiệp trưng bày rất nhiều ngay ở ven đường. Cạnh đó, đá nguyên liệu nguyên khối, dạng hình hộp chữ nhật xếp ngổn ngang nằm chen lấn, im lìm như đang ngủ, bất chấp sự tác động khắc nghiệt của thời tiết và nhịp sống ồn ào của làng nghề. Những chiếc xe tải trọng lớn mang biển kiểm soát của các tỉnh: Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Định, Yên Bái… đến giao nguyên liệu và chờ vận chuyển sản phẩm đá đã được chế tác đi các nơi tiêu thụ đỗ sát ngay ven đường khiến cho nhịp sống làng nghề luôn sôi động.
Một nghệ nhân làng nghề đá mỹ nghệ say sưa "thổi hồn" vào đá trắng Ngũ Hành Sơn được vận chuyển từ Đà Nẵng ra Ninh Vân.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Ngọc Tuyên, Phó chủ tịch UBND xã Ninh Vân bộc bạch: Hiện toàn xã Ninh Vân có 13/13 thôn với 64 doanh nghiệp tham gia sản xuất đá mỹ nghệ. Trong đó có khoảng 3.000 thợ chuyên nghiệp và 1.000 thợ bán chuyên nghiệp; số lao động thời vụ ở các địa phương lân cận dịp cao điểm cuối năm khá lớn. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, chế tác đá và các dịch vụ khác của toàn xã là 190 tỷ đồng, trong đó thu nhập từ sản xuất đá mỹ nghệ chiếm tỷ lệ hơn 80% tổng doanh thu, cạnh đó thì nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ 12%. Thu nhập bình quân của thợ làm đá ở Ninh Vân ước đạt từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người. Thu nhập của thợ lành nghề, thợ bậc cao có thể đạt từ 7 đến 8 triệu đồng/người, số ít có tay nghề tốt đạt 8 đến 10 triệu đồng/người. Cũng theo ông Tuyên, đầu năm 2016, xã Ninh Vân sẽ đưa 11ha trong tổng số hơn 30ha khu công nghiệp sản xuất đá mỹ nghệ vào khai thác, sử dụng. Việc quy hoạch này sẽ giúp cho công tác quản lý được tập trung, thống nhất, giảm ô nhiễm môi trường khu dân cư.

Ông Tuyên còn thổ lộ thêm: Để phát triển nghề sản xuất đá mỹ nghệ, ngoài việc thành lập Ban quản lý làng nghề, xây dựng Khu công nghiệp đá mỹ nghệ rộng hơn 30ha, ngay từ những năm đầu tiên của thế kỷ 21, UBND xã Ninh Vân đã có chủ trương cho các doanh nghiệp, hộ gia đình được thuê đất ven chân núi, đất 5% để làm bến bãi sản xuất đá mỹ nghệ. Ngoài ra, UBND xã đã chủ động liên doanh, liên kết với Trường Cao đẳng Mỹ nghệ Nam Định đào tạo thợ đá mỹ nghệ bậc 3/7 cho làng nghề. Hơn 10 năm qua đã có 455 thợ ra trường và làm nghề.

Anh Vũ Văn Hiệu, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ Huy Hiệu, một trong rất nhiều doanh nghiệp ở Ninh Vân nhiệt tình giới thiệu với chúng tôi về các sản phẩm tinh xảo đã được chế tác từ đá hiện đang trưng bày trong “kho” rộng mênh mông của gia đình cùng bước thăng trầm của anh trong nghề đá.

Trước kia, anh là chủ doanh nghiệp sản xuất gỗ mỹ nghệ. Do nghề gỗ khó cạnh tranh, nên anh quyết định chuyển về nghề truyền thống của địa phương từ năm 2005. Tuy theo nghề khá muộn, nhưng nhờ có kinh nghiệm trong sản xuất gỗ nên anh đã nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật, tổ chức sản xuất, kinh doanh tốt. Hiện doanh nghiệp của gia đình anh có khả năng thi công nhiều công trình bằng đá khác nhau, từ xây dựng lăng mộ cỡ lớn cho đến làm cầu, đình, chùa, non bộ… Xưởng đá của gia đình anh cũng đã được chuyên môn hóa khá sâu. Ngoài lực lượng xẻ, pha đá khối thành các hình thù, kích thước phù hợp với từng loại công trình và vật phẩm để tạo hình còn có bộ phận mỹ thuật, chế tác, tạo hình, bộ phận vận chuyển, thi công và tiếp thị kinh doanh… Anh bộc bạch, nghề làm đá mỹ nghệ cơ bản giống với làm gỗ mỹ nghệ. Người thợ phải có trình độ thẩm mỹ cao, có tình yêu thực sự với đá thì mới cho ra được sản phẩm đẹp, có giá trị tinh thần và văn hóa, đáp ứng nhu cầu xã hội.

"Thổi hồn" cho đá để làm giàu

Từ xa xưa, đá đã là thứ vật liệu quen thuộc để con người tạo ra công cụ lao động, sản xuất và dùng xây cầu, đường, nhà, giếng, đền, chùa, đình và nhiều công trình khác. Ngày nay, với sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của con người cùng với sự ứng dụng của khoa học công nghệ, đá, vật lạnh lẽo, vô hồn đã trở thành đồ mỹ nghệ có giá trị thẩm mỹ cao, phục vụ nhiều hơn nhu cầu ngày càng tăng của xã hội.

Bên ấm trà đặc sánh, nóng hổi, thơm phức hương sen, ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng ban quản lý làng nghề ở xã Ninh Vân chia sẻ: Làng đá mỹ nghệ Ninh Vân có cách đây khoảng 400 năm. Người  đầu tiên chế tạo ra những đồ bằng đá là ông ông Hoàng Sùng rồi nhân ra và truyền lại cho con cháu các đời sau. Ngày trước, làm đá mỹ nghệ chỉ tập trung ở làng Hệ, làng Thượng và Xuân Vũ, nhưng bây giờ phát triển rộng ra toàn xã.

Nhà đá, một sản phẩm được trưng bày ngay bên đường vào làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Ninh Vân.
Cựu chiến binh Nguyễn Quang Diệu về hưu từ năm 2007 và năm nay đã 67 tuổi. Tuy không trực tiếp sản xuất đá mỹ nghệ, nhưng ông được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban quản lý làng nghề. Ông nhiệt tình giới thiệu với chúng tôi về hướng phát triển của các doanh nghiệp sản xuất đá mỹ nghệ của địa phương, cùng những sản phẩm độc đáo của làng nghề đã có mặt ở khắp các vùng miền của cả nước. Ông kể, Nhà thờ đá Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình) là một trong những dấu ấn đẹp của người thợ đá Ninh Vân để lại cho hậu thế. Trong thời kỳ đổi mới, các công trình: Tượng đài Bác Hồ ở tỉnh Cao Bằng, tượng đài Hoàng Văn Thụ ở Lạng Sơn, tượng đài Trần Hưng Đạo ở Hải Dương, tượng đài mẹ Suốt ở Quảng Bình; công trình tượng đài mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), cụm tượng đài Bà mẹ Tổ quốc ở TP Hồ Chí Minh... hay công trình cổng Tam Quan, Long sàng (sập rồng) đặt trước đền vua Đinh; rồng đá, bệ đá, đèn đá ở động Thiên Tôn, đền Thái Vi; 500 bức tượng La Hán ở chùa Bái Đính... là sản phẩm đáng tự hào của địa phương chúng tôi.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Diệu trầm tư trong tiếng máy xẻ đá rít réo từ xa vọng lại, nghề đá gian nan và vất vả; không chỉ cần sự kiên trì, nhẫn nại và khéo léo của đôi bàn tay mà cần hơn nhất là tình yêu với đá. Bởi làm đá mỹ nghệ là công việc nặng nhọc và trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Chẳng hạn, muốn làm một bức phù điêu trên đá, những người thợ phải chọn đá phù hợp với kích thước sau đó vẽ phác thảo các nét hoa văn trên mặt rồi mới đục, đẽo và đánh bóng, hoàn thiện. Ông kể, theo các nghệ nhân điêu khắc đá ở Ninh Vân truyền lại, người giỏi điêu khắc đá phải hội tụ đủ hai điều kiện được đúc kết trong câu: “Bạt như kẻ chỉ, thó như hạt chanh”. Điều ấy có nghĩa là, đường bạt trên đá phải dứt khoát, thanh thoát, mềm mại, uyển chuyển, không bị sứt mép; còn các đường thó có hình tròn thì phải đều tăm tắp như hạt chanh. Sau nhiều giờ còng lưng, chùn gối, nhức tay, những nét hoa văn của bức phù điêu hiện ra với độ nông, sâu phù hợp, hài hòa với góc nhìn và ánh sáng soi chiếu hết sức tinh xảo; thể hiện rõ cái hồn cốt và thâm ý cùng tình yêu của người thợ đá trong bức phù điêu.

Anh Nguyễn Vĩnh Cửu ở Thái Bình tìm đến Ninh Vân đặt làm lăng mộ đá cho các cụ trong gia đình rất am hiểu về lĩnh vực chế tác đá mỹ nghệ đã chia sẻ với chúng tôi một cách chân thành: “Làm lăng mộ cho các cụ bằng đá là hợp lý vì nó có độ bền và tính thẩm mỹ cao, trong khi giá thành không đắt hơn so với các vật liệu khác là mấy. Tuy làm theo phương pháp công nghiệp không thể tinh xảo bằng chế tác thủ công, song nó phù hợp với khả năng tài chính của nhiều gia đình”. Tất nhiên, ý kiến ấy chưa phải là đại diện cho đa số, nhưng dù sao khi nhìn vào nhịp sống sôi động của làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, chúng ta cũng mừng hơn cho một hướng đi mới trong chủ trương phát huy tiềm năng, thế mạnh, nội lực của địa phương để vươn lên làm giàu chính đáng. Hy vọng, các doanh nghiệp trong làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân ngày càng phát triển, đem lại sự đổi thay, giàu có cho mảnh đất Cố đô xưa.
                                                              Theo qdnd.vn.
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.516.215
Tổng truy cập: